menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng kết giá hàng hóa TG phiên 6/9: Giá dầu và vàng giảm, cà phê tăng

11:20 07/09/2022

Phiên giao dịch vừa qua, giá dầu quay đầu giảm. Đáng chú ý, các mặt hàng như cao su và nhôm cũng giảm mạnh do lo ngại về nhu cầu yếu.
 
Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm, đảo ngược xu hướng tăng của 2 phiên liền trước, do OPEC lên kế hoạch cắt giảm sản lượng lần đầu tiên kể từ năm 2020 trong bối cảnh lo ngại việc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất và những biện pháp hạn chế chống Covid-19 ở Trung Quốc làm suy yếu nhu cầu nhiên liệu.
Kết thúc phiên, giá dầu Brent giảm 2,91 USD, tương đương 3%, xuống 92,83 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm hơn 2% xuống 88,88 USD/thùng.
Tamas Varga của công ty dịch vụ dầu khí PVM Oil (Vương quốc Anh) cho biết, sau thông tin từ OPEC+, sự chú ý của thị trường tạm thời chuyển sang những lo ngại về kinh tế và lạm phát, trong đó hai yếu tố liên quan là việc đóng cửa để ngăn chặn dịch COVID-19 kéo dài ở Trung Quốc và quyết định về lãi suất của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) ngày 8/9.
Trung Quốc đã nới lỏng một số hạn chế liên quan đến Covid-19, nhưng mở rộng phạm vi phong tỏa ở Thành Đô, điều này làm tăng thêm lo ngại rằng lạm phát cao và lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu dầu. ECB dự kiến sẽ tăng lãi suất mạnh khi nhóm họp vào ngày 8/9 tới.
Đồng USD tăng khoảng 0,6% nhờ số liệu về lĩnh vực dịch vụ của Mỹ tốt hơn dự kiến. Đồng USD mạnh lên cũng gây sức ép lên giá dầu. Thông tin về hoạt động của lĩnh vực dịch vụ làm dấy lên kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất, điều có thể gây ra suy thoái và làm giảm nhu cầu nhiên liệu.
Nhà phân tích của công ty tư vấn đầu tư Price Futures ở Chicago (Mỹ), Phil Flynn, cho biết về cơ bản, những yếu tố ảnh hưởng đến thị trường hiện nay là nguồn cung thắt chặt và lo ngại về sự suy giảm kinh tế có thể xảy ra trong tương lai.
Bob Yawger, Giám đốc bộ phận các hợp đồng tương lai tại công ty chứng khoán Mizuho Securities (Nhật Bản), nhận định những dấu hiệu về khả năng hồi sinh thỏa thuận hạt nhân của Iran với các cường quốc thế giới ít tác động đến thị trường dầu hơn là động thái cắt giảm sản lượng của OPEC+.
Ngày 5/9, OPEC+ đã quyết định cắt giảm mục tiêu sản lượng tháng 10 xuống 100.000 thùng/ngày. Giá dầu đã tăng trước và sau khi quyết định này được đưa ra.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng lúc mở cửa phiên giao dịch đạt mức cao nhất trong vòng 1 tuần, sau đó hạ nhiệt giảm do đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng, trong bối cảnh kỳ vọng chính sách tiền tệ tích cực thắt chặt bởi các ngân hàng trung ương lớn.
Kết thúc phiên, giá vàng giao ngay giảm 0,6% xuống 1.699,7 USD/ounce, sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 30/8/2022, là 1.726,49 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 12/2022 giảm 0,6% xuống 1.712,9 USD/ounce.
Trong tuần này, các nhà đầu tư tập trung chú ý tới cuộc họp của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) ngày 8/9 tới, trong đó ngân hàng này dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản.
Trong khi đó, thị trường đặt cược 73% khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong cuộc họp ngày 20-21/9 tới.
Daniel Ghali, chiến lược gia hàng hóa tại công ty môi giới đầu tư TD Securities (Mỹ) cho biết áp lực lên thị trường hiện nay đều liên quan đến triển vọng chính sách tiền tệ trên toàn thế giới trong năm tới.
Đồng USD đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 20 năm sau số liệu cho thấy ngành dịch vụ của Mỹ tăng trở lại vào tháng 8/2022, khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua ở nước ngoài. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2022 do đồn đoán Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Lợi suất cao hơn làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không sinh lợi như vàng.
Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao thuộc công ty môi giới giao dịch hàng hóa kỳ hạn RJO Futures (Mỹ) nhận định đồng USD và lợi suất trái phiếu tăng đã gây áp lực giảm lên giá vàng. Theo ông, mặc dù thị trường có thể xuất hiện một vài hoạt động mua vào giá rẻ, giúp vàng duy trì ở một mức trên thị trường, song rất khó để vàng có thể phục hồi với điều kiện hiện nay.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 1,2% xuống 17,95 USD/ounce; palladium giảm 2% xuống 1.992,95 USD/ounce; trong khi giá bạch kim giao ngay tăng 0,5% lên 850,21 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá nhôm giảm xuống mức thấp nhất 17 tháng do đồng USD tăng mạnh và lo ngại kinh tế suy yếu làm át đi tác động tiêu cực từ việc sản lượng nhôm tại châu Âu bị cắt giảm.
