menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng kết giá hàng hóa thế giới phiên 13/9: Giá dầu, cà phê, đường tăng, nhôm cao nhất 13 năm

11:54 14/09/2021

Giá hàng hóa thế giới tiếp tục chuỗi những phiên biến động mạnh. Giá dầu tăng lên mức cao nhất 1,5 tháng, nhôm cao nhất hơn một thập kỷ…
 
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng sau khi các nước cam kết viện trợ 1 tỷ USD cho Afghanistan trong bối cảnh các nhà đầu tư vẫn lo ngại về nguồn cung tại Mỹ sau cơn bão Ida, bất chấp việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cắt giảm dự báo nhu cầu dầu toàn cầu quý 4/2021, do biến chủng virus corona Delta.
Chốt phiên giao dịch ngày 13/9, dầu thô Brent tăng 59 US cent tương đương 0,8% lên 73,51 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI tăng 73 US cent tương đương 1,1% lên 70,45 USD/thùng. Đây là mức cao nhất đối với dầu Brent kể từ ngày 30/7/2021 và dầu WTI kể từ ngày 3/8/2021.
Các nước tài trợ trên thế giới ngày 13/9 cam kết hỗ trợ nhân đạo hơn 1 tỷ USD cho Afghanistan nhằm giúp quốc gia này đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng sau khi Taliban tiến vào Kabul. Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã đưa ra thông tin này trong hội nghị cấp bộ trưởng tại Geneva. Đây là những hành động đáp lại lời kêu gọi của LHQ tuần trước về việc cộng đồng quốc tế hãy hỗ trợ khẩn cấp cho Afghanistan khoảng 606 triệu USD, cảnh báo khả năng nghiêm trọng nền kinh tế Afghanistan có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.
Nhà phân tích về năng lượng Carsten Fritsch thuộc Commerzbank Research cho rằng giá dầu tăng do tốc độ phục hồi hoạt động khai thác dầu của Mỹ ở khu vực Vịnh Mexico vẫn rất chậm. Mức giảm sản lượng dầu hai tuần sau cơn bão Ida vẫn là 1,1 triệu thùng/ngày, có nghĩa 60% sản lượng bình thường vẫn chưa được khôi phục.
Cơ quan Thực thi Môi trường và An toàn Mỹ ngày 13/9 ước tính gần 43,6% hoạt động sản xuất dầu trên vịnh Mexico vẫn chưa phục hồi trong khi con số tương ứng của hoạt động sản xuất khí đốt tự nhiên là 51,61%.
Giá khí tự nhiên tại Mỹ cũng đang trong xu hướng tăng mạnh, thêm gần 6% trong phiên vừa qua lên mức cao nhất 7 năm do dự báo nhu cầu trong tuần tới cao hơn so với dự kiến trước đó, khi việc sử dụng điều hòa không khí vẫn tăng mạnh tại hầu hết khu vực của nước này và nhu cầu sưởi ấm bắt đầu tăng tại các khu vực khác. Theo đó, khí tự nhiên kỳ hạn tháng 10/2021 trên sàn New York tăng 29,3 US cent tương đương 5,9% lên 5,231 USD/mmBtu – cao nhất kể từ tháng 2/2014.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng tăng lên mức cao nhất trong nhiều tuần qua vào phiên trước đó, trong bối cảnh nhà đầu tư chờ đợi số liệu về lạm phát của Mỹ.
Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.792,05 USD/ounce, vàng kỳ hạn tháng 12/2021 tăng 0,1% lên 1.794,4 USD/ounce.
Giới đầu tư đang tập trung chờ đợi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng hàng tháng của Mỹ, một thước đo đánh giá lạm phát của Fed, đưa ra ngày 14/9. Ngoài ra, doanh số bán lẻ và các số liệu sản xuất của tháng Tám của Mỹ dự kiến sẽ được công bố trong tuần này.
Các chuyên gia cho rằng Fed quan tâm đến vấn đề việc làm và không quá lo ngại về lạm phát. Tuy nhiên, họ lưu ý rằng vàng khó tăng giá do đồng USD vẫn mạnh và điều này thu hút sự chú ý của giới đầu tư vào cuộc họp sắp tới của Fed, dự kiến diễn ra vào ngày 21-22/9.
