menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng kết giá hàng hóa thế giới phiên 12/5: Giá dầu Brent, vàng và cà phê đồng loạt giảm

11:18 13/05/2022

Giá hàng hóa nguyên liệu biến động trái chiều trong phiên vừa qua.
 
Trên thị trường năng lượng, giá dầu biến động trái chiều trong bối cảnh thị trường đồng thời lo ngại về nguồn cung và căng thẳng địa chính trị tại Châu Âu và cũng lo ngại kinh tế thế giới bị ảnh hưởng b owrui lạm phát tăng cao.
Kết thúc phiên này, giá dầu Brent giảm 6 US cent xuống 107,45 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 42 US cent, hay 0,4%, lên 106,13 USD/thùng.
John Kilduff, đối tác thuộc công ty quản lý vốn Again Capital LLC của Mỹ, nhận định: “Khối lượng giao dịch trên thị trường dầu mỏ rất thưa thớt và không ai biết điều gì sẽ xảy ra”. Một lệnh cấm vận đang chờ thông qua của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu của Nga, nhà cung cấp dầu thô và nhiên liệu chính cho khối, được cho là sẽ làm eo hẹp hơn nữa nguồn cung toàn cầu.
EU vẫn đang thảo luận về chi tiết của lệnh cấm vận Nga, và cần được sự ủng hộ thống nhất của các thành viên. Tuy nhiên, một cuộc bỏ phiếu đã bị trì hoãn khi Hungary phản đối lệnh cấm vì nó sẽ gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế nước này.
Nhìn chung, thị trường dầu mỏ và thị trường tài chính chịu sức ép trong tuần này trong bối cảnh lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất, đồng USD ở mức cao nhất trong hai thập kỷ, lo ngại về lạm phát và khả năng suy thoái.
Giá tiêu dùng của Mỹ tháng 4 tăng 8,3% so với tháng 4/2021 và số lượng người Mỹ xin trợ cấp thất nghiệp mới bất ngờ tăng, cho thấy việc tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát sẽ tiếp tục, làm gia tăng lo ngại về khả năng nâng lãi suất mạnh hơn, và tác động của chúng đối với tăng trưởng kinh tế.
Các đợt phong tỏa do dịch COVID-19 kéo dài ở Trung Quốc- quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới- cũng ảnh hưởng đến thị trường.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới trong năm 2022, do tác động của cuộc xung đột Nga – Ukraine, lạm phát gia tăng và sự bùng phát trở lại của đại dịch ở Trung Quốc.
Hôm 11/5, giá dầu đã tăng 5% sau khi Nga trừng phạt 31 công ty có trụ sở tại các quốc gia áp đặt lệnh trừng phạt đối với Moskva sau chiến dịch tại Ukraine. Điều đó đã tạo ra sự bất an trên thị trường, giữa lúc lượng khí đốt của Nga đến châu Âu qua Ukraine giảm 1/4. Đây là lần đầu tiên xuất khẩu khí đốt của Nga qua Ukraine bị gián đoạn kể từ khi cuộc xung đột diễn ra.
Giá than phiên này giảm, với than luyện cốc trên thị trường Trung Quốc giảm hơn 4% do nhu cầu yếu làm giảm tâm lý của thị trường, trong khi cam kết gần đây của chính quyền về việc giám sát giá than chặt chẽ hơn dự kiến sẽ hạn chế bất kỳ sự gia tăng đáng kể nào. Hợp đồng than luyện cốc kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên giảm 4,2% xuống 2.544 CNY/tấn; than cốc cũng giảm 3,6% xuống 3.281 CNY/tấn.
