menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng kết giá hàng hóa thế giới phiên 1/6: Giá dầu và sắt thép tăng mạnh, vàng và cà phê giảm

12:08 02/06/2021

Phiên giao dịch đầu tiên của tháng 6 (ngày 1/6), giá dầu mỏ và nhóm sắt thép tăng mạnh do triển vọng nhu cầu tốt. Giá ngũ cốc phiên này cũng đi lên. Tuy nhiên, một số mặt hàng như cao su, vàng… giảm.
 
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng mạnh do triển vọng nhu cầu xăng dầu hồi phục nhanh và OPEC+ tiếp tục lộ trình hạn chế nguồn cung.
Kết thúc phiên này, giá dầu Brent tăng 93 US cent (tương đương 1,3%) lên 70,25 USD/thùng, sau khi có lúc đạt mức 71 USD/thùng, cao nhất kể từ ngày 8/3. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 1,40 USD (2,1%) lên 67,72 USD/thùng.
Thị trường đã đi lên sau khi GasBuddy cho biết nhu cầu xăng của Mỹ vào Chủ nhật (30/5) - trùng với cuối tuần của đợt nghỉ lễ Ngày Tưởng niệm đã tăng 9,6% so với mức trung bình của bốn Chủ nhật trước đó. Đây cũng là Chủ nhật ghi nhận nhu cầu năng lượng cao nhất kể từ mùa Hè năm 2019.
Bên cạnh đó, giá dầu tăng cũng bởi thông tin từ Trung Quốc cho thấy hoạt động tại các nhà máy ở nước này đã tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong năm nay vào tháng 5/2021.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu bị giới hạn bởi khả năng Iran sẽ tăng xuất khẩu dầu sau khi đạt được thỏa thuận với phương Tây. Ông John Kilduff, đối tác của công ty tư vấn tài chính Again Capital LLC cho biết thỏa thuận với Iran vẫn còn chưa rõ ràng về việc liệu nó có được thực hiện hay không. Điều này sẽ giữ tâm lý thị trường ở trạng thái căng thẳng.
OPEC và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (được gọi chung là OPEC+) nhất trí tiếp tục nới lỏng các hạn chế nguồn cung trong cuộc họp ngày 1/6, khi các nhà sản xuất tìm cách cân bằng giữa đà phục hồi nhu cầu dự kiến với nguồn cung gia tăng tiềm năng ở Iran.
Hồi tháng Tư, OPEC+ đã quyết định tăng sản lượng thêm 2,1 triệu thùng/ngày trong thời gian từ tháng 5 – 7/2021 dựa trên dự báo nhu cầu sẽ đi lên, bất chấp số lượng ca nhiễm COVID-19 mới ở Ấn Độ gia tăng nhanh chóng.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm từ mức cao nhất gần 5 tháng do số liệu khả quan về hoạt động chế tạo và lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ tăng.
Theo đó, giá vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 1.902,05 USD/ounce, sau khi có thời điểm chạm mức cao nhất kể từ ngày 8/1 là 1.916,40 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn lại không biến động nhiều và khép lại phiên này ở mức 1.905 USD/ounce.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giảm 0,3% xuống 27,97 USD/ounce, trong khi giá bạch kim tăng 0,8% xuống 1.195,90 USD/ounce.
Phillip Streible, trưởng bộ phận chiến lược thị trường của công ty Blue Line Futures ở Chicago, nhận định giá vàng đã giảm nhẹ do chứng khoán tiếp tục khởi sắc, lợi suất trái phiếu chính phủ bắt đầu tăng lên và số liệu khả quan về hoạt động chế tạo của Mỹ. Ông cho rằng có thể giới đầu tư nghĩ rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ thu hẹp các chính sách kích thích nhanh hơn dự đoán.
Số liệu cho thấy hoạt động chế tạo của Mỹ đã khởi sắc trong tháng 5 khi nhu cầu bị dồn nén đã thúc đẩy số đơn đặt hàng. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ tăng lên mức cao nhất trong hơn một tuần qua, làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng. Các thị trường chứng khoán toàn cầu cũng ghi nhận nhiều mức cao kỷ lục khi thị trường đã bỏ qua những lo ngại về lạm phát gia tăng.
