Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng do thị trường lo ngại nguồn cung thắt chặt sau khi Mỹ công bố lệnh trừng phạt mới đối với Iran.
Kết thúc phiên này, giá dầu Brent tăng 1,3 USD tương đương 1,1% lên 119,81 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 2,27 USD tương đương 2% lên 117,58 USD/thùng.
Giá dầu tăng do thị trường thắt chặt và lo ngại về việc nguồn cung có khả năng bị siết chặt hơn nữa. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo nguồn cung dầu mỏ toàn cầu khó có thể đáp ứng được nhu cầu trong năm tới khi các biện pháp trừng phạt siết chặt hơn buộc Nga phải đóng cửa nhiều giếng dầu và số lượng các nhà sản xuất hạn chế sản lượng ngày càng tăng. Theo báo cáo mới nhất của IEA, nhu cầu dầu sẽ tăng hơn nữa trong năm 2023, tăng hơn 2% lên mức cao kỷ lục 101,6 triệu thùng/ngày.
Sự lạc quan về nhu cầu dầu Trung Quốc hồi phục cũng hỗ trợ giá trong phiên này, khi các hạn chế chống Covid-19 được nới lỏng.
Trong bản báo cáo hàng tháng được công bố hôm 14/6, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho biết thị trường dầu mỏ sẽ được cung cấp thấp hơn đáng kể trong nửa cuối năm nay.
Giá dầu mỏ cũng nhận được một số hỗ trợ từ đồng USD yếu. Chỉ số đồng USD, thước đo của đồng bạc xanh so với sáu đồng tiền chủ chốt, giảm 1,45% xuống 103,63 vào cuối phiên 16/6, sau khi giảm 0,37% trong phiên trước đó. Thông thường giá dầu có quan hệ tỷ lệ nghịch với đồng USD.
Các nhà phân tích cho biết giá đã tăng do quyết định của Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc, Tiểu vương quốc và Iran – những đơn vị đã giúp xuất khẩu hóa dầu của Iran.
Ngoài ra, sản lượng dầu của Libya đã giảm xuống còn 100.000-150.000 thùng/ngày, một phần nhỏ so với mức 1,2 triệu thùng/ngày của năm ngoái, trong khi các nhà phân tích vẫn lo ngại rằng nước này có thể gặp vấn đề liên tục trong việc cung cấp dầu trong bối cảnh bất ổn.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng 1% trong bối cảnh đồng USD đi ngược xu hướng thị trường trước triển vọng chính sách cứng rắn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), khiến vàng là lựa chọn tài sản trú ẩn an toàn. Fed hôm 15/6 đã công bố đợt tăng lãi suất lớn nhất trong gần 30 năm với mức tăng 0,75 điểm phần trăm.
Giá vàng giao ngay phiên này tăng 0,9% lên 1.849,68 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 8/2022 tăng 1,7% lên 1.849,9 USD/ounce.
Nhà phân tích cấp cao Edward Moya thuộc OANDA cho hay vàng hiện đang có vẻ khá hấp dẫn khi nhiều người cho rằng nền kinh tế Mỹ đang suy giảm.
Gần đây vàng di chuyển song song với thị trường chứng khoán và trái phiếu. Tuy nhiên, trong phiên 16/6, giá vàng đã tăng bất chấp hoạt động bán tháo mạnh trên Phố Wall do lo ngại về suy thoái. Lạm phát và những bất ổn kinh tế thường hỗ trợ cho vàng, nhưng lãi suất cao hơn sẽ làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng. Carsten Menke, người đứng đầu bộ phận Nghiên cứu của Julius Baer, cho biết sức hấp dẫn làm “nơi trú ẩn an toàn” của vàng có thể mất dần đi nếu Fed chống lạm phát thành công mà không đẩy kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái..