Các nhà máy luyện cốc và nhà máy thép đang cố gắng kiểm soát mức tích trữ tại các cơ sở than luyện cốc, trong bối cảnh cơ quan hoạch định nhà nước Trung Quốc đã cam kết trừng phạt bán giá cao khi các mức giới hạn giá than mới có hiệu lực. Ngân hàng trung ương nước này cũng cho biết họ đã phân bổ gói hỗ trợ cho vay trị giá 100 tỷ nhân dân tệ để hỗ trợ sản xuất và lưu trữ than.
Trên thị trường kim loại quý, giá đồng loạt giảm khi các nhà đầu tư tập trung vào USD bởi đặt cược Cục dự trữ Liên băng Mỹ sẽ duy trì các đợt tăng lãi suất tích cực.
Theo đó, giá vàng giao ngay giảm 1,6% xuống 1.823,14 USD/ounce; vàng giao sau giảm 1,6% xuống 1.824,6 USD/ounce.
Đồng USD tăng lên mức cao mới trong 20 năm khiến vàng kém hấp dẫn cho người mua bằng các đồng tiền khác, bởi lo ngại chính sách tiền tệ thắt chặt hơn nhằm kiềm chế lạm phát đang tăng vọt. Tuy nhiên đà giảm giá vàng bị hạn chế bởi lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong hai tuần.
Bộ Lao động Mỹ thông báo chỉ số giá sản xuất của Mỹ, một thước đo lạm phát trước khi chạm đến người tiêu dùng, trong tháng 4/2022 tăng 11% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,5% so với tháng Ba trước đó.
Bộ cũng cho biết thêm lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở Mỹ trong tuần vừa qua (tính đến hết ngày 7/5) tăng 1.000 người lên mức 203.000 người, tỷ lệ cao nhất tính từ giữa tháng Hai.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao ngay kết thúc phiên giảm 4,3% xuống 20,63 USD/ounce, trong phiên có lúc giá giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2020. Giá bạch kim giao tháng Bảy giảm 58,4 USD (5,9%), đóng cửa ở mức 931,4 USD/ounce; giá palladium giảm 7% xuống 1.892,69 USD/ounce vào lúc đóng phiên, sau khi có lúc giảm 8,2% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1 tại 1.867,68 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá hầu hết kim loại cơ bản giảm do nhà đầu tư lo lắng rằng kinh tế toàn cầu đang chậm lại khiến nhu cầu giảm, trong bối cảnh đẩy giá dầu giảm và thị trường chứng khoán xuống mức thấp nhất trong 1,5 năm do lạm phát và lãi suất tăng.
Giá đồng giảm xuống dưới ngưỡng 9.000 USD/tấn lần đầu tiên kể từ tháng 10/2021, với hợp đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London LME kết thúc phiên giao dịch giảm 3% xuống 9.062,5 USD/tấn, sau khi có lúc giảm xuống mức thấp 8.938 USD; giá đồng giảm 17% từ mức cao kỷ lục 10.845 USD đạt được vào tháng 3 năm nay. Các nhà phân tích của Citi dự báo giá đồng sẽ giảm xuống 8.500 USD/tấn trong 3 tháng tới.
Về những kim loại cơ bản khác, giá thiếc giảm 6,6% xuống 33.410 USD/tấn, giá nhôm giảm 0,1% xuống 2.776,50 USD/tấn, kẽm giảm 3,5% xuống 3.542 USD, nickel tăng 0,3% lên 27.890 USD và chì giảm 1,6% xuống 2.085 USD.
Trong khi đó, giá quặng sắt tại Đại Liên kết thúc phiên giảm 1,4% xuống 796 CNY/tấn, mặc dù lúc đầu phiên tăng 4%. Giá thép tại Thượng Hải dao động nhẹ, với thép thanh kỳ hạn tháng 10 giảm 1% xuống 4.612 CNY/tấn; thép cuộn cán nóng giảm 0,6% xuống 4.730 CNY/tấn và thép không gỉ giảm 0,1% xuống 18.865 CNY/tấn.
Trên thị trường nông sản, giá ngũ cốc Mỹ đồng loạt tăng sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ USDA cắt giảm dự báo sản lượng đối với lúa mì của nước này.
