menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng kết giá hàng hóa thế giới phiên 5/5: Giá dầu, sắt thép, cà phê… đồng loạt tăng

10:58 06/05/2022

Phiên giao dịch vừa qua, giấ nhiều mặt hàng quan trọng đồng loạt tăng, bất chấp đồng USD cũng mạnh lên.
 
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng bởi lo ngại về nguồn cung sau khi Liên minh châu Âu (EU) đưa ra đề xuất về các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, bao gồm cả lệnh cấm nhập khẩu dầu thô.
Kết thúc phiên này, giá dầu Brent tăng 76 US cent tương đương 0,7% lên 110,9 USD/thùng, cao nhất kể từ ngày 18/4/2022; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 45 US cent, tương đương 0,4%, lên 108,26 USD/thùng, cao nhất kể từ ngày 25/3/2022.
Trong khi đó, giá xăng tại Mỹ cũng tăng lên mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 8/3. Tương tự, giá khí đốt Mỹ tiếp tục tăng 4% lên mức cao mới 13 năm, với hợp đồng khí đốt kỳ hạn tháng 6/2022 trên sàn New York tăng 36,8 US cent tương đương 4,4% lên 8,783 USD/mmBTU – cao nhất kể từ tháng 8/2008 – phiên thứ 3 liên tiếp. Thời tiết mùa xuân nóng thúc đẩy nhu cầu sử dụng máy điều hòa, cùng với đó là giá khí đốt toàn cầu tăng mạnh cũng thúc đẩy nhu cầu xuất gia tăng khẩu khí tự nhiên hóa lỏng Mỹ.
Đồng USD đạt mức cao nhất kể từ tháng 12/2002, sau khi Cục Dự trữ Liên bang khẳng định sẽ thực hiện các bước tích cực để chống lại lạm phát. Đồng USD mạnh khiến dầu trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các đồng tiền khác.
Đề xuất trừng phạt dầu Nga của EU bao gồm việc loại bỏ dần nhập khẩu các sản phẩm dầu tinh chế của Nga vào cuối năm 2022 và cấm tất cả các dịch vụ vận chuyển và bảo hiểm vận chuyển dầu của Nga. Để đề xuất này được thông qua cần có sự ủng hộ nhất trí từ 27 quốc gia trong khối.
Bjornar Tonhaugen, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường dầu mỏ của Rystad Energy, cho biết: “Thị trường dầu vẫn chưa được định giá đầy đủ trước khả năng bị EU cấm vận. Vì vậy giá dầu thô sẽ tăng trong những tháng mùa Hè nếu việc này được cả khối thông qua.
Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, được gọi là OPEC+, ngày 5/5 cho biết họ sẽ bám sát các kế hoạch hiện nay về mức tăng sản lượng dầu 432.000 thùng/ngày trong tháng 6/2022 bất chấp giá dầu thô tăng.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm do đồng USD tăng mạnh. Theo đó, giá vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 1.876,13 USD/ounce vào cuối phiên, trong phiên có lúc giá đạt mức cao nhất kể từ ngày 29/4/2022; vàng kỳ hạn tháng 6/2022 tăng 0,4% lên 1.875,7 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD tăng 1,3% và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng hơn 3%. Đồng USD tăng khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua bằng các loại tiền tệ khác.
Jim Wycoff, nhà phân tích cấp cao của Kitco, cho biết vàng đang mất dần dà tăng khi đồng USD và lợi suất trái phiếu tăng đột biến. Thị trường cũng đã nhận ra rằng Fed vẫn cần phải đẩy mạnh tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Ngày 4/5 Fed đã tăng lãi suất chuẩn thêm 50 điểm cơ bản, mức tăng lớn nhất trong 22 năm. Trong cuộc họp báo sau đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói thêm rằng các quan chức chưa tính tới khả năng tăng lãi suất tới 75 điểm cơ bản trong tương lai.
Ngoài ra, số liệu về đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở Mỹ vẫn ở mức phù hợp với điều kiện thị trường lao động thắt chặt. Bất kỳ dấu hiệu nào của nền kinh tế đang phục hồi đều làm giảm nhu cầu đối với vàng trong vai trò nơi trú ẩn an toàn.
Mặc dù vậy, chuyên gia của Kitco lưu ý đà giảm của vàng có thể được hạn chế vì kim loại quý này cũng hưởng lợi từ việc bán tháo mạnh trên thị trường chứng khoán.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 2,4% xuống 22,40 USD/ ounce, bạch kim giảm 0,9% xuống 982,35 USD/ounce, trong khi palladium giảm 3,1% xuống 2.185,83 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng giảm do đồng USD tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2002 và dữ liệu công nghiệp đáng thất vọng từ Đức cũng như một loạt các báo cáo kinh tế về dữ liệu mới nhất cho thấy kinh tế các quốc gia lớn đang có sự sa sút.