Kết thúc phiên này, giá nhôm kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 1,1% xuống 2.260 USD/tấn. Giá nhôm đã giảm 45% từ mức cao kỷ lục trong tháng 3/2022 và giảm 19% từ đầu năm đến nay.
Yếu tố hỗ trợ giá nhôm tăng lúc này là khủng hoảng năng lượng tại châu Âu và việc kiểm soát Covid-19 chặt chẽ tại Trung Quốc đã làm chậm hoạt động kinh tế và ảnh hưởng đến đồng euro và nhân dân tệ.
Giá năng lượng cao ngất ngưởng ở châu Âu đã buộc các nhà máy luyện nhôm phải giảm sản lượng - với nhà máy luyện nhôm lớn nhất của Pháp hôm thứ Ba trở thành nhà máy mới nhất bị cắt giảm sản lượng. Tuy nhiên, khủng hoảng năng lượng cũng ảnh hưởng tới các ngành công nghiệp khác, làm giảm nhu cầu. Nhà phân tích Ole Hansen của Ngân hàng Saxo cho biết giá khó có khả năng phục hồi cho đến khi đồng USD ngừng tăng. Các nhà phân tích tại Citi cho biết: “Tiêu thụ kim loại sẽ giảm do suy thoái ở châu Âu trong những tháng tới”. Nhưng Citi cho biết việc cắt giảm nguồn cung vẫn có thể đẩy giá nhôm tăng lên.
Về những kim loại cơ bản khác, giá đồng tăng 0,4% lên 7.686,50 USD/tấn, kẽm giảm 1% xuống 3.166 USD, niken tăng 0,7% lên 21.605 USD, chì tăng 1,2% lên 1.897 USD và thiếc giảm 1,7% ở mức 21.255 USD.
Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên tăng phiên thứ 2 liên tiếp sau khi Trung Quốc - nước sản xuất thép hàng đầu thế giới – dự kiến thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế bổ sung và ngân hàng trung ương nước này cắt giảm tỉ lệ dự trữ ngoại hối để hỗ trợ đồng CNY,
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn Đại Liên tăng 1,8% lên 691,5 CNY (99,67 USD/tấn).
Trong khi đó, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 10/2022 trên sàn Singapore giảm 1,3% xuống 96,65 USD/tấn. Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 0,8%, thép cuộn cán nóng tăng 1,5% và thép không gỉ tăng 4,2%.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết, sẽ cắt giảm tỉ lệ dự trữ ngoại hối bắt buộc xuống 6% từ mức 8% có hiệu lực từ ngày 15/9/2022.
Trên thị trường nông sản, giá đậu tương Mỹ giảm 1,5% trong khi ngô Mỹ tăng 1,5%. Theo đó, giá đậu tương kỳ hạn tháng 11/2022 trên sàn Chicago giảm 21-3/4 US cent xuống 13,98-3/4 USD/bushel. Giá ngô kỳ hạn tháng 12/2022 tăng 10-1/4 US cent lên 6,76 USD/bushel và giá lúa mì đỏ mềm, vụ đông kỳ hạn tháng 12/2022 tăng 6 US cent lên 8,17 USD/bushel.
Giá đường trắng trên sàn London giảm sau khi đạt mức cao nhất 7 tuần trong phiên trước đó, song mối lo ngại về nguồn cung và nhu cầu tăng mạnh đã hạn chế đà suy giảm.
Giá đường trắng kỳ hạn tháng 10/2022 trên sàn London giảm 8,3 USD tương đương 1,4% xuống 573,2 USD/tấn, sau khi đạt mức cao nhất 7 tuần (583,8 USD/tấn) trong phiên trước đó; đường thô kỳ hạn tháng 10/2022 trên sàn ICE giảm 0,17 US cent tương đương 0,9% xuống 17,98 US cent/lb.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12/2022 trên sàn ICE tăng 1,45 US cent tương đương 0,6% lên 2,3025 USD/lb, sau khi đạt mức cao nhất 6 tháng (2,4295 USD/lb) trong tuần trước đó. Trong phiên có lúc chạm 2,2685 USD/lb – thấp nhất kể từ ngày 23/8/2022; cà phê robusta kỳ hạn tháng 11/2022 trên sàn London tăng 45 USD tương đương 2% lên 2.262 USD/tấn, sau khi đạt mức cao nhất 7,5 tháng (2.355 USD/tấn) hôm 24/8/2022.
Giá cao su tại Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất 11 tháng, chịu áp lực bởi giá cao su tại thị trường Thượng Hải giảm và lo ngại về nhu cầu tại nước tiêu thụ hàng đầu – Trung Quốc – chậm lại, khi các hạn chế về Covid-19 vẫn tiếp diễn.
Theo đó, giá cao su kỳ hạn tháng 2/2023 trên sàn Osaka giảm 2,7 JPY tương đương 1,2% xuống 214,8 JPY (1,52 USD)/kg, đóng cửa trong phiên chạm mức thấp nhất kể từ đầu tháng 10/2021; cao su kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn Thượng Hải giảm 55 CNY xuống 12.310 CNY (1.774 USD)/tấn; cao su kỳ hạn tháng 10/2022 trên sàn Singapore giảm 1,6% xuống 131,2 US cent/kg.
Lo ngại về nhu cầu cao su tại nước mua hàng đầu – Trung Quốc – chậm lại, khi nước này đối mặt với khủng hoảng bất động sản, các đợt nắng nóng làm gián đoạn hoạt động sản xuất và các hạn chế về Covid-19 kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động công nghiệp và tiêu thụ.
Giá hàng hóa thế giới

Nguồn:Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)

Tags: hàng hóa