Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm hơn 1 USD/thùng, khi giới đầu tư lo ngại sự đổ vỡ trong các cuộc đàm phán giữa các nước trong và ngoài OPEC gần đây sẽ khiến sản lượng dầu tăng lên trên toàn thế giới.
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 1,1 USD/thùng, hay 1,5% xuống 73,43 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,17 USD/thùng, hay 1,6% và đóng phiên ở mức 72,20 USD/thùng. Trong phiên, giá cả hai loại dầu có thời điểm đều tăng hơn 1 USD/thùng.
Thị trường dầu đã biến động mạnh trong hai ngày qua sau khi các nước sản xuất dầu lớn Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) không thể giải quyết những bất đồng để đi đến đồng thuận về chính sách sản lượng dầu của OPEC và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+.
OPEC+ đã kiềm chế nguồn cung dầu hơn một năm qua kể từ khi nhu cầu dầu sụt giảm do dịch COVID-19. Nhóm này đã duy trì thỏa thuận cắt giảm gần 6 triệu thùng dầu/ngày và được dự đoán sẽ gia tăng sản lượng, nhưng cuộc họp vừa qua đã không thể giải quyết những bất đồng giữa Saudi Arabia và UAE.
Hiện tại, thỏa thuận cắt giảm sản lượng hiện hành của OPEC+ vẫn có hiệu lực. Nhưng sự đổ vỡ trong các cuộc đàm phán vừa qua có thể khiến các nước sản xuất dầu, với mong muốn tận dụng sự phục hồi trong nhu cầu, bắt đầu gia tăng sản lượng nhiều hơn dự đoán trước đó.
Phil Flynn, chuyên gia phân tích cấp cao của công ty Price Futures Group ở Chicago, Mỹ cho rằng nếu UAE rời OPEC và tự chủ với chính sách dầu của mình, điều này sẽ mở ra câu chuyện về sự cạnh tranh để giành thị phần trên thị trường dầu thô.
Một số nguồn tin cho hay, Nga hiện đang dẫn đầu các nỗ lực để khép lại những chia rẽ giữa Saudi Arabia và UAE nhằm đi đến một thỏa thuận gia tăng sản lượng dầu trong những tháng tới.
Ông Flynn cho rằng giá dầu có thể được hỗ trợ từ lượng dầu thô dự trữ của Mỹ. Hai nguồn thạo tin dẫn số liệu của Viện Xăng dầu Mỹ (API) cho biết lượng dầu dự trữ của Mỹ đã giảm 8 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 2/7, cao hơn nhiều so với dự đoán giảm 4 triệu thùng được các chuyên gia phân tích đưa ra trong cuộc khảo sát của hãng tin Reuters.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tiếp tục trên mức 1.800 USD/ounce trong phiên giao dịch ngày 7/7 khi lợi suất trái phiếu Mỹ giảm sau khi biên bản cuộc họp tháng Sáu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy các quan chức cho rằng mục tiêu “tiến triển đáng kể” về phục hồi kinh tế vẫn chưa đạt được.
Cuối phiên giao dịch, giá vàng giao ngay tăng 0,4% lên 1.804,16 USD/ounce; vàng kỳ hạn tương lai tăng 0,4% lên 1.802,10 USD/ounce.
Chuyên gia phân tích Suki Cooper thuộc ngân hàng Standard Chartered cho biết vàng tăng lên mức trên 1.800 USD/ounce, “bởi biên bản cuộc họp của Fed phù hợp với kỳ vọng của thị trường”. Chuyên gia Cooper lưu ý “ngưỡng để tiến hành rút lại các chính sách hỗ trợ vẫn chưa đạt tới và lạm phát tăng phần lớn phản ánh các yếu tố tạm thời” và kết quả lợi suất sụt giảm đã góp phần vào đà tăng của vàng.
Trong cuộc họp tháng 6, các quan chức Fed cảm thấy tiến triển đáng kể hơn nữa về phục hồi kinh tế “nhìn chung như chưa đạt được”, dù những người tham gia thị trường vẫn kỳ vọng vào đà phục hồi của nền kinh tế.
Ngoài ra, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong hơn bốn tháng qua. Vàng rất nhạy cảm với việc tăng lãi suất của Mỹ, bởi điều này làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, vốn không sinh lời.
Các nhà phân tích của ANZ cho biết, sự bất ổn gia tăng xung quanh các chính sách tiền tệ, lạm phát và rủi ro biến động thị trường chứng khoán ngày càng tăng sẽ tạo sức hút cho vàng, vốn được coi là “nơi trú ẩn an toàn”.
về những kim loại quý khác, giá bạc phiên này vững ở mức 26,14 USD/ounce, trong khi palladium tăng 2,6%, lên 2.865,27 USD/ounce, bạch kim giảm 0,5% xuống 1.086,32 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng tăng trở lại sau khi giảm mạnh ở phiên liền trước, trong bối cảnh các nhà đầu tư chờ đợi Fed công bố biên bản cuộc họp tháng 6. Đồng USD đã ngừng giảm và thị trường chứng khoán hồi phục giúp những tài sản rủi ro như đồng trở nên hấp dẫn.
