menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng kết giá hàng hóa thế giới ngày 23/2: Giá dầu vững, vàng và lúa mì tăng mạnh

11:56 24/02/2022

Thị trường hàng hóa tiếp tục biến động mạnh do lo ngại về căng thẳng ở Nga – Ukraina.
 
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tiếp tục biến động mạnh, nhưng kết thúc phiên vừa qua không thay đổi nhiêu so với cuối phiên trước đó sau khi các quan chức Mỹ tuyên bố sự leo thang căng thẳng giữa Nga và Ukraina khó có thể dẫn đến các lệnh trừng phạt đối với nguồn cung năng lượng từ Nga - một trong những nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới.
Cụ thể, gía dầu Brent lúc đóng cửa vững ở 96,84 USD/thùng, sau khi chạm mức 99,50 USD, mức cao nhất kể từ tháng 9 năm 2014 trong phiên liền trước; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 19 US cent lên 92,10 USD/thùng, phiên liền trước loại này đạt 96 USD/thùng.
Trong phiên liền trước, 22/2, giá dầu tăng mạnh do lo ngại các lệnh trừng phạt của các quốc gia phương Tây đối với Nga, sau khi nước này đưa quân vào hai khu vực ly khai ở miền đông Ukraine - có thể ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng.
Mỹ đã thông báo rõ ràng rằng các biện pháp trừng phạt mà họ đã đưa ra và những biện pháp có thể áp đặt sẽ không nhắm vào nguồn cung dầu mỏ và khí đốt. Các biện pháp trừng phạt do Mỹ, Liên minh Châu Âu, Anh, Australia, Canada và Nhật Bản áp đặt tập trung vào các ngân hàng và giới tinh hoa của Nga, trong khi Đức ngừng cấp phép đường ống dẫn khí đốt từ Nga.
Moscow phủ nhận việc lên kế hoạch cho một cuộc tiến vào Ukraina.
Ukraine đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào hôm thứ Tư và yêu cầu công dân của họ ở Nga rời khỏi nước Nga, trong khi Moscow bắt đầu sơ tán đại sứ quán ở Kyiv.
Các nhà phân tích dự báo giá dầu sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine, với việc một số nước phương Tây cảnh báo sẽ có thêm các biện pháp trừng phạt nếu Nga tiến hành một cuộc tấn công toàn diện.
Tuy nhiên, khả năng nguồn cung dầu thô từ Iran gia tăng hơn đã ảnh hưởng đến giá cả khi Tehran và các cường quốc thế giới tiến gần hơn đến việc khôi phục một thỏa thuận hạt nhân. Song, các nhà phân tích cũng cho rằng có rất ít khả năng dầu thô của Iran quay trở lại thị trường trong tương lai gần nên khó có thể sớm giảm bớt tình trạng khan hiếm nguồn cung hiện nay.
Pratibha Thaker của Economist Intelligence Unit cho biết: “Nếu một thỏa thuận giữa Mỹ và Iran đạt được, điều đó sẽ giảm bớt một số áp lực nhưng không đủ để ngăn giá dầu nhích lên mức ba con số”.
Dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 6 triệu thùng trong tuần trước trong khi dự trữ sản phẩm chưng cất giảm, theo các nguồn tin thị trường trích dẫn số liệu của Viện Dầu khí Mỹ.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng và palladium tăng mạnh.
Giá vàng giao ngay tăng 0,4% lên 1.906,58 USD/ounce, không xa mức cao nhất trong vòng gần 9 tháng đạt được hôm thứ Ba - 1.913,89 USD. Vàng kỳ hạn tháng 4 cũng tăng 0,2% lên mức 1.910,40 USD.
Nga là nhà sản xuất vàng lớn thứ 3 thế giới, trong khi công ty Nornickel của nước này cũng là nhà sản xuất palladium và bạch kim chủ chốt trên toàn cầu. Đây là 2 kim loại được sử dụng trong quá trình sản xuất bộ chuyển đổi xúc tác để làm sạch khói thải của ô tô.
Giá palladium tăng 4,5% lên mức cao nhất trong vòng gần 6 tháng trở lại đây do lo ngại nguồn cung từ nhà sản xuất hàng đầu thế giới – Nga – bị ảnh hưởng, trong khi giá vàng vững ở trên ngưỡng quan trọng 1.900 USD sau khi Ukraina ban bố tình trạng khẩn cấp.
Năm ngoái, Nga đã sản xuất 2,6 triệu ounce palladium, tương đương 40% sản lượng khai thác toàn cầu, và 641.000 ounce bạch kim, tương đương khoảng 10% tổng sản lượng khai thác của thế giới.
