menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng kết giá hàng hóa TG phiên 7/6: Giá biến động

12:52 08/06/2022

Phiên giao dịch vừa qua, giá dầu và vàng tăng, trong khi các hàng hóa khác giảm.
 
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng 1%, với dầu thô đạt mức cao nhất trong 13 tuần do lo ngại nguồn cung thiếu hụt, trong bối cảnh có khả năng Mỹ không đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran trong khi triển vọng nhu cầu ở Trung Quốc ở Trung Quốc sẽ tăng lên sau khi nước này dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa.
Kết quả thăm dò ý kiến của Reuters cho thấy các nhà phân tích ước tính tồn trữ dầu thô của Mỹ tuần trước giảm.
Robert Yawger, giám đốc điều hành của Mizuho phụ trách mảng hợp đồng năng lượng kỳ hạn tương lai, cho biết "một số con số" trong báo cáo của EIA cho thấy "khoảng cách ấn tượng so với mức thấp lịch sử", bao gồm cả kho dự trữ dầu thô quốc gia, kho chứa dầu thô tại Cushing, Oklahoma và kho chứa dầu thô dự trữ chiến lược. EIA ỹ dự báo sản lượng dầu thô và nhu cầu xăng dầu của Mỹ sẽ tăng vào năm 2022.
Kết thúc phiên 7/6, giá dầu Brent tăng 1,06 USD, tương đương 0,9%, lên 120,57 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 31 tháng 5; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 91 cent, tương đương 0,8% lên 119,41 USD, mức cao nhất kể từ ngày 8 tháng 3 và cũng là mức cao nhất kể từ tháng 8 năm 2008.
Thông tin từ Mỹ cho biết yêu cầu của Iran về việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đang ngăn cản tiến trình khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Các nhà phân tích đã luôn kỳ vọng một thỏa thuận có thể bổ sung thêm 1 triệu thùng dầu mỗi ngày cho nguồn cung dầu thế giới.
Giá cũng được hỗ trợ bởi kỳ vọng nhu cầu sẽ phục hồi ở Trung Quốc, nơi thủ đô Bắc Kinh và trung tâm thương mại Thượng Hải đã hoạt động trở lại bình thường sau 2 tháng ngừng hoạt động.
Ngoài ra, các nhà phân tích nghi ngờ nguồn cung dầu toàn cầu có khả năng tăng nhiều sau quyết định tăng sản lượng của OPEC + vào tuần trước. Các nhà phân tích cho biết, mức tăng hạn ngạch từ OPEC +, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất đồng minh, bao gồm cả Nga, thấp hơn lượng dầu thô Nga mất đi do các lệnh trừng phạt của phương Tây, do đó không giải quyết được tình trạng thiếu hụt các sản phẩm dầu.
Giám đốc điều hành của Trafigura cho biết giá dầu có thể sớm chạm mức 150 USD/thùng và thậm chí cao hơn nữa trong năm nay, với nhu cầu có thể giảm vào cuối năm nay.
Goldman Sachs đã tăng dự báo giá dầu Brent thêm 10 USD lên 135 USD/thùng trong khoảng thời gian từ nửa cuối năm 2022 đến nửa đầu năm sau, với lý do thâm hụt nguồn cung cơ cấu chưa được giải quyết.
Cũng liên quan đến nguồn cung, mỏ dầu Sharara ở Libya lại bị ngừng hoạt động vào cuối ngày thứ Hai (6/6) và ở Na Uy, hơn 1/10 công nhân dầu khí ngoài khơi có kế hoạch đình công từ Chủ nhật (5/6) nếu việc hòa giải lương do nhà nước môi giới không thành công.
Đối với mặt hàng khí đốt, giá trên thị trường châu Âu biến động không đồng nhất khi nguồn cung gió dự kiến sẽ giảm ở Đức và chỉ tăng nhẹ ở Pháp, trong khi nhu cầu dự kiến tăng ở cả hai quốc gia sau khi kết thúc kỳ nghỉ lễ.
Giá khí đốt tại Mỹ giảm khỏi mức cao nhất trong vòng 13 năm do dự báo thời tiết ở nước này sẽ nóng và nhu cầu sẽ tăng cao hơn dự kiến, trong bối cảnh sản lượng giảm, năng lượng gió thấp và nhu cầu điện cao kỷ lục ở Texas.
Nhu cầu điện năng ở Texas đã phá kỷ lục tháng 6 vào thứ Hai và sẽ tiếp tục tăng cho đến khi phá vỡ mức cao nhất mọi thời đại vào cuối tuần này khi tăng trưởng kinh tế thúc đẩy mức sử dụng nói chung và thời tiết nóng bức khiến các gia đình và doanh nghiệp phải sử dụng máy điều hòa nhiệt độ.
