Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng sau khi dữ liệu cho thấy tồn trữ dầu thô của Mỹ giảm và USD giảm giá.
Kết thúc phiên, dầu Brent tăng 38 US cent (0,5%) lên 75,19 USD/thùng, sau khi có thời điểm chạm mức 76,02 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 10/2018; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 23 xu Mỹ (0,3%) lên 73,08 USD/thùng sau khi chạm mức 74,25 USD/thùng, cũng là mức cao nhất kể từ tháng 10/2018.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, dự trữ dầu thô của nước này giảm 7,6 triệu thùng trong tuần trước xuống 459,1 triệu thùng, giảm mạnh hơn nhiều so với mức 3,9 triệu thùng mà các nhà phân tích dự đoán trong cuộc thăm dò của hãng tin Reuters. Dự trữ tại các kho dự trữ tại Cushing, Oklahoma, điểm giao hàng cho dầu thô kỳ hạn của Mỹ, giảm 1,8 triệu thùng xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020. Nhu cầu xăng cũng tăng mạnh hơn trong tuần trước.
Phil Flynn, chuyên gia phân tích cao cấp thuộc trung tâm Price Futures Group ở Chicago, cho biết, nhu cầu đi lại ngày càng gia tăng rõ rệt khiến giá dầu sẽ tiếp tục tăng. Còn nhà phân tích Louise Dickson của trung tâm Rystad Energy nhận định rằng dự trữ dầu thô của Mỹ giảm sẽ khiến Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu liên minh, hay còn gọi là OPEC+ gia tăng sản lượng hơn nữa từ tháng 8/2021. Cuộc họp vào tuần tới (1/7) của OPEC+ dự kiến sẽ là cơ sở cho chính sách và giá dầu trong tương lai.
Các chuyên gia nhận định rằng nhu cầu toàn cầu dự kiến sẽ tăng hơn nữa trong nửa cuối năm, mặc dù OPEC + cũng phải đối mặt với viễn cảnh nguồn cung từ Iran tăng nếu các cuộc đàm phán với các cường quốc trên thế giới dẫn đến việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của Tehran.
Giá than cốc tại Trung Quốc tăng 5% trong phiên vừa qua, là phiên thứ 2 tăng liên tiếp do lo ngại về nguồn cung khi Trung Quốc tăng cường kiểm tra sản xuất tại một số mỏ.
Giá than luyện cốc kỳ hạn tháng 9 trên sàn Đại Liên tăng lên 2.037 CNY (314,24 USD)/tấn; giá than cốc tăng 5,6% lên 2.784 nhân dân tệ/tấn.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng cũng tăng sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có bài phát biểu cho rằng lạm phát sẽ không phải là yếu tố duy nhất quyết định chính sách lãi suất và ngân hàng này sẽ không vội tăng lãi suất trong thời gian tới.
Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,3%, lên 1.782,96 USD/ounce; vàng giao sau cũng tiến 0,3%, lên 1.783,40 USD/ounce.
Phát biểu của ông Powell ngày 22/6 đã xoa dịu các nhà đầu tư vốn đang lo ngại về khả năng thắt chặt chính sách tiền tệ sau khi Fed thể hiện lập trường cứng rắn vào tuần trước.
Tuy nhiên, kim loại quý này vẫn không thể đảo ngược mức giảm 6% của tuần trước do kỳ vọng về việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ vẫn được giữ vững. Lãi suất cao hơn sẽ làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, vốn được coi là tài sản không sinh lời.
David Meger, Giám đốc mảng giao dịch kim loại quý tại High Ridge Futures, cho rằng vẫn còn quá sớm để bắt đầu đề cập đến việc Fed giảm mua tài sản và tăng lãi suất, do vậy vàng đang được giao dịch trong một môi trường khá thuận lợi về tổng thể.
Giá vàng trong phiên này cũng được hưởng lợi từ việc đồng USD suy yếu, khi chạm mức thấp nhất gần một tuần, qua đó làm gia tăng sức hút của vàng đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Nhà phân tích Peter Fertig của công ty nghiên cứu Quantitative Commodity Research cho biết, các chỉ số kỹ thuật cũng hỗ trợ giá vàng sau khi giá kim loại quý này dường như đã chạm đáy từ đợt bán tháo của tuần trước.
Các nhà phân tích của TD Securities cho biết xu hướng lạm phát cơ bản có thể sẽ vẫn bị “bóp méo” trong nhiều tháng, kìm hãm dòng tiền hiện đang đổ vào vàng.
Về những kim loại quý khác, giá bạc tăng 1,1%, lên 26,02 USD/ounce; palladium tiến 2,5%, lên 2.620,12 USD/ounce, trong khi bạch kim tăng 1,1%, lên 1.091,43 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng tiếp tục đà tăng trong phiên vừa qua sau khi Chủ tịch Fed tuyên bố sẽ duy trì lãi suất thấp để thúc đẩy nền kinh tế Mỹ hồi phục, và dữ liệu cho thấy hoạt động mạnh mẽ tại các nhà máy của nước này.