Mặc dù "vẫn còn quá sớm" để nói liệu các vấn đề về nguồn cung có thành hiện thực hay không, "nếu chúng ta thấy một loạt các biện pháp trừng phạt làm giảm nguồn tài chính và dòng chảy tự do của nguyên liệu đến phần còn lại của thế giới, chúng ta có thể thấy điều kiện đối với palladium rất có thể sẽ bị thắt chặt đáng kể trong một tương lai không xa ”, Bart Melek, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa của TD Securities, cho biết.
Theo ông Melek, các kim loại nhóm bạch kim có thể chứng kiến một "đợt phục hồi khá mạnh" với palladium có thể đạt mức cao kỷ lục như năm ngoái là hơn 3.000 USD/ounce; bạc tăng 1,6% lên 24,47 USD/ounce và bạch kim tăng 1,1% lên 1.087,20 USD.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá nhôm và nickel dao động gần mức cao nhất trong nhiều năm khi các quốc gia phương Tây tìm cách tăng các biện pháp trừng phạt đối với Nga, một nhà sản xuất kim loại lớn của thế giới.
Mỹ, Liên minh châu Âu và Anh đã nhắm mục tiêu vào các ngân hàng và giới người giàu của Nga về việc Moscow triển khai quân đội ở các khu vực ly khai ở miền đông Ukraine trong một trong những cuộc khủng hoảng an ninh tồi tệ nhất ở châu Âu trong nhiều thập kỷ.
Nga sản xuất khoảng 6% lượng nhôm và 7% lượng nickel được khai thác của thế giới.
Nhà phân tích Daniel Briesemann tại Commerzbank cho biết: “Cũng như giá nhôm, giá nickel đang được thúc đẩy do lo ngại rằng nguồn cung nickel từ Nga cũng có thể bị cản trở trong trường hợp có thể có các biện pháp trừng phạt và trả đũa”.
Ông Briesemann cho biết thị trường nickel, được sử dụng trong thép không gỉ và pin lithium ion, đang trong tình trạng nhu cầu tăng và nguồn cung giảm dần.
Giá nhôm trên sàn giao dịch Kim loại London (LME) giảm 0,3% xuống 3.293 USD/ tấn nhưng vẫn gần sát mức cao chưa từng có kể từ năm 2008, là 3.380,15 USD. Nickel phiên này cũng giảm 0,6% giá trị xuống 24.410 USD/tấn, sau khi leo lên trên 25.000 USD lần đầu tiên kể từ năm 2011 trong phiên trước đó.
Mức cộng giá nickel giao ngay so với giao sau 3 tháng đã tăng lên gần mức cao nhất kể từ năm 2007 ở mức 572 USD/tấn, do tồn kho tại các kho của LME giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm, là 81.300 tấn. Đối với nhôm, mức chênh lệch này là 29 USD/tấn, cho thấy thị trường đang rất lo ngại về nguồn cung.
Về những kim loại cơ bản khác, giá đồng phiên này tăng 0,5% lên 9,868 USD/tấn, kẽm giảm 1% xuống 3,572 USD, chì giảm 0,3% xuống 2,335 USD, trong khi thiếc tăng 1,5% lên 45,070 USD.
Giá quặng sắt giao dịch tại Trung Quốc giảm trong bối cảnh thị trường gia tăng lo ngại về môi trường pháp lý của Trung Quốc, mặc dù triển vọng nhu cầu đối với nguyên liệu thép dự kiến sẽ tăng cao.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 5 trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc giảm 0,8% xuống 700 nhân dân tệ (110,64 USD)/tấn, trong phiên liên tục biến động, lúc tăng, lúc giảm.
Các nhà chức trách Trung Quốc sẽ ngăn chặn tình trạng "tích trữ quá mức" quặng sắt và giúp đảm bảo rằng các nhà kinh doanh mặt hàng này đưa lượng tồn kho trở lại mức hợp lý càng sớm càng tốt, thông tin từ cơ quan hoạch định chính sách nhà nước của Trung Quốc hôm qua cho biết.
Trên Sàn giao dịch Singapore, hợp đồng quặng sắt giao tháng 3 tăng 1,7% lên 139 USD/tấn, trong phiên có lúc chạm 141,50 USD/tấn.
Bất chấp những nỗ lực tăng cường kiểm soát từ các cơ quan quản lý Trung ngăn giá quặng sắt tăng mạnh để hạn chế áp lực lạm phát, các nhà phân tích cho biết hy vọng nhu cầu tăng trong thời gian tới và khả năng gián đoạn nguồn cung từ các nhà xuất khẩu hàng đầu Australia và Brazil có thể hỗ trợ giá nguyên liệu này tăng trong thời gian tới.