Trong báo cáo vừa công bố, USDA dự kiến sản lượng lúa mì cứng đỏ vụ đông ở mức 590 triệu bushel, giảm từ ước tính 749 triệu bushel hồi tháng 4 và dưới mức 685 triệu bushel, ước tính của giới phân tích.
Trên sàn giao dịch Chicago, lúa mì mềm đỏ vụ đông đóng cửa tăng 65-3/4 US cent lên 11,78-3/4 USD/bushel và đạt giá cao nhất kể từ ngày 9/3; đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 7 tăng 7 US cent lên 16,13-3/4 USD/bushel; giá ngô kỳ hạn 7 tăng 3 US cent lên 7,91-1/2 USD/bushel.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 7 kết thúc phiên tăng 0,09 US cent hay 0,5% lên 18,64 US cent/lb, trước đó giá đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 3 tháng tại 18,3 US cent/lb; giá đường trắng kỳ hạn tháng 8 tăng 5,9 USD hay 1,1% lên 520,9 USD/tấn.
Các đại lý cho biết đường bị áp lực giảm từ tâm lý rủi ro trên các thị trường tài chính và các công ty tham gia thị trường đang thu hẹp ước tính sản lượng ở Brazil.
Các nhà máy ở Brazil sử dụng mía để sản xuất cả đường và ethanol, nghĩa là sản lượng ethanol tăng sản lượng đường sẽ bị thiệt hại. Sản lượng đường của Mỹ dự kiến cũng giảm, khả năng nhập khẩu tăng.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 đóng cửa giảm 4,6 US cent hay 2,1% xuống 2,153 USD/lb; cà phê robusta kỳ hạn tháng 7 giảm 20 USD hay 1% xuống 2.058 USD/tấn.
Hầu hết các nhà dự báo dự kiến không có thiệt hại cho cây cà phê trong đợt lạnh đầu tiên của mùa đông Brazil.
Tại Châu Á, giao dịch cà phê Việt Nam chậm lại do nông dân đã bán hầu hết dự trữ của họ trước khi kết thúc vụ năm nay, trong khi giá cà phê Indonesia ổn định mặc dù nguồn cung tăng theo tiến độ thu hoạch.
Giá cà phê nhân xô ở Tây Nguyên tuần này ở mức 40.500 – 41.400 đồng (1,75-1,79 USD)/kg, thấp hơn so với mức 41.000 – 42.500 đồng/kg của tuần trước. Cà phê xuất khẩu loại 2 (5% hạt đen và vỡ) có giá trừ lùi 200 – 250 USD tấn trong tuần này, so với mức trừ lùi 200 – 220 USD/tấn cách đây một tuần.
Giá cà phê robusta Sumatran không đổi so với hai tuần trước. Cà phê được chào bán ở mức trừ lùi 170 USD và 220 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 6 và tháng 7 tại London. Tuần trước không có giao dịch tại Indonesia do nước này nghỉ lễ Hồi giáo Eid Al-Fits kéo dài một tuần.
Xuất khẩu 6.770,97 tấn cà phê robusta trong tháng 4 từ tỉnh Lampung thuộc đảo Sumatra, giảm 52% so với một năm trước.
Giá cao su Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất 8 tuần, bởi chỉ số Nikkei la dốc, trong khi giá dầu thô giảm không khuyến khích chuyển sang cao su tự nhiên từ cao su nhân tạo.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 10 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa giảm 4,7 JPY hay 1,9% xuống 244,4 JPY (1.9 USD)/kg, sau khi xuống mức thấp nhất kể từ ngày 17/3 tại 243,5 JPY. Giá cao su tại Thượng Hải kỳ hạn tháng 9 giảm 20 CNY xuống 12.730 CNY (1.878,52 USD)/tấn.
Trong khi đó các thị trường chứng khoán Tokyo và giá dầu giảm đã kéo giá cao su trên sàn Osaka giảm, đà giảm bị hạn chế bởi sản lượng nguyên liệu thô khan hiếm từ Thái Lan do mưa ảnh hưởng tới việc khai thác. 
Giá hàng hóa thế giới

Nguồn:Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)

Tags: hàng hóa