Hợp đồng giao dịch đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 1,6% lên 9.465 USD/tấn. Hiện giá đồng đang dao động quanh mức trung bình 100 ngày - 9.426 USD/tấn - và trung bình 50 ngày – là 9.497 USD/tấn. Nếu xuống dưới những mốc này thì triển vọng giá đồng sẽ trở nên xấu đi.
Giá hợp đồng nhôm kỳ hạn giao sau 3 tháng phiên vừa qua giảm hơn 1,2% xuống 2.499 USD/tấn. Việc Nga có kế hoạch áp thuế xuất khẩu nhôm đã làm twang chi phí giao dịch nhôm giao ngay đối với những người tiêu dùng ở Châu Âu và Mỹ.
Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc cho biết họ sẽ tiếp tục bán đồng, nhôm và kẽm từ kho dự trữ quốc gia ra thị trường để hạ nhiệt giá những mặt hàng này.
Giá thép tại Trung Quốc tăng vọt trong phiên vừa qua, trong đó cả thép xây dựng và thép cuộn cán nóng đều tăng hơn 3%, do dự đoán sản lượng thép sẽ bị cắt giảm.
Kết thúc phiên giao dịch, giá thép thanh vằn dùng trong xây dựng, kỳ hạn tháng 10, tăng 3,3% lên 5.439 CNY (840,99 USD)/tấn; thép cuộn cán nóng, được sử dụng trong lĩnh vực sản xuất, tăng 3,8% lên 5.768 CNY/tấn - mức giá đóng cửa cao nhất kể từ ngày 19/5.
Giá quặng sắt phiên này cũng tăng. Theo đó, quặng kỳ hạn giao tháng 9 phục hồi trở lại vào cuối phiên sau khi giảm mạnh lúc đầu phiên, kết thúc ở mức tăng 1% lên 1.244 CNY/tấn.
"Gần đây, dự đoán sản lượng thép thô giảm đã xuất hiện trở lại", SinoSteel Futures cho biết, đồng thời thông tin thêm rằng một số chính quyền địa phương đã ban hành các văn bản liên quan mặc dù chưa có thông báo chi tiết.
Trên thị trường nông sản, giá đậu tương Mỹ phiên vừa qua tăng trở lại sau phiên giảm mạnh trước đó do những đánh giá về tiến độ mùa vụ ở Mỹ thấp hơn dự kiến. Giá đậu tương kỳ hạn tham chiếu kết thúc phiên tăng 22-1/4 cent lên 13,27-1/4 USD/bushel, sau khi giảm 94 cent vào thứ Ba (6/7).
Trái với đậu tương, giá ngô giảm do những đợt mưa vừa qua có lợi cho cây ngô trong giai đoạn sinh trưởng quan trọng ở khu vực Trung Tây nước Mỹ. Giá ngô giảm 8-3/4 cent xuống 5,31 USD/bushel vào cuối phiên 7/7, sau khi đã giảm 40 cent ở phiên liền trước.
Giá đường giảm do đánh giá mức độ thiệt hại của vụ mía đường Brazil không nghiêm trọng như dự kiến. Kết thúc phiên giao dịch, giá đường thô kỳ hạn tháng 10 giảm 0,12 cent, tương đương 0,7%, xuống 17,75 cent/lb, tiếp tục rời xa mức cao nhất 4 tháng là 18,49 cent được thiết lập vào tuần trước; đường trắng giao tháng 8 trên sàn London phiên này cũng giảm 5,30 USD, tương đương 1,2% xuống 438,70 USD/tấn.
Giá cà phê arabica giao tháng 9 tăng 1,85 cent, tương đương 1,2%, lên 1,4995 USD/lb, là phiên tăng giá đầu tiên trong 5 phiên vừa qua, do sự gián đoạn xuất khẩu của cả Brazil và Việt Nam do thiếu container. Giá cà phê robusta giao tháng 9 phiên này tăng 23 USD, tương đương 1,4% lên 1.702 USD/tấn.
Sản lượng cà phê vụ hiện tại có thể thấp hơn những dự đoán trước đây do hạn hán ảnh hưởng đến kích cỡ hạt cà phê, làm cho hạt nhỏ đi.
Giá cacao trên sàn New York giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 8 tháng do nguồn cung dư thừa sau khi Bờ Biển Ngà và Ghân – những nước sản xuất cacao hàng đầu thế giới – bội thu.
Cacao kỳ hạn giao tháng 9 giảm 2 USD, tương đương 0,1%, xuống 2.296 USD/tấn vào lúc kết thúc phiên giao dịch, trong phiên có lúc xuống chỉ 2.276 USD/tấn, thấp nhất trong vòng 8 tháng. Cacao kỳ hạn tháng 9 trên sàn London giảm 10 GBP (0,6%) xuống 1.593 GBP/tấn.
Giá cao su tại Nhật Bản quay đầu giảm trở lại sau khi những số liệu chính thức cho thấy đà hồi phục của nền kinh tế Nhật Bản đang bị cản trở bởi sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19.
Cao su kỳ hạn tháng 12 trên sàn Osaka phiên vừa qua giảm 2,8 yên, tương đương 1,3%, xuống 220,9 yên/kg; cao su kỳ hạn tháng 9 trên sàn Thượng Hải tăng 1,2% lên 13.415 CNY/tấn.
Giá hàng hóa thế giới sáng 8/7/2021