Năng lượng: Giá dầu tăng 5% trong tuần
Phiên giao dịch cuối tuần (4/6), gí dầu tiếp tục tăng, trong đó dầu Brent vượt ngưỡng 72 USD/thùng lần đầu tiên kể từ 2019 do có những dấu hiệu về nguồn cung thắt chặt trong lúc nhu cầu tiêu thụ phục hồi nhanh, mặc nỗ lo về Covid-19 bùng phát tại nhiều nơi trên thế giới.
Kết thúc phiên này, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,8%, đạt 71,89 USD/thùng, trong phiên có lúc giá đạt 72,17 USD/thùng, cao nhất từ tháng 5/2019; giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đạt 69,76 USD/thùng, cao nhất từ tháng 10/2018.
Tuần này, giá dầu Brent tăng hơn 3,2% và giá dầu WTI tăng 5%. Đây là tuần tăng giá thứ hai liên tiếp của cả hai loại dầu.
“Giá dầu đang được hậu thuẫn bởi những dấu hiệu rõ ràng cho thấy nhu cầu phục hồi vững chắc”, báo cáo của ngân hàng Commerzbank viết.
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh gồm Nga, tức liên minh OPEC+, trong cuộc họp mới đây nhất, diễn ra vào tuần qua, tuyên bố sẽ giữ vững thoả thuận hạn chế sản lượng dầu. Tiếp đó, vào hôm thứ Năm, báo cáo hàng tuần từ Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy lượng tồn kho dầu thô của nước này giảm mạnh hơn dự báo.
“Sau nhiều giằng co, giá dầu Brent dường như cuối cùng cũng đã tìm thấy một nền tảng mới trên ngưỡng 70 USD/thùng”, nhà môi giới Stephen Brennock của PVM Oil nhận xét. “Mùa hè đến và sự mở cửa trở lại của nền kinh tế toàn cầu sẽ đẩy mạnh nhu cầu tiêu thụ dầu trong nửa sau của năm nay”.
Hỗ trợ cho giá dầu trong tuần qua còn có diễn biến chậm lại của cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran về chương trình hạt nhân của Tehran. Điều này làm giảm kỳ vọng về một sự gia tăng nguồn cung dầu từ Iran.
Tuy nhiên, đại dịch còn diễn biến phức tạp ở Ấn Độ, Brazil và nhiều nước châu Á khác đang đặt ra mối lo về nhu cầu tiêu thụ dầu. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn lạc quan nhờ sự phục hồi nhu cầu nhanh chóng tại Mỹ, châu Âu và Trung Quốc – những nền kinh tế có tốc độ tiêm chủng nhanh và nền kinh tế duy trì đà hồi phục.
Kim loại quý: Giá vàng quay đầu giảm sau 4 tuần tăng liên tiếp
Phiên cuối tuần (4/6), giá vàng tăng từ mức thấp nhất 2 tuần, sau khi bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ không tăng mạnh như dự kiến.
Theo đó, giá vàng giao ngay tăng 1% lên 1.889,27 USD/ounce, trong phiên có lúc giá chạm mức thấp nhất kể từ ngày 19/5/2021 (1.855,59 USD/ounce). Vàng kỳ hạn tháng 8/2021 trên sàn New York phiên này tăng 1% lên 1.892 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD - đo sức mạnh của “đồng bạc xanh” so với rổ các đồng tiền chủ chốt khác - giảm 0,4% và lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ cũng hạ xuống 1,56%.
Mặc dù vậy, tính chung cả tuần giá vàng vẫn giảm 0,7% và là tuần giảm giá đầu tiên trong vòng 5 tuần.
Số liệu của Bộ Lao động Mỹ cho thấy nền kinh tế hàng đầu thế giới chỉ tạo ra 559.000 việc làm mới trong tháng 5/2021, thấp hơn con số ước tính của các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Dow Jones và The Wall Street Journal là 671.000 việc làm.
Brien Lundin, nhà phân tích của Gold Newsletter, nhận định giá vàng dễ bị ảnh hưởng bởi tin tức kinh tế tích cực hoặc bất cứ yếu tố nào có thể khuyến khích Fed thắt chặt chính sách tiền tệ.
Do đó, số liệu việc làm thấp hơn dự đoán đã củng cố những quan điểm cho rằng các quan chức Fed sẽ duy trì chính sách lãi suất thấp hiện nay lâu hơn, giúp giá kim loại quý phục hồi trong phiên 4/6.
Theo ông Lundin, thực tế là số lượng việc làm mới ít cũng có nghĩa là ít người lao động chấp nhận những việc làm đang tuyển dụng với mức lương hiện tại.
Các dữ liệu khác cho thấy đà tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ đang mạnh lên, áp lực lạm phát có thể duy trì và thậm chí còn lớn hơn.
