menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng kết giá hàng hóa thế giới phiên 13/7: Giá kim loại ít biến động, dầu và cà phê giảm

15:04 14/07/2021

Giá hầu hết các hàng hóa chủ chốt tiếp tục giảm, ngoại trừ dầu mỏ và quặng sắt.
 
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng gần 2% sau khi IEA cho biết nguồn cung có thể bị thắt chặt do bất đồng giữa các nhà sản xuất lớn về lượng dầu thô bổ sung sẽ cung cấp cho thị trường thế giới.
Kết thúc phiên này, giá dầu Brent tăng 1,33 USD (1,8%) lên 76,49 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,15 USD (1,6%) lên 75,25 USD/thùng.
Thị trường dầu mỏ đang mạnh lên do nhu cầu phục hồi và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với các đối tác, còn gọi là OPEC+, dự kiến sẽ đẩy mạnh nguồn cung nhưng các cuộc thảo luận về chính sách sản lượng của OPEC+ chưa đạt được kết quả.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), có trụ sở tại Paris (Pháp) cho biết, dự trữ dầu toàn cầu giảm trong quý III/2021 được coi là lớn nhất trong ít nhất một thập niên, bắt nguồn từ các đợt giảm vào đầu tháng 6/2021 từ Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. IEA nhận định giá dầu sẽ có nhiều biến động cho đến khi những bất đồng về chính sách sản lượng dầu được giải quyết giữa các thành viên của OPEC+.
Viện Dầu mỏ Mỹ cho biết dự trữ dầu và xăng đã giảm trong tuần trước. Dự trữ dầu thô đã giảm 4,1 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 9/7 và là tuần giảm thứ tám liên tiếp. Chính phủ Mỹ dự kiến sẽ công bố số liệu chính thức về dự trữ dầu của nước này vào ngày 14/7.
Tuy nhiên, biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây râ dịch COVID-19 đang gia tăng ở một số nơi trên thế giới. Điều này có thể làm suy yếu nhu cầu dầu toàn cầu nếu đại dịch tiếp tục bùng phát. 
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng ít biến động trong bối cảnh đồng USD mạnh gây áp lực giảm giá vàng, nhưng lạm phát Mỹ tăng vọt lại có lợi cho kim loại quý này, bởi điều đó sẽ gây khó khăn cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong kế hoạch sớm thắt chặt chính sách tiền tệ.
Theo đó, giá vàng giao ngay vững ở 1.806,64 USD/ounce; vàng kỳ hạn tương lai nhích nhẹ 0,2% lên 1.809,90 USD.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng 0,9% trong tháng 6/2021, so với dự báo tăng 0,5% của các nhà kinh tế tham gia cuộc khảo sát do hãng tin Reuters tiến hành.
Tuy nhiên, giới phân tích cho biết số liệu lạm phát mới nhất không có khả năng khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhanh chóng thắt chặt chính sách tiền tệ, từ đó có thể cung cấp một số hỗ trợ cho giá vàng.
Bên cạnh đó, chỉ số đồng USD – được coi là thước đo "sức khỏe" của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – phiên này tăng 0,5%, làm giảm sức hấp dẫn của vàng đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Về những kim loại quý khác, giá bạch kim phiên này giảm 1,1% xuống 1.105,77 USD/ounce còn giá bạc để mất 0,8% xuống 25,97 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng vững nhưng chịu áp lực giảm do nhập khẩu bởi nước tiêu thụ hàng đầu là Trung Quốc giảm và tồn trữ tăng, dấy lên mối lo ngại về nhu cầu. Đồng USD tăng mạnh cũng gây áp lực lên thị trường kim loại. Kết thúc phiên giao dịch, giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng vững ở 9.420 USD/tấn.
Nhập khẩu đồng của Trung Quốc giảm tháng thứ 3 liên tiếp trong tháng 6/2021, do giá tăng cao và tăng trưởng sản xuất chậm lại khiến nhu cầu tại nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới giảm.
Tồn trữ đồng tại London trong 3 tuần qua tăng 40% lên 220.575 tấn – cao nhất kể từ tháng 5/2020 (203.575 tấn).
Giá quặng sắt tại Đại Liên tăng hơn 3% do mối lo ngại về nguồn cung quặng sắt thắt chặt kéo dài. Theo đó, quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Đại Liên tăng 3,3% lên 1.225 CNY (189,49 USD)/tấn; quặng sắt kỳ hạn tháng 8/2021 trên sàn Singapore tăng 1,4% lên 210,8 USD/tấn.
Nước sản xuất thép hàng đầu – Trung Quốc – chiếm gần 2/3 nguồn cung quặng sắt, trong khi nhập khẩu quặng sắt trong tháng 6/2021 của nước này giảm xuống mức thấp nhất 13 tháng.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây giảm 0,1%, thép cuộn cán nóng không thay đổi, thép không gỉ tăng 0,4%.
Trên thị trường nông sản, giá ngô tại Mỹ tăng do lo ngại về nguồn cung thắt chặt, trong khi giá đậu tương tăng do thị trường dầu thực vật toàn cầu tăng mạnh.
Cụ thể, giá ngô kỳ hạn tháng 9/2021 tăng 6 US cent lên 5,51-1/4 USD/bushel và giá ngô vụ mới kỳ hạn tháng 12/2021 tăng 7-3/4 US cent lên 5,4-3/4 USD/bushel; đậu tương kỳ hạn tháng 8/2021 tăng 10-1/2 US cent lên 14,14-3/4 USD/bushel, trong khi giá lúa mì kỳ hạn tháng 9/2021 giảm 7 US cent xuống 6,33-3/4 USD/bushel.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2021 trên sàn ICE tăng 0,09 US cent tương đương 0,5% lên 17,08 US cent/lb - lần tăng đầu tiên trong 6 phiên; đường trắng kỳ hạn tháng 8/2021 trên sàn London tăng 2,2 USD tương đương 0,5% lên 423,9 USD/tấn.
Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn ICE giảm 1,75 US cent tương đương 1,1% xuống 1,5225 USD/lb; cà phê robusta kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn London giảm 27 USD tương đương 1,5% xuống 1.717 USD/tấn.
Giá cao su tại Nhật Bản giảm phiên thứ 5 liên tiếp xuống mức thấp nhất 8 tháng, do lo ngại về sự lây lan của biến thể Delta.
Giá cao su kỳ hạn tháng 12/2021 trên sàn Osaka giảm 2,2 JPY tương đương 1% xuống 213 JPY (1,9 USD)/kg, trong đầu phiên giao dịch giá cao su chạm mức thấp nhất kể từ ngày 10/11/2020 (210,8 JPY/kg); cao su kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Thượng Hải giảm 70 CNY xuống 13.315 CNY (2.059 USD)/tấn.
Giá hàng hóa thế giới sáng 14/7/2021
 

Nguồn:VITIC/Reuters, Bloomberg

Tags: hàng hóa