Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm 2% khi Silicon Valley Bank (SVB) sụp đổ khiến thị trường chứng khoán chao đảo và làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính mới. Song nhu cầu của Trung Quốc hồi phục đã hạn chế đà suy giảm.
Kết thúc phiên này, giá dầu Brent giảm 2,01 USD tương đương 2,4% xuống 80,77 USD/thùng, trước đó giá dầu Brent giảm xuống 78,34 USD/thùng – thấp nhất kể từ đầu tháng 1/2023. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,88 USD tương đương 2,5% xuống 74,8 USD/thùng; đầu phiên có lúc giá dầu WTI giảm xuống 72,3 USD/thùng – thấp nhất kể từ đầu tháng 12/2022.
Ngày 12/3, giới chức Mỹ đã đưa ra biện pháp khẩn cấp để củng cố niềm tin vào hệ thống ngân hàng sau khi mối lo ngại về sự lây lan từ vụ phá sản của SVB thúc đẩy hoạt động bán tháo tài sản tại Mỹ vào cuối tuần trước. Cùng ngày 12/3, các cơ quan quản lý nhà nước đã đóng cửa ngân hàng Signature Bank.
Các chỉ số chứng khoán Mỹ cũng giao dịch sôi nổi khi các nhà đầu tư cân nhắc khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tạm dừng tăng lãi suất trong tháng Ba này.
Việc SVB đóng cửa đột ngột do Fed tăng lãi suất mạnh trong năm ngoái đã gây ra lo ngại về rủi ro đối với các ngân hàng khác, làm dấy lên đồn đoán về việc liệu ngân hàng trung ương này có thể giảm tốc độ thắt chặt tiền tệ.
Nhà phân tích Phil Flynn của công ty tài chính Price Futures Group (Mỹ) nhận định thật ngạc nhiên khi chứng kiến giá dầu giảm mạnh trong phiên 13/3 khi xét đến thực tế là Fed nhiều khả năng sẽ gặp khó khăn hơn trong việc mạnh tăng lãi suất và điều đó sẽ khiến đồng USD suy yếu.
Chỉ số USD đã giảm gần 1% trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ ngắn hạn cũng giảm. Đồng bạc xanh yếu hơn khiến dầu rẻ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác và thường hỗ trợ giá dầu.
Những lo ngại về việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa đã được đào sâu khi dự trữ dầu thô của Mỹ ở mức cao. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết trong tháng Tư sản lượng dầu thô tại các khu vực sản xuất dầu đá phiến lớn nhất của Mỹ dự kiến sẽ tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 12 năm 2019.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng bạc tăng giá mạnh do nhu cầu đối với tài sản an toàn gia tăng sau vụ ngân hàng SVB phá sản và nguy cơ khủng hoảng tài chính làm dấy lên kỳ vọng Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất mạnh mẽ.
Kết thúc phiên, giá vàng giao ngay tăng 2,4% lên 1.921,06 USD/ounce, cao nhất kể từ đầu tháng 2/2023; vàng kỳ hạn tháng 4/2023 tăng 2,6% lên 1.916,5 USD/ounce. Đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm mạnh, bất chấp nỗ lực của các cơ quan quản lý nhằm kiểm soát tình trạng hỗn loạn của Ngân hàng SVB.
Các kim loại quý khác cũng tăng giá theo, với bạc tăng 6,3% lên 21,81 USD/ounce, bạch kim tăng 4% lên 997,60 USD và palladium tăng 7,8% lên 1.485,74 USD.
Bart Melek, người đứng đầu bộ phận chiến lược thị trường hàng hóa thuộc TD Securities, cho biết: “Vàng có vẻ như đang hoàn thành sứ mệnh là một nơi trú ẩn an toàn”, với sự hỗ trợ từ việc bù đắp ngắn hạn cho các khoản đầu tư dài hạn.
Ông Melek cho biết: “Rất nhiều nhà đầu tư đang tìm đến kim loại quý như một nơi trú ẩn an toàn trước sự biến động và rủi ro này… trong bối cảnh kỳ vọng môi trường lãi suất giảm dần và đồng đô la Mỹ đang giảm giá”.
Các thương nhân không còn kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang sẽ tăng lãi suất 50 điểm cơ bản vào tuần tới và dự đoán hiện tại là tăng 25 điểm cơ bản, thậm chí một số người còn kỳ vọng không tăng lãi suất, khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn”.
"Tương lai của giá vàng phần lớn phụ thuộc vào việc liệu các biện pháp của Fed có hiệu quả hay không. Nếu vụ phá sản của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) được coi là một sự cố cá biệt, thì vàng có thể mất một số lợi nhuận gần đây", Alexander Zumpfe, một đại lý kim loại quý cho biết. "Tuy nhiên, nếu cuộc khủng hoảng dẫn đến sự đảo ngược liên tục trong chính sách của Fed, vàng có thể vẫn được mua vào."
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng tăng trong phiên giao dịch đầy biến động khi sự tập trung chuyển sang sự sụp đổ của Ngân hàng SVB.