Kết thúc phiên này, đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 2% lên 9.489 USD/tấn; giá đồng trên sàn Comex (Mỹ) phiên vừa qua cũng tăng 2,4% lên 4,33 USD/lb.
Nhà tư vấn độc lập Robin Bhar cho biết: “Sau khi giảm mạnh vào tuần trước, đây có thể là một mức giá tốt nếu bạn là một nhà đầu tư hoặc một người tiêu dùng. Tuần qua, giá đồng đã giảm 8,6%, mức giảm trong tuần nhiều nhất kể từ tháng 3 năm 2020, do lo ngại chính sách tiền tệ của Mỹ sẽ sớm thắt chặt lại.
Giá quặng sắt Trung Quốc hồi phục sau 3 phiên giảm liên tiếp. Kết thúc phiên vừa qua, quặng sắt hợp đồng tham chiếu tăng 4,0% lên 1.173 nhân dân tệ/tấn.
Giá thép trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải cũng tăng bất chấp cảnh báo của hiệp hội thép vào hôm thứ Ba rằng lĩnh vực này đang đối mặt với nhu cầu yếu mang tính chất mùa vụ.
Kết thúc phiên, thép cây giao tháng 10 tăng 1,4% lên 4.934 nhân dân tệ/tấn; thép cuộn cán nóng, được sử dụng trong ô tô và thiết bị gia dụng, tăng 0,7% lên 5.153 nhân dân tệ/tấn; thép không gỉ giao tháng 8 tăng 1,7% lên 16.365 nhân dân tệ/tấn.
Trên thị trường nông sản, giá lúa mì Mỹ tăng trong phiên vừa qua do lo ngại thời tiết khô hạn ở các khu vực trồng lúa mì thuộc phía Đông Bắc nước Mỹ và Canada có thể làm hạn chế sản lượng.
Trong khi đó, giá đậu tương giảm do triển vọng sản lượng ở vùng Trung Tây nước Mỹ được cải thiện, còn ngô giảm bởi bang Iowa – khu vực trồng ngô lớn nhất nước Mỹ - cũng có mưa, cải thiện tình trạng khô hạn.
Kết thúc phiên này, lúa mì vụ Xuân kỳ hạn tháng 9 tăng 19-1/2 US cent lên 8,02-1/4 USD/bushel; lúa mì đỏ mềm vụ Đông, kỳ hạn giao tháng 9, cũng tăng 8-3/4 cent lên 6,63-3/4 USD/bushel. Trong khi đó, đậu tương kỳ hạn tháng 11 giảm 2 US cent xuống 13,00-1/4 USD/bushel, còn ngô kỳ hạn tháng 12 giảm nhẹ 3-1/4 cent xuống 5,35-3/4 USD/bushel.
Giá đường hô kỳ hạn tháng 7 tăng 0,26 cent, tương đương 1,6%, lên 16,69 cent/lb do xu hướng tích cực trên các thị trường tài chính và giá dầu tăng mạnh. Giá đường trắng kỳ hạn tháng 8 kết thúc phiên cũng tăng 4,90 USD, tương đương 1,2%, lên 423,60 USD/tấn.
Một nhà máy lớn của Brazil có kế hoạch thay đổi chiến lược sản xuất trong mùa này để tăng sản lượng ethanol và cắt giảm sản lượng đường.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 tăng 1,8%, tương đương 1,2%, lên 1,539 USD/lb vào lúc đóng cửa, hồi phục sau khi chạm mức thấp nhất trong một tháng là 1,4905 USD ở phiên liền trước; robusta giao cùng kỳ hạn cũng tăng 26 USD, tương đương 1,6% lên 1.623 USD/tấn.
Lượng cà phê lưu ở các kho trên sàn ICE bắt đầu giảm, hiện chỉ còn 152.650 tấn, so với 157.000 vào ngày 1/6.
Giá cao su kỳ hạn giao dịch tại Nhật Bản tăng trong phiên vừa qua sau khi có thông tin cho thấy các thành viên hội đồng quản trị của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) hy vọng về sự phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Hợp đồng cao su giao tháng 11 trên sàn Osaka tăng 24 yên, tương đương 1%, lên 234,1 yên/kg.
Cao su kỳ hạn tháng 9 trên sàn Thượng Hải phiên này cũng tăng 2,3% lên 12,935 nhân dân tệ/tấn.
Các thành viên hội đồng quản trị của BoJ đã bày tỏ hy vọng rằng các biện pháp kích thích lớn do các chính phủ triển khai sẽ đẩy nhanh sự phục hồi kinh tế của Nhật Bản, với tiêu dùng nội địa có khả năng tạo ra sự kích thích lớn khi các khoản tiết kiệm tích lũy được chi tiêu.
Giá hàng hóa thế giới sáng 24/6/2021
Nguồn:VITIC/Reuters, Bloomberg