Trên thị trường năng lượng, giá dầu hồi phục sau khi một quan chức hàng đầu của Nga cho biết thị trường dầu mỏ thế giới đang ở trạng thái cân bằng.
Phó thủ thướng Nga Alexander Novak cho biết OPEC+ không thấy cần thiết phải cắt giảm thêm sản lượng dầu nhưng luôn có thể điều chỉnh chính sách của họ. Nga là một phần của OPEC+, tổ chức trong tháng này đã thông báo mức giảm sản lượng tổng cộng khoảng 1,16 triệu thùng/ngày, một quyết định bất ngờ mà Mỹ mô tả là không khôn ngoan và khiến giá dầu tăng cao.
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu thô Brent tăng 68 US cent lên 78,37 USD/thùng, dầu WTI tăng 46 US cent lên 74,76 USD/thùng.
Andrew Lipow, chủ tịch của Lipow Oil Associates tại Houston, cho biết: “Giá dầu thô tăng nhẹ là do hoạt động mua bù sau đợt đợt bán tháo trong vài ngày qua”.
Trong phiên trước đó giá dầu giảm gần 4% do lo lắng về suy thoái kinh tế của Mỹ làm át đi thông tin dự trữ dầu thô của Mỹ giảm nhiều hơn dựkiến.
Các nhà đầu tư đang theo dõi số liệu kinh tế để có manh mối chiều hướng nhu cầu năng lượng.
Tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong quý 1 chậm hơn nhiều so với dự kiến, mặc dù đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm trong tuần trước.Các nhà phân tích cho rằng lợi nhuận của nhà máy lọc dầu yếu kém là một lực cản lớn đối với giá dầu, Tamas Varga nhà môi giới dầu mỏ của tập đoàn PVM chỉ ra rằng dầu đốt và dầu diesel là thủ phạm chính gây ra sự suy yếu quá mức như hiện nay.
Nga đã tăng cường xuất khẩu sản phẩm dầu mỏ bất chấp cấm vận và áp trần giá dầu của EU.
Ole Hansen, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa của Saxo Bank, cho biết tỷ suất lợi nhuận của nhà máy lọc dầu giảm có thể dẫn đến việc cắt giảm hoạt động và giảm nhu cầu dầu thô.
Các nhà giao dịch sẽ theo dõi dữ liệu về tổng sản phẩm quốc nội khu vực đồng euro trong quý 1, công bố vào ngày 28/4. Số liệu này có thể ảnh hưởng tới quyết định chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Châu Âu trong cuộc họp ngày 4/5.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng biến động trái chiều. Theo đó, giá vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 1.988,08 USD/ounce do USD tăng sau khi số liệu kinh tế của Mỹ suy yếu. Trong khi đó, vàng Mỹ kỳ hạn tháng 6 tăng 0,2% lên 1.999 USD/ounce.
Số liệu cho thấy tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ trong quý 1 tăng chậm hơn dự kiến, nhưng thị trường tập trung vào số liệu lạm phát cao hơn dự báo. Điều đó thúc đẩy các nhà đầu tư tìm tới đồng USD, khiến vàng trở nên đắt đỏ đối với người giữ ngoại tệ khác.
Thị trường dự đoán 87% khả năng Fed sẽ nâng lãi suất 25 điểm cơ bản trong cuộc họp ngày 2-3/5. Các nhà đầu tư hiện nay đợi chỉ số tiêu dùng cá nhân PCE tháng 3 của Mỹ công bố vào ngày 28/4.
Jim Wyckoff, nhà phân tích cao cấp của Kitco Metals cho biết: "Nếu ngày mai chúng ta nhận được một con số PCE cao hơn thì điều đó sẽ làm giảm giá vàng từ góc độ nhu cầu toàn cầu đối với thị trường kim loại".
Trong các phiên trước, giá vàng đã tìm thấy sự hỗ trợ từ những lo ngại về lĩnh vực ngân hàng Mỹ, với việc các quan chức chính phủ Mỹ cho đến nay không muốn can thiệp vào quá trình giải cứu ngân hàng First Republic Bank. Ngoài ra, các cuộc thảo luận xung quanh trần nợ của Mỹ đẩy lãi suất trái phiếu kho bạc tăng cũng tác động đến giá vàng.
Nhà phân tích độc lập Ross Norman cho biết, mặc dù lãi suất cao hơn có tác dụng ngược với vàng vì nó không mang lại bất kỳ lợi tức nào, nhưng chúng có thể có lợi cho vàng thỏi vì làm tăng khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng ngân hàng khác.