Giá khí đốt kỳ hạn giao tháng 7 kết thúc phiên giảm 2,9 cent, tương đương 0,3% xuống 9,293 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu). Vào thứ Hai (6/6), hợp đồng này kết thúc phiên ở mức cao nhất kể từ tháng 8 năm 2008.
Giá khí đốt giao sau của Mỹ đã tăng khoảng 151% từ đầu năm đến nay do giá tăng mạnh ở châu Âu và châu Á khiến nhu cầu xuất khẩu LNG của Mỹ tăng mạnh, đặc biệt là sau cuộc xung đột ở Ukraine, làm dấy lên lo ngại rằng Moscow có thể cắt nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng do USD giảm trong khi các nhà đầu tư tập trung vào dữ liệu lạm phát của Mỹ - sẽ công bố vào cuối tuần này - để tìm ra những dấu hiệu về quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Giá vàng giao ngay kết thúc phiên tăng 0,5% lên 1.850,07 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn tháng 8 tăng 0,5% lên 1.852,10 USD.
Yếu tố cơ bản làm tăng cường sức hấp dẫn của vàng đối với người mua ở nước ngoài là chỉ số đồng USD giảm khỏi mức cao. Chiến lược gia thị trường cấp cao của RJO Futures, Bob Haberkorn, cho rằng giá vàng tăng là do nhà đầu tư săn hàng giá rẻ sau khi giá lúc đầu phhieen giảm ban đầu xuống dưới mức 1.850 USD và sự thoái lui nhẹ của đồng USD.
"Nhưng thị trường biết rằng xu hướng tăng của giá vàng dường như đang bị hạn chế. Hãy chờ xem Fed sẽ quyết liệt như thế nào hoặc liệu họ có đưa ra bất kỳ tuyên bố mới nào hay không", ông Haberkorn nói thêm.
Mặc dù vàng được coi là một biện pháp phòng ngừa lạm phát, nhưng việc tăng lãi suất vẫn là một cơn gió ngược vì điều đó làm giảm sức hấp dẫn của vàng thỏi.
Jim Wyckoff, nhà phân tích cấp cao của Kitco Metals cho biết: “Các nhà giao dịch vàng có xu hướng coi các cuộc họp của ngân hàng trung ương và các động thái chính sách tiền tệ như một con dao hai lưỡi”.
Về những kim loại quý khác, giá bạch kim phiên này giảm 0,8% xuống 1.009,50 USD/ounce; palladium giảm 1,2% xuống 1.979,69 USD; bạc tăng 0,3% lên 22,13 USD.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng giảm do lo ngại về triển vọng nhu cầu ở Trung Quốc, nước tiêu dùng hàng đầu thế giới, mặc dù lượng hàng lưu kho được chấp thuận bởi Sở giao dịch kim loại London (LME) giảm mạnh.
Kết thúc phiên, giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn LME giảm 0,4% xuống 9.707 USD/tấn. Trong phiên liền trước giá đồng đã chạm mức cao nhất trong 5 tuần, là 9.916,19 USD, do lạc quan rằng Trung Quốc dỡ bỏ phong tỏa sẽ thúc đẩy nhu cầu.
Giá nhôm phiên này cũng, mặc dù lượng lưu kho của sàn LME giảm xuống mức thấp nhất trong 21 năm, là 441.725 tấn. Giá nhôm trên sàn LME cũng giảm 0,2% xuống 2,778 USD/tấn.
Edward Meir, nhà phân tích thuộc ED&F Man Capital Markets cho biết: “Mặc dù có một số thị trường hàng hóa có phản ứng, nhưng hiện vẫn chưa rõ quyền Trung Quốc sẽ xử lý với dịch COVID như thế nào trong tương lai”. "Chừng nào các nhà chức trách Trung Quốc tiếp tục theo đuổi các chính sách Zero COVID, thì sự phục hồi của Trung Quốc sẽ chỉ giống như một thời điểm “nghỉ ngơi” để sau đó sẽ là những tác động không chắc chắn đối với cả tăng trưởng và nhu cầu kim loại."
Dự trữ đồng trong các kho LME giảm 20.200 tấn xuống 120.775 tấn, thấp nhất kể từ ngày 14 tháng 4. Dự trữ nhôm trong các kho LME đã giảm xuống mức thấp nhất trong 21 năm là 441.725 tấn.
Giá kẽm phiên này cũng giảm 2% xuống 3.794 USD/tấn, chì tăng 0,1% lên 2.216 USD, thiếc tăng 1,4% lên 36.100 USD và nickel giảm 0,6% xuống 29.525 USD.