Kết thúc phiên, giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 0,6% lên 8.923 USD/tấn – cao nhất kể từ ngày 7/3/2023, đầu phiên có lúc giá chạm mức thấp nhất kể từ ngày 6/1/2023. Giá nhôm tăng 0,9% lên 2.334,5 USD/tấn, kẽm tăng 0,3% lên 2.945,0 USD, chì tăng 0,1% lên 2.080,0 USD, trong khi thiếc tăng 1,3% lên 23.210,0 USD và niken tăng 2,6% lên 23.275,0 USD.
Nhà phân tích Carsten Menke của Julius Baer cho biết, sự biến động của giá đồng và các kim loại cơ bản khác là "kết quả của tâm lý e ngại rủi ro chung đang lan rộng trên thị trường tài chính do sự sụp đổ của SVB".
Đồng đô la yếu đi khiến kim loại được định giá bằng đồng đô la trở nênrẻ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Tại Trung Quốc, các dấu hiệu cải thiện nhu cầu đồng đã xuất hiện và hỗ trợ giá. Tồn kho đồng giảm tuần thứ hai liên tiếp xuống mức thấp nhất kể từ ngày 20 tháng 1.
Giá quặng sắt trên thị trường châu Á cũng tăng, với giá trên sàn Singapore tăng vượt ngưỡng 130 USD/tấn, do lợi nhuận của các nhà máy thép được cải thiện và triển vọng nhu cầu tại nước sản xuất thép hàng đầu – Trung Quốc – tăng đã nâng đỡ thị trường, song mối lo ngại về quy định đã hạn chế đà tăng.
Kết thúc phiên, quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2023 trên sàn Đại Liên tăng 0,5% lên 929 CNY (134,63 USD)/tấn, sau khi có tuần tăng thứ 5 liên tiếp. Đồng thời, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 4/2023 trên sàn Singapore tăng 2,5% lên 132 USD/tấn – cao nhất kể từ ngày 21/2/2023. Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây và thép cuộn cán nóng mỗi loại đều tăng 1%, thép cuộn không thay đổi, trong khi thép không gỉ giảm 0,5%.
Trên thị trường nông sản, giá ngô và đậu tương trên sàn Chicago giảm, trong khi giá lúa mì hồi phục sau khi chạm mức thấp nhất 20 tháng trong tuần trước đó.
Trên sàn Chicago, giá lúa mì đỏ, mềm vụ đông kỳ hạn tháng 5/2023 tăng 0,77% lên 6,84-1/2 USD/bushel; đậu tương giao cùng kỳ hạn giảm 15-3/4 US cent xuống 14,91-1/4 USD/bushel – thấp nhất kể từ ngày 2/3/2023; trong khi ngô giảm 3-3/4 US cent xuống 6,13-1/2 USD/bushel.
Nga đã đề xuất mở rộng Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen do Liên Hợp Quốc làm trung gian, cho phép xuất khẩu ngũ cốc an toàn từ các cảng Biển Đen của Ukraine. Việc gia hạn trước khi thỏa thuận hết hạn vào ngày 18 tháng 3 có thể gây áp lực giảm giá ngô và lúa mì đến từ khu vực này.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 5/2023 trên sàn ICE giảm 0,36 US cent tương đương 1,7% xuống 20,8 US cent/lb; đường trắng giao cùng kỳ hạn giảm 7,3 USD tương đương 1,2% xuống 582,6 USD/tấn.
Các đại lý cho biết lo ngại về triển vọng sản xuất giảm sút ở Ấn Độ, Thái Lan và Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ thị trường.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 5/2023 trên sàn ICE tăng 1,4 US cent tương đương 0,8% lên 1,792 USD/lb, trước đó trong phiên chạm mức thấp nhất hơn 1 tháng (1,7325 USD/lb); cà phê robusta giao cùng kỳ hạn giảm 27 USD tương đương 1,3% xuống 2.113 USD/tấn.
Các đại lý cho biết triển vọng mùa màng ở phía nam vành đai cà phê của Brazil đã được cải thiện sau những cơn mưa gần đây, mặc dù các khu vực phía bắc vẫn khô hạn.
Giá cao su trên thị trường Nhật Bản giảm do thị trường chứng khoán nội địa giảm trở lại và đồng yen tăng giá, song giá dầu tăng mạnh đã hạn chế đà giảm.
Kết thúc phiên, trên sàn Osaka, cao su kỳ hạn tháng 8/2023 trên sàn Osaka giảm 1,5 JPY, tương đương 0,7%, xuống 217,7 JPY (1,62 USD)/kg. Trước đó trong phiên có lúc giá chạm 215 JPY/kg – thấp nhất kể từ ngày 2/12/2022. Cao su kỳ hạn tháng 5/2023 trên sàn Thượng Hải giảm 125 CNY xuống 11.970 CNY (1.737,4 USD)/tấn; cao su kỳ hạn tháng 4/2023 trên sàn Singapore tăng 0,5% lên 132,3 US cent/kg.
Sản lượng cao su tại nước xuất khẩu cao su hàng đầu thế giới - Thái Lan - có thể bị ảnh hưởng do giông bão, gió mạnh và mưa đá xảy ra từ ngày 12-14/3 ở các khu vực phía bắc, đông bắc, đông và trung tâm, bao gồm cả Bangkok, khi nước này chuyển sang mùa hè.
Nguồn:Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)