Giá vàng thỏi đã đạt mức cao nhất trong vòng hơn một năm, đạt 2.048,71 USD vào giữa tháng 4 khi lĩnh vực ngân hàng phương tây gặp khó khăn.
Giá bạc phiên này tăng 0,1% lên 24,91 USD/ounce, bạch kim giảm 0,9% xuống 1.079,52 USD và palladium giảm 1,2% xuống 1.494,07 USD.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng phục hồi sau khi giảm xuống mức thấp nhất gần 4 tháng sau khi số liệu kinh tế của Mỹ thúc đẩy USD tăng và nhà đầu tư lo lắng về nhu nhu cầu tại Trung Quốc.
Kết thúc phiên này, giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch LME tăng 0,3% lên 8.574,5 USD, hồi phục từ mức thấp nhất kể từ ngày 6/1 là 8.426 USD/tấn.
Giá giảm khi các nhà đầu tư tập trung sự chú ý vào yếu tố lạm phát của số liệu kinh tế Mỹ cao hơn dự kiến khiến chỉ số USD tăng. Nhưng sau đó giá hồi phục do chứng khoán Mỹ tăng đkhuyến khích mua vào các tài sản rủi ro khác.
Dữ liệu cho thấy lợi nhuận của các công ty công nghiệp Trung Quốc giảm 19,2% trong tháng 3, nhấn mạnh sự mong manh trong lĩnh vực tiêu thụ nhiều kim loại. Các công ty Trung Quốc sản xuất sản phẩm đồng cho biết họ thường cắt giảm sản lượng trong quý 2, thường là mùa cao điểm, vì tiêu thụ trong nước phục hồi chậm hơn dự kiến sau Covid-19 và xuất khẩu chậm chạp.
Về những kim loại cơ bản khác, giá nhôm giảm 0,3% xuống 2.320 USD/tấn, kẽm giảm 0,1% xuống 2.643 USD trong khi chì tăng 0,1% lên 2.107 USD, niken tăng 1,8% lên 24.060 USD và thiếc tăng 0,9% lên 25.990 USD.
Giá quặng sắt biến động trái chiều, tăng ở Trung Quốc trong khi giảm ở Singapore do sự không chắc chắn về nhu cầu đối với nguyên liệu sản xuất thép ở Trung Quốc khiến các thương nhân thận trọng.
Kết thúc phiên, quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn Đại Liên tăng 1,3% lên 718,5 nhân dân tệ (103,76 USD)/tấn, hồi phục từ mức thấp nhất 19 tuần. Tuy nhiên, trên Sàn giao dịch Singapore, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5 giảm 0,5% xuống 104,70 USD/tấn vào lúc 0444 GMT.
Nhu cầu thép tại Trung Quốc trong quý đầu tiên tăng 1,9% so với một năm trước, cao hơn dự kiến, Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA) cho biết trong một cuộc họp báo hàng quý vào thứ Tư.
Các nhà phân tích đã mô tả tốc độ phục hồi nhu cầu thép ở Trung Quốc là đáng thất vọng, chỉ ra rằng đó là lý do khiến giá giảm làm giảm lợi nhuận của các nhà sản xuất thép. CISA đã kêu gọi các nhà sản xuất cắt giảm sản lượng để giúp đảm bảo dòng tiền ổn định.
Tính chung cả tuần, giá quặng sắt trên cả sàn Đại Liên và Singapore đều giảm, tính chung cả tháng 4 cũng giảm.
Giá thép cây trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải phiên này tăng 0,7%, thép cuộn cán nóng tăng 0,4% và thép không gỉ tăng 1,1%, trong khi thép cuộn giảm 1,7%.
Trên thị trường nông sản, giá ngô trên sàn giao dịch Chicago giảm sau khi Trung Quốc hủy việc mua hàng trăm nghìn tấn ngô của Mỹ.
Hợp đồng ngô kỳ hạn tháng 7 trên sàn giao dịch Chicago đóng cửa giảm 19-1/2 US cent xuống 5,81 USD/bushel, trước đó giá đã xuống 5,80-1/2 USD/bushel, thấp nhất kể từ tháng 7/2022.
Lúa mì mềm đỏ vụ đông đóng cửa giảm trong bối cảnh giá tại Châu Âu yếu và thời tiết ở Canada tốt lên, thuận lợi cho việc gieo trồng. Giá đậu tương giảm trong bối cảnh cạnh tranh xuất khẩu quốc tế và tăng cường gieo trồng ở Mỹ.