Kết thúc phiên giao dịch, giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 0,3% xuống 9.445 USD/tấn, sau khi tăng lên mức cao 9.770 USD/tấn. Đồng được sử dụng làm thước đo sức khỏe nền kinh tế toàn cầu có tuần giảm thứ 3 liên tiếp.
Số đơn đặt hàng lâu bền của Đức trong tháng 3/2022 giảm nhiều hơn so với dự kiến chủ yếu do giảm đơn đặt hàng từ nước ngoài sau cuộc xung đột Nga – Ukraine, ảnh hưởng đến nhu cầu sản xuất tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Nhu cầu tại Trung Quốc cũng đang chậm lại, trong đó bất động sản và ô tô là những mối quan tâm chủ yếu.
Ngoài ra, giá đồng giảm do tồn trữ đồng tại London tăng 14.325 tấn lên 168.800 tấn. Tồn trữ tăng hơn gấp đôi so với tháng 2/2022 khi chạm mức thấp nhất kể từ năm 2005. Các nhà phân tích thuộc Bank of America giảm dự báo giá đồng năm 2022 thêm 4,3% xuống 9.999 USD/tấn.
Về những kim loại cơ bản khác, giá nhôm kết thúc phiên này giảm 0,8% xuống 2.929 USD/tấn, kẽm giảm 2,1% xuống 3.880 USD, chì giảm 0,1% xuống 2.279 USD, thiếc giảm 0,1% xuống 40.595 USD và nickel giảm 1,9% xuống 30.070 USD.
Giá sắt thép tại Trung Quốc tăng sau khi Ngân hàng trung ương nước này cho biết sẽ thực hiện các biện pháp hỗ trợ để giúp các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và hỗ trợ phục hồi tiêu dùng.
Theo đó, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn Đại Liên kết thúc phiên tăng 1,9% lên 871,5 CNY (131,74 USD)/tấn, trước đó trong phiên giá quặng sắt đạt 881,5 CNY/tấn – cao nhất kể từ ngày 25/4/2022. Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 6/2022 trên sàn Singapore tăng 1,6% lên 145,15 USD/tấn. Giá thép thanh vằn trên sàn Thượng Hải phiên này cũng tăng 1,2%, thép cuộn cán nóng tăng 1,3% và thép không gỉ tăng 1,5%.
Trên thị trường nông sản, giá ngũ cốc đồng loạt tăng do lo ngại về nguồn cung.
Giá lúa mì Mỹ tăng phiên thứ 2 liên tiếp, được hậu thuẫn bởi thời tiết khô và nóng tại Ấn Độ đã làm giảm tiềm năng xuất khẩu lúa mì của quốc gia ngày, cùng với đó là thời tiết xấu cũng làm ảnh hưởng đến sản lượng lúa mì vụ đông tại Mỹ.
Trên sàn Chicago, giá lúa mì kỳ hạn tháng 7/2022 tăng 30 US cent lên 11,06-1/2 USD/bushel, sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 19/4/2022. Giá đậu tương kỳ hạn tháng 7/2022 tăng 6-1/2 US cent lên 16,47 USD/bushel và giá ngô giao cùng kỳ hạn tăng 3-1/4 US cent lên 7,97-1/2 USD/bushel.
Ấn Độ trong tuần này đã cắt giảm dự báo sản lượng lúa mì 6,3 triệu tấn xuống còn 105 triệu tấn do nhiệt độ tăng đột biến vào giữa tháng 3 đã làm giảm năng suất cây trồng. Tuy nhiên, các quan chức hàng đầu của Bộ lương thực đã bác bỏ tuyên bố rằng nước này đang xem xét hạn chế xuất khẩu.
Trong bối cảnh thị trường lo ngại về nguồn cung toàn cầu, các nhà xuất khẩu Mỹ bán 1,52 triệu tấn ngô, 1,142 triệu tấn đậu tương và 161.300 tấn lúa mì trong tuần kết thúc vào ngày 28 tháng 4, tất cả đều nằm trong dự đoán của các nhà phân tích.
Giá đường thô phiên này tăng sau khi chạm mức thấp nhất 7 tuần trong phiên trước đó.
Theo đó, giá đường thô kỳ hạn tháng 7/2022 trên sàn ICE tăng 0,16 US cent tương đương 0,9% lên 18,78 US cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 8/2022 trên sàn London tăng 5,4 USD tương đương 1% lên 522,3 USD/tấn.
Đối với mặt hàng cà phê, giá robusta kỳ hạn tháng 7/2022 trêm sàn London chỉ biến động n hẹ, kết thúc phiên ở mức 2.136 USD/tấn, sau khi đạt mức cao nhất 5 tuần (2.159 USD/tấn) lúc đầu phiên giao dịch; cà phê arabica kỳ hạn tháng 7/2022 giảm 3,55 US cent tương đương 1,6% xuống 2,1725 USD/lb.
Tại Châu Á, giá cà phê Việt Nam tăng do nhu cầu cao và nguồn cung thắt chặt khi tồn trữ giảm, trong khi hoạt động giao dịch tại Indonesia trầm lắng do nghỉ lễ Eid Al-Fitr.
Giá cà phê robusta xuất khẩu của Việt Nam (loại 2, 5% đen & vỡ) chào bán ở mức trừ lùi 200-220 USD/tấn, không thay đổi so với cách đây 1 tuần. Trong nước, giá cà phê nhân xô được bán với giá 41.000-42.500 VND (1,79-1,85 USD)/kg, tăng so với 39.000-40.000 VND 1 tuần trước đó. Xuất khẩu cà phê Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2022 dự kiến sẽ tăng 28,4% so với cùng kỳ năm ngoái lên 752.000 tấn, tương đương 12,5 triệu bao (60 kg).
Giá hàng hóa thế giới

Nguồn:Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)

Tags: hàng hóa