Vàng có xu hướng tăng giá trong môi trường lãi suất thấp, song một số nhà đầu tư cũng coi vàng như một "hàng rào" chống lại lạm phát cao sau hàng loạt biện pháp kích thích kinh tế.
Chỉ số đồng USD tăng lên mức cao nhất trong nhiều tuần qua vào phiên trước đó, khiến vàng trở nên “đắt đỏ” hơn cho các nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Chủ tịch chi nhánh Fed tại Cleveland Loretta Mester cuối tuần qua cho hay vẫn mong muốn Fed bắt đầu giảm bớt việc mua tài sản trong năm nay. Phát biểu trên tương tự với quan điểm của nhiều quan chức khác của Fed về kế hoạch bắt đầu cắt giảm hỗ trợ kinh tế dù tăng trưởng việc làm yếu trong tháng Tám.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao ngay ổn định ở mức 23,71 USD/ounce, còn giá bạch kim tăng 0,5% lên 960,18 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá nhôm đạt 3.000 USD/tấn – lần đầu tiên – kể từ năm 2008, do những Trung Quốc – nước sản xuất lớn nhất – hạn chế sản lượng làm gia tăng lo ngại nguồn cung thiếu hụt.
Trong phiên vừa qua, có thời điểm giá nhôm đạt 4.000 USD/tấn, cao nhất kể từ năm 2008. Kết thúc phiên, giá nhôm kỳ hạn giao sau ba tháng trên Sàn giao dịch Kim loại London (LME) tăng 1,1% lên mức 2.956,50 USD/tấn; nhôm giao tháng 10/2021 trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải cũng tăng tới 5,1% lên 23.770 NDT (3.683,27 USD)/tấn, cao nhất kể từ tháng 3/2008, trước khi giảm nhẹ và đóng cửa ở mức 23.610 NDT/tấn.
Kể từ đầu năm đến nay, giá nhôm đã tăng 50% và tăng gần 15% chỉ trong 3 tuần khi các nhà đầu tư đổ xô vào thị trường.
Giá nhôm tăng cao một phần cũng bởi lượng nhôm lưu kho trên sàn London đã giảm 33% kể từ tháng 3/2021 xuống 1,3 triệu tấn, và trên sàn Thượng Hải giảm 42% xuống 228.529 tấn kể từ tháng 4/2021.
Một số nguồn tin cho hay chính quyền tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)- nơi chiếm khoảng 1/10 công suất sản xuất nhôm của nước này, đã yêu cầu các nhà máy luyện nhôm giữ sản lượng trong giai đoạn từ tháng 9-12/2021 không cao hơn mức của tháng Tám. Diễn biến trên đã góp phần đẩy giá nhôm tăng vọt trong phiên này.
Theo giới quan sát, chính sách hạn chế sản lượng ở Trung Quốc và bất ổn chính trị ở Guinea - nguồn cung cấp bauxite hàng đầu cho các nhà máy luyện nhôm ở quốc gia tỷ dân - đã khiến giá kim loại này tăng khoảng 50% tính từ đầu năm tới nay.
Các nhà phân tích của ngân hàng ANZ cho biết tình trạng thiếu điện và các biện pháp bảo vệ môi trường đang hạn chế sản lượng ở Trung Quốc. Những bất ổn chính trị ở Guinea cũng đang đe dọa làm trì hoãn các dự án bauxite mới, ảnh hưởng tới nguồn cung cấp cho các nhà máy luyện nhôm ở Trung Quốc. ANZ ước tính hơn 1 triệu tấn nhôm đã bị gián đoạn sản xuất ở Trung Quốc trong năm nay.
Giá thép tại Trung Quốc giảm song vẫn gần mức cao, do nhu cầu mùa vụ ở mức cao đỉnh điểm và các nhà máy thép cắt giảm sản lượng.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép thanh vằn kỳ hạn tháng 1/2022 giảm 0,6% xuống 5.642 CNY (874,4 USD)/tấn. Giá thép cuộn cán nóng giảm 1,7% xuống 5.805 CNY/tấn. Giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 10/2021 giảm 2,3% xuống 19.180 CNY/tấn.
Đồng thời, giá quặng sắt trên sàn Đại Liên giảm 3,5% xuống 706 CNY/tấn. Giá quặng sắt 62% Fe giao ngay không thay đổi ở mức 131,5 USD/tấn, công ty tư vấn SteelHome cho biết.