Giá quặng sắt kỳ hạn tương lai trên thị trường châu Á giảm do các thương nhân lo ngại về việc giá cao làm giảm biên lợi nhuận của các nhà máy thép sau một đợt giá tăng trước đó, khi nhu cầu của Trung Quốc đối với nguyên liệu sản xuất thép.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc kết thúc phiên giao dịch ban ngày giảm 0,6% ở mức 928,50 nhân dân tệ (139,32 USD)/tấn, sau khi chạm mức cao nhất trong 10 tháng ở phiên liền trước.
Hợp đồng quặng sắt giao dịch sôi động nhất trên Sàn giao dịch Singapore – kỳ hạn tháng 7 - giảm 0,2% xuống 143,55 USD/tấn.
Đợt giá quặng sắt đã kết thúc vào thứ (6/6), đưa giá quặng sắt giao ngay tại Trung Quốc tăng lên mức cao nhất trong sáu tuần, là 144,50 USD/tấn, sau khi Bắc Kinh nhiều lần cam kết hỗ trợ nền kinh tế trong nước đang gặp khó khăn.
Tuy nhiên, giá các nguyên liệu đầu vào của thép cao và đang gia tăng gây thách thức đối với các nhà máy do nhu cầu vẫn chưa tăng mạnh sau nhiều tuần ngừng hoạt động và Trung Quốc quyết tâm hạn chế sản xuất thép trong năm nay.
Các nhà phân tích của Sinosteel Futures cho biết: “Nhu cầu quặng sắt ngắn hạn đã tăng hơn dự kiến, nhưng lợi nhuận của các nhà máy thép ở hạ nguồn rất yếu”.
Thép cây dùng trong xây dựng trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 1,2%, thép cuộn cán nóng giảm 1,1%, nhưng thép không gỉ tăng 0,2% trong phiên vừa qua.
Trên thị trường nông sản, giá lúa mì kỳ hạn trên sàn Chicago giảm 1,9% trong phiên vừa qua do hoạt động bán chốt lời. Theo đó, giá lúa mì đỏ mềm vụ đông kỳ hạn tháng 7 kết thúc phiên giảm 21-1/4 cent xuống 10,71-3/4 USD/bushel.
Giá ngô và đậu tương tăng trong bối cảnh các hợp đồng giao ngay cho thấy nhu cầu vẫn cao. Theo đó, giá ngô kỳ hạn tháng 7 cũng tăng 14-1/2 cent lên 7,57 USD/bushel; đậu tương kỳ hạn tương tự tăng 29 cent lên 17,28-1/4 USD/bushel.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) hôm thứ Hai đánh giá 73% diện tích trồng ngô của Mỹ từ tốt đến xuất sắc, trên mức ước tính trung bình 68%.
Giá đường trắng kỳ hạn tương lai trên sàn ICE giảm mạnh vào lúc đóng cửa phiên 7/6, trượt khỏi mức cao nhất 5-1/2 năm ở phiên trước, do đồng real Brazil yếu đi.
Giá đường trắng giao tháng 8 giảm 30,60 USD, tương đương 5,2% xuống 563,40 USD/tấn; đường thô giao tháng 7 giảm 0,59%, tương đương 3,0%, ở mức 18,97 cent/lb.
Tuy nhiên, các đại lý cho biết, thị trường đường trắng vẫn được củng cố bởi các hạn chế xuất khẩu ở Ấn Độ cùng với lượng xuất khẩu thấp từ Liên minh châu Âu và lệnh cấm xuất khẩu của Algeria.
Giá cà phê arabica giao tháng 7 giảm 5,4 cent, tương đương 2,3%, ở mức 2,3215 USD/lb do đồng nội tệ Brazil giảm giá so với USD; cà phê robusta giao cùng kỳ hạn cũng giảm 24 USD, tương đương 1,1% xuống 2.109 USD/tấn.
Fitch Solutions giữ nguyên dự báo sản lượng năm 2022/23 của Brazil ở mức 60 triệu bao, lưu ý rằng "điều kiện lạnh giá vào giữa tháng 5 năm 2022 không khiến nhiệt độ giảm xuống dưới mức gây hại cây trồng".
Việt Nam đã xuất khẩu 881.565 tấn cà phê trong 5 tháng đầu năm nay, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá cao su kỳ hạn tương lai trên thị trường Nhật Bản giảm, kết thúc chuỗi 8 phiên tăng liên tiếp trước đó.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 11 trên sàn Osaka kết thúc phiên giảm 1,1 yên, tương đương 0,4%, xuống 261,5 yên (1,97 USD)/kg.
Giá cao su trên sàn Thượng Hải cũng đi xuống trong phiên này, với hợp đồng cao su giao tháng 9 giảm 180 nhân dân tệ xuống 13.195 nhân dân tệ (1.979,48 USD)/tấn, mức giảm hàng ngày tính theo phần trăm nhiều nhất kể từ ngày 19/5. Hợp đồng cao su giao tháng 7 trên nền tảng SICOM của Sàn giao dịch Singapore giảm 1,2% xuống 166,4 US cent/kg.
Giá hàng hóa thế giới

Nguồn:Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)

Tags: hàng hóa