Hợp đồng lúa mì mềm đỏ vụ đông kỳ hạn tháng 7 giảm 12-3/4 US cent xuống 6,29-1/4 USD/bushel, trong phiên có lúc giá giảm xuống 6,25-1/2 USD, thấp nhất kể từ tháng 7/2021. Giá đậu tương trên sàn Chicago kỳ hạn tháng 7 giảm 11 US cent xuống 14,03-3/4 US/bushel, giá đã xuống 14,01-3/4 USD trong phiên này, thấp nhất kể từ tháng 10/2022.
Giá đường thô và đường trắng kỳ hạn trên sàn ICE đã tăng lên mức cao nhất 11,5 năm vào thứ Năm do gia tăng lo ngại về nguồn bởi mưa gần đây ở Brazil.
Kết thúc phiên, giá đường thô kỳ hạn tháng 5 tăng 0,48 US cent hay 1,8% lên 26,99 US cent/lb sau khi thiết lập mức cao nhất 11,5 năm tại 27,41 US cent; đường trắng kỳ hạn tháng 8 tăng 25 USD hay 3,6% lên 720,1 USD/tấn sau khi thiết lập mức cao nhất 11,5 năm tại 730,5 USD/tấn.
Dự đoán sản lượng tại Ấn Độ, Thái Lan và Trung Quốc thấp hơn dự kiến đã thắt chặt nguồn cung trong khi vụ thu hoạch tại Trung Nam Brazil bị chậm lại do mưa.
Tổ chức Unica báo cáo sản lượng đường tại khu vực Trung Nam Brazil đạt tổng cộng 542.000 tấn, thấp hơn dự kiến trong nửa đầu tháng 4.
Có thông tin về việc Ấn Độ hạn chế mới đối với nhập khẩu đường, nhưng thông tin này chưa được xác nhận.
Giá cà phê phiên này giảm, với cà phê robusta kỳ hạn tháng 7 giảm 8 USD hay 0,3% xuống 2.405 USD/tấn; cà phê arabica giao cùng kỳ hạn giảm 3,4 US cent hay 1,8% xuống 1,882 USD/lb.
Thị trường này cà phê tiếp tục được củng cố bởi nguồn cung khan hiếm khi người trồng cà phê ở Việt Nam còn ít hàng để bán. Vụ thu hoạch tại Brazil cũng mới bắt đầu.
Giá trừ lùi của cà phê Việt Nam tiếp tục tăng trong tuần này do giá thế giới cao cũng như nguồn cung khan hiếm bởi nông dân đã bán gần hết lượng cà phê dự trữ, trong khi mức cộng giá cà phê Indonesia thu hẹp do nguồn cung bắt đầu đưa ra thị trường.
Tuần này, người trồng cà phê ở Tây Nguyên đã bán cà phê ở mức 50.500 – 52.200 đồng (2,15 – 2,22 USD)/kg tăng từ 50.300 – 52.000 đồng/kg một tuần trước. Giá cà phê robusta loại 2 (5% hạt đen và vỡ) được chào bán ở mức trừ lùi 120 – 130 USD/tấn so với hợp đồng ICE kỳ hạn tháng 7, so với trừ lùi 30 – 50 USD/tấn cách đây một tuần.
Giá cà phê robusta Lampung (Indonesia) được bán với gí cao hơn 40 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 7, giảm so với mức cộng 100 USD/tấn hai tuần trước, do nguồn cung mới bắt đầu ra thị trường và giá tại London tăng.
Giá cao su trên thị trường Nhật Bản giảm phiên thứ hai liên tiếp do lo ngại nguồn cung tại các nước sản xuất hàng đầu thế giới giảm trong khi số liệu kinh tế cho thấy sự suy yếu.
Kết thúc phiên này, giá cao su kỳ hạn tháng 10 trên sàn giao dịch Osaka giảm 3,7 JPY, hay 1,8%, xuống 207,7 JPY (1,55 USD)/kg. Tại Thượng Hải cao su giao tháng 9 giảm 210 CNY xuống 11.740 CNY (1.698,13) USD/tấn. Giá cao su kỳ hạn tháng 5 trên nền tảng SICOM của Sở giao dịch Singapore giảm 1,8% xuống 133,9 US cent/kg.
Chưa có thông tin gì về đợt nắng nóng ở Thái Lan và bệnh rễ trắng ở Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới sản lượng, thị trường mất niềm tin vào xu hướng tăng giá, ngoài ra bất kỳ tác động nào về nguồn cung sẽ chỉ rõ ràng sau khoảng 2 tuần.
Lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghiệp Trung Quốc giảm với tốc độ chậm lại trong quý đầu tiên, do nền kinh tế vẫn chưa được đảm bảo về sự phục hồi hoàn toàn mặc dù các lĩnh vực dịch vụ và tiêu dùng phục hồi.