Cũng trong phiên này, giá thép thanh vằn trên sàn Thượng Hải giảm 0,7%, trong khi thép cuộn cán nóng giảm 0,4%, thép không gỉ giảm 2,7%.
Trên thị trường nông sản, căng thẳng leo thang ở đông Âu đẩy giá ngũ cốc tăng mạnh. Theo đó, giá lúa mì Mỹ tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 9,5 năm, trong khi ngô cao nhất 8 tháng do căng thẳng Nga – Ukraina leo thang đe dọa làm gián đoạn nguồn cung những lương thực này từ khu vực xuất khẩu ngũ cốc chủ chốt ở Biển Đen.
Thị trường ngũ cốc và hạt có dầu cũng được hỗ trợ tốt bởi điều kiện phát triển vụ mùa ngô và đậu tương ở các khu vực Nam Mỹ kém, mặc dù dự báo mưa ở các khu vực khô hạn ở Argentina và miền nam Brazil đã giúp giảm nhẹ lo ngại.
Kết thúc phiên này, giá lúa mì Mỹ kỳ hạn tháng 5 trên sàn giao dịch Chicago tăng 32-1/4 cent lên 8,84-3/4 USD/bushel, mức cao nhất kể từ tháng 12/2012 đối với hợp đồng giao dịch nhất; đậu tương giao tháng 5 cũng tăng 36 US cent lên 16,71 USD/busjel, sau khi có lúc đạt đỉnh 16,75 đô la, mức cao nhất kể từ tháng 9 năm 2012 đối với hợp đồng hoạt động nhiều nhất; ngô giao tháng 5 tăng 8-3/4 cent lên 6,81-1/4 USD/bushel, mức chưa từng có kể từ tháng 6 năm ngoái.
Giá đường tiếp tục tăng do lo ngại về sản lượng ở Thái Lan và Trung Quốc giữa bối cảnh giá năng lượng tăng do cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine.
Theo đó, đường thô giao tháng 3 tăng 0,05% tương đương 0,3% lên 18,53 cent/lb vào cuối phiên, trước đó có lúc đạt mức cao nhất kể từ ngày 9/2, là 18,60 US cent; đường trắng giao tháng 5 cũng tăng 1,40 USD hay 0,3% lên 495,70 USD/tấn.
Giá năng lượng tăng có thể thúc đẩy các nhà máy mía đường tại Brazil, quốc gia sản xuất đường hàng đầu thế giới, chuyển hướng sản xuất từ đường sang ethanol, một loại nhiên liệu sinh học làm từ cây mía.
Giá cà phê arabica giao tháng 5 tăng 0,3%, tương đương 0,1%, ở mức 2,4755 USD/lb; robusta giao cùng kỳ hạn giảm 26 USD, tương đương 1,2% xuống 2.234 USD/tấn.
Giá cacao kỳ hạn tháng 5 tại London tăng 28 GBP, tương đương 1,6%, lên 1.752 GBP/tấn, phục hồi từ mức thấp nhất trong sáu tuần chạm tới ở phiên liền trước; ca cao giao tháng 5 tại New York tăng 8 USD, tương đương 0,3% lên 2.664 USD/tấn. Các đại lý cho biết giá tăng là do động lực kinh tế vĩ mô như giá dầu thô tăng.
Thị trường ca cao toàn cầu trong niên vụ kết thúc vào tháng 9/2022 dự kiến sẽ gia tăng thâm hụt lên khoảng 150.000 tấn và giá dự báo sẽ tăng. Dự báo giá cacao ở New York cuối năm nay sẽ đạt mức 2.800 USD/tấn, cao hơn 4,5% so với hiện tại, ở London cũng sẽ tăng 8,7% lên 1.875 GBP/tấn.
Giá dầu cọ Malaysia tăng hơn 3% trong phiên vừa qua, lên mức cao nhất từ trước tới nay, là 6.043 ringgit, do nguồn cung khan hiếm trong bối cảnh khủng hoảng Nga-Ukraine leo thang và thời tiết khô hạn ở Nam Mỹ.
Hợp đồng dầu họ kỳ hạn tháng 5 trên Sàn giao dịch phái sinh Bursa (Malaysia) kết thúc phiên tăng 141 ringgit, tương đương 2,41%, lên 5.981 ringgit (1.429,49 USD)/tấn, kéo dài mức tăng sang phiên thứ năm liên tiếp; hợp đồng giao ngay đạt mức cao nhất mọi thời đại là 6,530 ringgit. Sản lượng dầu cọ Malaysia 20 ngày đầu tháng 2 ước tính giảm 1,79% so với tháng trước.
Giá cao su phiên này giảm do các nhà đầu tư lo ngại về căng thẳng leo thang giữa Ukraine và Nga.
Hợp đồng cao su giao tháng 5 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 90 nhân dân tệ xuống 14.015 nhân dân tệ (2.215,11 USD)/tấn; hợp đồng cao su giao tháng 3 trên Sàn giao dịch Singapore giảm 0,1% xuống 182,8 US cent/kg. Thị trường Nhật Bản đóng cửa vào thứ Tư để nghỉ lễ sinh nhật của Thiên hoàng.
Giá hàng hóa thế giới

 

Nguồn:Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)

Tags: hàng hóa