Lo ngại về lạm phát gia tăng cũng đã thúc đẩy các ngân hàng trung ương khác thắt chặt chính sách tiền tệ. Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ đã bất ngờ tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2015 và Ngân hàng trung ương Anh cũng đã hành động tương tự.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 1,2% lên 21,90 USD/ounce, bạch kim tăng 1,3% lên 951,52 USD/ounce, trong khi palladium tăng 1,4% lên 1.887,50 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, gía đồng loạt giảm do triển vọng nhu cầu giảm do Fed tăng mạnh lãi suất làm dấy lên mối lo ngại về suy thoái, trong bối cảnh dữ liệu từ nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới – Trung Quốc – cho thấy tăng trưởng yếu.
Trên sàn London, giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng kết thúc phiên giảm 1,2% xuống 9.119 USD/tấn, trước đó trong phiên giảm xuống mức thấp 9.020 USD/tấn. Giá nhôm giao sau 3 tháng giảm 3% xuống 2.515 USD/tấn, sau khi chạm 2.487 USD/tấn – thấp nhất kể từ ngày 28/7/2021 trong đầu phiên giao dịch.
Giá kẽm phiên này giảm 1,4% xuống 3,593 USD/tấn, chì tăng 1,8% lên 2,114 USD, thiếc giảm 1,5% xuống 31,950 USD và ncikel giảm 2% xuống 25,345 USD.
Fed đã tăng lãi suất lên 75 điểm cơ bản vào 15/6, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1994, để kiềm chế lạm phát tăng vọt. Ngân hàng trung ương Mỹ dự kiến sẽ tăng lãi suất đều đặn trong thời gian còn lại của năm 2022. Ngân hàng Trung ương châu Âu tuần trước đã báo hiệu một chuỗi tăng lãi suất từ tháng Bảy, trong khi Ngân hàng Trung ương Anh tăng lãi suất 25 điểm cơ bản lên 1,25% vào thứ Năm (16/6).
Giá nhà mới của Trung Quốc đã giảm tháng thứ hai trong năm nay do nhu cầu vốn vẫn thấp nay càng giảm nữa do dịch Covid-19 làm suy giảm niềm tin của người mua.
Tuy nhiên, lượng tồn trữ kim loại ở LME giảm đang hỗ trợ giá kim loại. Theo đó, tồn trữ nhôm hiện ở mức thấp nhất 21 năm, là 411.575 tấn, tồn trữ đồng 121,000 tấn, mức thấp nhất trong gần 2 năm, tồn trữ kẽm 79.575 tấn, thấp nhất kể từ tháng 4 năm 2020 và tồn trữ chì ở mức 38.825 tấn, thấp nhất kể từ năm 2007.
Giá sắt thép phiên này giảm, với quặng sắt giảm phiên thứ 5 liên tiếp xuống mức thấp nhất 3 tuần do triển vọng nhu cầu ảm đạm đối với nguyên liệu sản xuất thép từ nước sản xuất thép hàng đầu – Trung Quốc. Một số yếu tố đang làm giảm triển vọng nhu cầu thép tại Trung Quốc, chẳng hạn như mùa mưa thường làm gián đoạn hoạt động xây dựng, các hạn chế nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 bùng phát và lợi nhuận của các nhà máy thép suy giảm.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn Đại Liên giảm 2,5% xuống 867,5 CNY (129,5 USD)/tấn, sau khi chạm 861,5 CNY/tấn – thấp nhất kể từ ngày 26/5/2022; quặng sắt kỳ hạn tháng 7/2022 trên sàn Singapore giảm 0,5% xuống 128,8 USD/tấn, trước đó trong phiên chạm 127,7 USD/tấn – thấp nhất kể từ ngày 27/5/2022; quặng sắt 62% Fe giao ngay sang Trung Quốc chạm mức thấp nhất 3 tuần (133 USD/tấn), công ty tư vấn SteelHome cho biết.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây giảm 1,9%, thép cuộn cán nóng giảm 1,6%, trong khi thép không gỉ tăng 0,2%.