Tuy nhiên, giá vàng vẫn được hỗ trợ khi chỉ số đồng USD đo sức mạnh của “đồng bạc xanh” so với rổ các đồng tiền chủ chốt khác đã giảm 0,2%, khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác.
Giới đầu tư đang đón đợi các số liệu kinh tế quan trọng của Mỹ, trong đó được quan tâm nhất là số liệu việc làm dự kiến được công bố vào ngày 4/6 tới.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng phiên thứ 3 liên tiếp do trung tâm thép Đường Sơn có kế hoạch giảm bớt các yêu cầu cắt giảm sản lượng tại các nhà máy thép.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép xây dựng kỳ hạn tháng 10/2021 tăng 2% lên 5.128 CNY/tấn, thép cuộn cán nóng tăng 0,8% lên 5.437 CNY/tấn, thép không gỉ kỳ hạn tháng 7/2021 tăng 3,4% lên 16.165 CNY/tấn. Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Đại Liên phiên này cũng tăng 7,3% lên 1.170 CNY (183,53 USD)/tấn. Giá quặng sắt 62% Fe giao ngay sang Trung Quốc tăng 8 USD lên 200,5 USD/tấn, công ty tư vấn SteelHome cho biết.
Các nhà phân tích thuộc Citi Research cho biết, động thái của Đường Sơn có thể gây áp lực đối với giá thép trong thời gian tới khi thị trường bước vào mùa yếu điểm.
Giá đồng giảm, do nhu cầu tại Trung Quốc chậm lại, làm lu mờ hoạt động sản xuất lạc quan tại các nền kinh tế lớn và mối lo ngại nguồn cung. Theo đó, giá đồng trên sàn London giảm 0,2% xuống 10.252 USD/tấn, sau khi tăng cao trong đầu phiên giao dịch.
Hoạt động sản xuất tại châu Âu tăng cao kỷ lục trong tháng 5/2021 và hoạt động nhà máy tại nước tiêu thụ kim loại hàng đầu – Trung Quốc – tăng mạnh nhất trong 1 năm do nhu cầu nội địa tăng.
Trên thị trường nông sản, giá ngô, đậu tương và lúa mì Mỹ tăng, do lo ngại cây trồng sẽ bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt trong vài tuần tới.
Giá ngô kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn Chicago tăng 32 US cent lên 6,88-3/4 USD/bushel, giá đậu tương giao cùng kỳ hạn tăng 18 US cent lên 15,48-1/2 USD/bushel và giá lúa mì đỏ mềm, vụ đông kỳ hạn tháng 7/2021 tăng 30 US cent lên 6,93-1/2 USD/bushel. Giá lúa mì vụ xuân kỳ hạn tháng 7/2021 tăng 44 US cent lên 7,71-1/2 USD/bushel.
Giá cà phê Arabica giảm, sau khi đạt mức cao nhất 4,5 năm bởi hạn hán tại nước sản xuất hàng đầu – Brazil. Theo đó, cà phê Arabica kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn ICE giảm 1,3 US cent tương đương 0,8% xuống 1,6105 USD/lb, sau khi đạt mức cao nhất 4,5 năm (1,6675 USD/lb) trong đầu phiên giao dịch; robusta kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn London tăng 8 USD tương đương 0,5% lên 1.591 USD/tấn, sau khi đạt mức cao nhất 2,5 năm (1.619 USD/tấn) trong đầu phiên giao dịch.
Thị trường được hỗ trợ bởi thời tiết khô hạn tồi tệ nhất trong 91 năm tại nước sản xuất hàng đầu – Brazil – làm giảm triển vọng sản lượng vụ thu hoạch tới.
Giá cao su tại Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất hơn 1 tháng, do giá cao su tại thị trường Thượng Hải giảm và mối lo ngại về sự phục hồi kinh tế tại châu Á chậm lại, bởi các hạn chế virus corona đã thúc đẩy hoạt động bán ra mới. Hoạt động nhà máy tại Nhật Bản tăng trưởng chậm nhất trong tháng 5/2021, do tăng trưởng sản lượng và các đơn hàng mới giảm.
Giá cao su kỳ hạn tháng 11/2021 trên sàn Osaka giảm 5,7 JPY tương đương 2,3% xuống 240 JPY (2,2 USD)/kg – thấp nhất kể từ ngày 28/4/2021; cao su kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Thượng Hải giảm 140 CNY xuống 13.345 CNY (2.092 USD)/tấn.
Giá hàng hóa thế giới sáng 2/6/2021
gia hang hoa the gioi ngay 1/6

 

Nguồn:VITIC / Reuters, Bloomberg

Tags: hàng hóa