Các nhà hoạch định chính sách Fed đã nhấn mạnh rằng việc làm là một vấn đề trọng tâm để cơ quan này xác định xem liệu nền kinh tế Mỹ có cần hỗ trợ thêm trong quá trình phục hồi hậu COVID-19 hay không.
Số liệu thị trường lao động tháng Năm một lần nữa cho thấy kinh tế Mỹ đang đi trên con đường phục hồi đầy gập ghềnh sau những tác động của đại dịch COVID.
Điều này có thể khiến các quan chức Fed tạm dừng việc xem xét loại bỏ các chính sách nới lỏng tiền tệ và bình thường hóa lãi suất chủ chốt, hiện đang ở mức 0-0,25%. Theo các nhà phân tích, đây là cơ hội để vàng tiếp tục tăng giá.
Nhà phân tích Edward Meir của ED&F Man Capital Markets cho rằng đồng USD yếu đi và tỷ lệ lạm phát cao sẽ hỗ trợ giá vàng tăng lên mức 2.000 USD/ounce trong nửa cuối năm nay.
Kim loại công nghiệp: Giá sắt thép twang trở lại
Giá thép thanh vằn và thép cuộn cán nóng tại Trung Quốc tăng trong phiên cuối tuần, tính chung cả tuần cũng tăng sau 3 tuần giảm trước dó, do chi phí nguyên vật liệu tăng.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây kỳ hạn tháng 10/2021 tăng 1,4% lên 5.159 CNY (805,41 USD)/tấn và có tuần tăng đầu tiên trong 4 tuần với mức tăng 4,6%. Giá thép cuộn cán nóng tăng 0,2% lên 5.434 CNY/tấn. Tính chung cả tuần, giá thép cuộn cán nóng tăng 2%. Giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 7/2021 giảm 3,7% xuống 15.535 CNY/tấn. Trong khi đó, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2021 giảm 1,9% xuống 1.169 CNY/tấn.
Mặc dù vậy, tính chung cả tuần giá quặng sắt tăng 9,9%, trong khi giá thép tăng 4,5%.
Tồn trữ thép cây tại các nhà máy thép giảm 3,3% xuống 10,42 triệu tấn, trong khi tồn trữ thép cuộn cán nóng tăng 0,9% lên 3,54 triệu tấn, công ty tư vấn Mysteel cho biết.
Giá đồng phiên cuối tuần cũng tăng do các nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào sau phiên giảm trước đó, bởi lo ngại số liệu kinh tế Mỹ mạnh có thể thúc đẩy chính sách tiền tệ thắt chặt hơn.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 1,9% lên 9.972,5 USD/tấn, sau khi giảm mạnh 3,8% trong phiên trước đó. Tại Trung Quốc, giá đồng chạm mức thấp nhất gần 6 tuần, giá đồng kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn Thượng Hải giảm 3,6% xuống 70.470 CNY (11.001 USD)/tấn.
Trong tháng 5/2021, giá đồng đạt mức cao kỷ lục 10.747,5 USD/tấn, được thúc đẩy bởi lạc quan về nền kinh tế toàn cầu hồi phục và nhu cầu mới từ cuộc cách mạng xanh dự kiến bao gồm việc chuyển sang xe điện.
Giá đồng tăng mạnh cùng với thị trường chứng khoán, sau số liệu việc làm của Mỹ thấp hơn so với dự kiến, giảm bớt lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ rút lại các biện pháp kích thích.
Nông sản: Giá ngô, lúa mì, đậu tương, đường và cà phê tăng; cao su giảm
Giá đậu tương, ngô và lúa mì trên sàn Chicago đều tăng trong phiên cuối tuần, dẫn đầu là ngô, do điều kiện thời tiết khô và nóng tại khu vực Trung tây Mỹ, dấy lên mối lo ngại nguồn cung toàn cầu thắt chặt. Tính chung cả tuần, giá cả 3 loại hạt đều tăng khá mạnh.
Cụ thể, giá ngô kỳ hạn tháng 7/2021 tăng 20-3/4 US cent lên 6,82-3/4 USD/bushel; tính chung cả tuần, giá ngô tăng 4%. Giá ngô vụ mới kỳ hạn tháng 12/2021 tăng 25 US cent lên 5,91-1/2 USD/bushel.
Giá đậu tương kỳ hạn tháng 7/2021 tăng 34-1/2 US cent lên 15,83-3/4 USD/bushel; tính chung cả tuần, giá đậu tương tăng 3,48%.
Giá đậu tương vụ mới kỳ hạn tháng 11/2021 tăng 32 US cent lên 14,35-1/2 USD/bushel; giá lúa mì kỳ hạn tháng 7/2021 tăng 11-1/2 US cent lên 6,87-3/4 USD/bushel; tính chung cả tuần, giá lúa mì tăng 3,65%.
Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago (Mỹ) cho biết, giá nông sản giao kỳ hạn tại sàn giao dịch CBOT tăng vọt do tình trạng nắng nóng đáng lo ngại và khô hạn ở miền Trung nước Mỹ dự kiến kéo dài đến giữa tháng Sáu cũng như nhu cầu tốt hơn dự kiến.
Nếu dự báo thời tiết về khả năng nắng nóng và khô hạn của vùng đồng bằng phía Bắc và khu vực Trung Tây nước Mỹ được giữ nguyên vào cuối tuần, rủi ro của thị trường nông sản vẫn sẽ gia tăng.
Ước tính vụ thu hoạch ngô của Brazil tiếp tục giảm trong bối cảnh thời tiết không thuận lợi với một số thông tin về đợt thu hoạch sớm ở vùng Mato Grosso, cho thấy năng suất giảm hơn 35%. AgResource đã hạ dự báo tổng sản lượng ngô Brazil niên vụ hiện tại xuống còn 89,7 triệu tấn.
Báo cáo về doanh số xuất khẩu hàng tuần của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy Trung Quốc đã không hủy bất kỳ đơn đặt hàng ngô nào của Mỹ vào tuần trước. Trên thực tế, Trung Quốc đã bổ sung thêm 158.500 tấn ngô vào đơn đặt mua cũ của mình, đưa tổng số ngô mà nước này nhập khẩu của Mỹ lên mức cao kỷ lục là 14,7 triệu tấn.
Giá đường thô cũng tăng do điều kiện thời tiết khô tại nước xuất khẩu hàng đầu – Brazil – vẫn là trọng tâm chính, trong khi giá cà phê Arabica tăng hơn 2%, trở lại mức cao nhất 4,5 năm trong đầu tuần này. Phiên cuối tuần, giá đường thô kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn ICE tăng 0,28 US cent tương đương 1,6% lên 17,71 US cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 8/2021 trên sàn London tăng 6,9 USD tương đương 1,5% lên 466,5 USD/tấn.
Cà phê cũng tăng trong phiên giao dịch gần đây nhất (4/6). Theo đó, Arabica kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn ICE tăng 4,05 US cent tương đương 2,6% lên 1,6165 USD/lb, đầu tuần có lúc giá cà phê tăng lên mức cao nhất 4,5 năm (1,6675 USD/lb); giá Robusta kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn London cũng tăng 23 USD tương đương 1,4% lên 1.612 USD/tấn.
Đại dịch COVID-19 khiến sức tiêu thụ cà phê toàn cầu giảm. Trong khi đó, cước vận tải biển tăng cao khiến xuất khẩu cà phê của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, gặp khó khăn.
Niên vụ cà phê 2020 - 2021 chỉ còn 4 tháng xuất khẩu, nhưng ách tắc trong lưu thông đã làm trì trệ hoạt động thông quan mặt hàng này. Trong khi đó, mùa mưa đã bắt đầu, người dân cần tiền mặt để trang trải chi phí cho vụ mùa mới.
Giá cà phê đảo chiều hồi phục trên cả hai sàn kỳ hạn sau khi nhà đầu tư đã mạnh tay thanh lý và chốt lời ngắn hạn ở phiên trước đó, trong khi các yếu tố cơ bản hầu như vẫn chưa có gì mới.
Báo cáo Thương mại tháng Tư của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) đã điều chỉnh giảm dư thừa toàn cầu trong niên vụ cà phê 2020/2021 xuống 2,019 triệu bao từ ước tính dư thừa trước đó là 3,286 triệu bao.
Trong khi đó, ICO lại dự báo rằng tiêu thụ cà phê toàn cầu có thể lên tới 167.564 triệu bao so với 166,346 triệu bao. Thông tin này đã giúp hỗ trợ giá cà phê phiên cuối tuần.
Giới quan sát quan ngại rằng, thị trường cà phê thế giới sẽ đứng trước nhiều thách thức trong thời gian tới, khi dự báo Brazil sẽ có một mùa đông khô hạn, khiến cây cà phê khó hồi phục sau thu hoạch, ảnh hưởng xấu đến sản lượng vụ mùa năm tới.
Giá cao su tại Nhật Bản phiên 4/6 hồi phục từ mức thấp nhất 1 tháng do số liệu việc làm hàng tuần của Mỹ tốt hơn so với dự kiến, thúc đẩy kỳ vọng nền kinh tế hồi phục mạnh, đồng thời giá dầu tăng cao cũng làm gia tăng nhu cầu mua tài sản rủi ro. Theo đó, hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 11/2021 trên sàn Osaka tăng 2,1 JPY tương đương 0,9% lên 243,2 JPY (2,2 USD)/kg; cao su kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Thượng Hải tăng 105 CNY lên 13.365 CNY (2.085 USD)/tấn.
Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá cao su tại Tokyo giảm 4,4%.
Nguồn:VITIC / Reuters, Bloomberg