Tồn trữ các sản phẩm thép chủ yếu bao gồm nguyên vật liệu xây dựng và thép cuộn sử dụng trong lĩnh vực sản xuất trong tuần trước giảm 2,8% xuống 10,71 triệu tấn so với tuần trước đó, công ty tư vấn Mysteel cho biết.
Trên thị trường nông sản, giá đậu tương Mỹ giảm do sản lượng vụ thu hoạch được dự kiến đạt gần mức cao kỷ lục. Giá lúa mì và ngô phiên này cũng đi xuống. Trên sàn Chicago, giá đậu tương Mỹ giảm 1-3/4 US cent xuống 12,84-3/4 USD/bushel. Giá lúa mì giảm 1-1/2 US cent xuống 6,87 USD/bushel và giá ngô giảm 5-1/4 US cent xuống 5,13-1/4 USD/bushel.
Tuy nhiên, thị trường lúa mì thế giới vẫn trong tình trạng căng thẳng về nguồn cung. Chỉ số giá ngũ cốc mới nhất đầu tháng Chín của Tổ chức Nông-Lương Liên hợp quốc cho thấy giá lúa mỳ cứng tháng 8/2021 cao hơn trung bình 3,4% so với tháng Bảy trước đó và tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chủ tịch Liên minh công nghiệp các nhà sản xuất mỳ Italy (UNIPI), nhà sản xuất pasta Riccardo Felicetti cho hay giá lúa mì tại Châu Âu đã tăng hơn 60% trong năm nay lên gần 500 euro/tấn (khoảng 595 USD). Một só chuyên gia dự đoán giá nguyên liệu này có thể tăng hơn nữa, lên tới 600 euro/tấn vào tháng 12 năm nay do nhu cầu gia tăng, kho hàng trống và nguồn cung khan hiếm vì thời tiết khắc nghiệt tại các vùng chuyên canh lúa mỳ lớn trên thế giới như Mỹ, Canada và Pháp, cũng như do tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng vì tác động của đại dịch COVID-19.
Giá đường phiên này tăng, với đường thô kỳ hạn tháng 10/2021 trên sàn ICE tăng 0,19 US cent tương đương 1,0% lên 18,98 US cent/lb, sau khi chạm mức thấp nhát kể từ đầu tháng 8/2021 (18,57 US cent/lb) trong đầu phiên giao dịch. Giá đường trắng kỳ hạn tháng 10/2021 trên sàn London cũng tăng 20,2 USD tương đương 4,3% lên 484,7 USD/tấn.
Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 12/2021 trên sàn ICE giảm 1,25 US cent tương đương 0,7% xuống 1,868 USD/lb – thấp nhất kể từ cuối tháng 8/2021 (1,8375 USD/lb) trong ngày 9/9/2021; cà phê robusta kỳ hạn tháng 11/2021 trên sàn London tăng 9 USD tương đương 0,4% lên 2.057 USD/tấn.
Giá cao su tại Nhật Bản giảm do mối lo ngại sản lượng ô tô toàn cầu suy giảm bởi tình trạng thiếu hụt chip và nhu cầu từ nước mua lớn nhất thế giới – Trung Quốc – chậm lại.
Theo đó, cao su kỳ hạn tháng 2/2022 trên sàn Osaka giảm 0,9 JPY tương đương 0,4% xuống 201,3 JPY (1,8 USD)/kg. Trong đầu phiên giao dịch, giá cao su tăng lên 203,2 JPY/kg do kỳ vọng các biện pháp kích thích mới từ Thủ tướng mới.
Trong khi đó, giá cao su kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn Thượng Hải tăng 165 CNY lên 13.525 CNY (2.096 USD)/tấn.
Mối lo ngại sản lượng ô tô giảm sau khi Toyota Motor Corp 7203.T cắt giảm mục tiêu sản lượng hàng năm thêm 300.000 chiếc, do các trường hợp nhiễm Covid-19 tăng khiến sản lượng tại các nhà máy sản xuất linh kiện ở Việt Nam và Malaysia giảm, làm gia tăng tình trạng thiếu hụt chip ô tô trên toàn cầu.
Doanh số bán ô tô của Trung Quốc trong tháng 8/2021 giảm 17,8% so với cùng tháng năm ngoái và giảm tháng thứ 4 liên tiếp, do thị trường ô tô lớn nhất thế giới bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu chất bán dẫn trên toàn cầu.

Giá hàng hóa thế giới

tong ket gia hang hoa the gioi

Nguồn:VITIC / Reuters, Bloomberg

Tags: hàng hóa