Trên thị trường nông sản, giá lúa mì Mỹ tăng do đồng USD suy yếu và sự không chắc chắn về nguồn cung khi Ukraine có động thái chuyển xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen. Hợp đồng lúa mì giao dịch nhiều nhất trên sàn Chicago kết thúc phiên tăng 28 US cent lên USD/bushel. Giá ngô và đậu tương phiên này cũng tăng do thời tiết khô nóng ở khắp khu vực Trung Tây nước Mỹ đe dọa năng suất cây trồng. Theo đó, giá lúa mì tăng 28 US cent lên 10,78 USD/bushel, giá ngô tăng 12-3/4 US cent lên 7,86-3/4 USD/bushel và giá đậu tương tăng 15 US cent lên 17,08-3/4 USD/bushel.
Nắng nóng gay gắt trên phần lớn miền Trung Tây nước Mỹ có thể gây căng thẳng cho các vụ lúa mì mùa đông -vẫn chưa thu hoạch, trong khi tình trạng khô hạn kéo dài và nhiệt độ kỷ lục đe dọa ngô và đậu tương trước các giai đoạn phát triển quan trọng vào cuối mùa hè này.
"Tại thời điểm này, nhiệt độ cao không thực sự gây hại cho cây trồng", Chuck Shelby, Chủ tịch của Risk Management Commodities cho biết. "Khi bạn chuyển sang khoảng thời gian tháng Bảy đó, đó sẽ là tháng quan trọng. Nhiệt và khô có thể sẽ ảnh hưởng đến sản lượng."
Xuất khẩu của Ukraine vẫn không chắc chắn do Nga đưa ra "hành lang an toàn" cho các chuyến ngũ cốc xuất khẩu từ các cảng Biển Đen.
Giá đường thô phiên này tăng, hồi phục từ mức thấp nhất 1 tháng trong phiên trước đó. Hợp đồng đường thô kỳ hạn tháng 7/2022 trên sàn ICE tăng 0,12 US cent tương đương 0,7% lên 18,58 US cent/lb, sau khi chạm mức thấp nhất 1 tháng (18,38 US cent/lb) ở phiên liền trước. Giá đường trắng kỳ hạn tháng 8/2022 trên sàn London phiên này giảm 2 USD tương đương 0,4% xuống 558,8 USD/tấn.
Giá cà phê phiên này tăng, theo đó cà phê arabica trên sàn New York kỳ hạn tháng 9/2022 tăng 3,3 US cent tương đương 1,4% lên 2,318 USD/lb; robusta kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn London tăng 49 USD tương đương 2,4% lên 2.104 USD/tấn.
Tại Châu Á, giá cà phê robusta loại 4 (80 hạt lỗi) chào bán ở mức trừ lùi 140-150 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 7/2022, thấp hơn mức trừ lùi 170-180 USD/tấn cách đây 1 tuần, trong khi nguồn cung tại Indonesia trở nên dồi dào.
Giao dịch cà phê tại Việt Nam tiếp tục trầm lắng do nguồn cung thắt chặt và nhu cầu cuối vụ suy giảm. Theo đó, cà phê robusta xuất khẩu của Việt Nam (loại 2, 5% đen & vỡ) chào bán ở mức trừ lùi 160 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn London, so với mức trừ lùi 150-160 USD/tấn cách đây 1 tuần.
Giá cao su tại Nhật Bản vững trong phiên vừa qua do kỳ vọng nhu cầu cao su tự nhiên ở Trung Quốc phục hồi làm giảm lo ngại về triển vọng kinh tế Nhật Bản sau khi nước này công bố thâm hụt thương mại ngày càng tăng.
Cụ thể, giá cao su kỳ hạn tháng 11/2022 trên sàn Osaka tăng 0,5 JPY tương đương 0,2% lên 254,1 JPY (1,89 USD)/kg; cao su kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn Thượng Hải giảm 40 CNY xuống 12.840 CNY (1.912,93 USD)/tấn, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 13/5/2022 (12.770 CNY/tấn) lúc đầu phiên giao dịch; trong khi cao su kỳ hạn tháng 7 trên sàn Singapore giảm 0,1% xuống 161,1 U.S. cents/kg.
Nguồn:Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)