menu search
Đóng menu
Đóng

Đèn lồng phố Hội treo cao

22:23 29/07/2016

Có ai ngờ lồng đèn Hội An có sản lượng tiêu thụ lên tới hàng vạn chiếc mỗi năm?
Không chỉ sáng đèn lung linh bên sông Hoài phố Hội, những chiếc lồng đèn của Hội An đã trở thành sản phẩm trang trí nổi tiếng và được xuất khẩu sang nhiều nước. Năm 2013, đèn lồng Hội An được công nhận là Thương hiệu sản phẩm nổi tiếng trên thế giới. Tạp chí du lịch Wanderlust (Anh) cũng mới công bố danh sách bình chọn 7 lễ hội ấn tượng nhất Việt Nam, trong đó lễ hội lồng đèn Hội An được xếp ở vị trí đầu tiên.

Hà Linh là 1 trong 2 đơn vị sản xuất đèn lồng có quy mô lớn nhất Hội An. Ngồi bên bộ bàn ghế bằng tre đơn sơ, chằng chịt vết tích của các cuộn chỉ màu, vải lụa mà khách du lịch để lại khi tập làm đèn lồng, ông Phạm Văn Hà, chủ cơ sở sản xuất Hà Linh, kể về câu chuyện của những chiếc lồng đèn ở Hội An. Rồi ông khẳng định chắc nịch: “Có khó khăn mấy cũng phải giữ lại cái nghề này”.

Ở đô thị cổ Hội An, thời gian như ngưng lại ở thế kỷ XVII khi những ngôi nhà xưa vẫn được bảo tồn chu đáo cho đến ngày nay. Những ngôi nhà này được các thương gia Nhật, Trung Quốc xây dựng thời đó khi lưu trú và làm ăn tại thương cảng Hội An sầm uất. Cuộc sống ồn ào dừng lại ngoài khu phố cổ, thay vào đó là nhịp sống êm ả trên mái ngói rêu phong và những bức tường vàng nghệ hoài cổ. Đời sống kinh tế nơi đây cũng yên ả như vậy, nhất là tại những làng nghề đã trở thành biểu tượng của vùng đất bên sông Hoài, như làng gốm Thanh Hà, làng mộc Kim Bồng, làng rau Trà Quế và đặc biệt là nghề làm đèn lồng Phố Hội.

Ở Hội An, hiện có hơn 40 hộ dân gắn bó với nghề làm đèn lồng. Hơn 400 năm trước, các thương gia người Hoa là những người đầu tiên đem theo đèn lồng từ quê nhà và treo trước cửa khi đến sinh sống tại Hội An. Nghề làm đèn được người dân Hội An biết đến từ đó, song bị lãng quên một thời gian và chỉ thịnh hành lại từ năm 1999 khi Hội An mở cửa đón khách du lịch, đặc biệt là du khách quốc tế. Người có công lớn trong việc phục chế chiếc đèn lồng và lan truyền nghề theo hình thức làm đèn thủ công bằng khung tre bọc vải là nghệ nhân Huỳnh Văn Ba. Đến nay, xưởng sản xuất của ông Ba và Hà Linh là 2 đơn vị nổi danh nhất trong làng đèn lồng. Trong đó, Hà Linh là cơ sở duy nhất đầu tư hoàn thiện cho quy trình làm đèn, trong khi các đơn vị khác chỉ đảm nhận một khâu nhỏ.

Den long pho Hoi treo cao
Một cơ sở sản xuất và bán lồng đèn tại Hội An. Ảnh: Sơn Phạm

Đèn lồng Hội An được làm theo quy trình khá đơn giản từ 2 nguyên liệu chính là tre và vải bọc. Theo kinh nghiệm của ông Hà, tre để làm lồng phải là loại tre già còn tươi. Nghệ nhân lành nghề là người biết lựa chọn nguồn tre chính xác và nắm rõ kỹ thuật sản xuất để vải bọc không bị bung hay đổ lông, làm mất tính thẩm mỹ của đèn. Tre được vót thành từng nan mỏng tùy theo hình dáng đèn. Có nơi còn nấu tre rồi ngâm dài ngày trong nước muối rồi phơi khô trước khi vót để tránh mối mọt. Tre sau khi vót được định hình thành khung, cố định bằng dây dù hoặc dây cước rồi gắn với 2 đầu gỗ. Vải bọc bằng vải xoa, lụa tơ tằm... được dán lên khung, rồi gắn chuôi để hoàn thiện. Một chiếc đèn lồng thường được làm trong 4 ngày từ khi vót nan đến dán vải, cầu kỳ hơn thì có cả vẽ trang trí, thêu chữ thư pháp lên đèn.

Ở Hội An, có những chiếc đèn lồng hơn trăm tuổi được làm từ gỗ quý, chạm trổ tinh vi, phủ lên một lớp vải bọc cao cấp được họa tranh tỉ mỉ. Những chiếc đèn như thế được các gia đình lưu giữ như báu vật và chỉ thắp lên vào những ngày lễ quan trọng.

Lồng đèn có 10 loại kiểu dáng, như tròn, củ tỏi, bánh ú, trám, kim cương... Ngoài dùng để trang trí, các lô hàng đèn lồng còn được xuất khẩu sang Singapore, Philippines, Malaysia, Úc, Mỹ... dùng trong trang trí nội thất. “Những năm 2013-2014, nghề làm đèn lồng rất thịnh, xưởng chúng tôi làm ngày đêm, sản lượng tiêu thụ khoảng 50.000-60.000 cái/năm. Có những hợp đồng xuất khẩu lên đến 80.000 cái. Lấy công làm lời, mỗi cái đèn nhỏ lời khoảng 4.000-5.000 đồng, cái lớn thì gấp đôi. Năm nay, thị trường đang chậm lại, xuất khẩu cũng không hiệu quả như trước nhưng tôi tin sớm muộn sẽ qua giai đoạn khó khăn này”, ông Hà chia sẻ.

Từng là thợ cơ khí có tiếng, nhưng nhận thấy không thể sống với nghề, ông Hà lang thang ngày đêm để tìm một cái nghề nuôi sống vợ con. Một lần nằm suy nghĩ, thấy chiếc đèn lồng của cha làm trước đây để lại, ông Hà hì hụi làm một chiếc đèn lồng theo trí nhớ được cha chỉ bảo khi xưa. Chiếc đèn nhỏ vô tình dẫn đường cho một xưởng sản xuất lớn, góp phần vực dậy một nghề truyền thống của Hội An.

Bước vào ngôi nhà hơn trăm mét vuông, hàng trăm chiếc đèn lồng đủ mọi hình dáng được treo khắp nơi, có cả đèn hình nơm bắt cá, lồng đèn xoay gió..., thế giới màu sắc như bừng sáng. Đây là thành quả sáng tạo của ông Hà sau 17 năm gắn bó với nghề.

Với bản chất hiền lành, những người làm đèn không đố kỵ mà nương nhau để sống. Những nhà làm đèn trong thành phố thường tụ hội với nhau, phân chia công việc, chỉ bày kinh nghiệm. “Ngồi với nhau, chúng tôi giải quyết được nhiều thứ, đáng kể nhất là nghĩ ra cách xếp gọn đèn, tiện dụng để chiếc đèn lồng đi được nhiều nơi hơn, giới thiệu vẻ đẹp mộc mạc của Phố Hội”, ông Hà chia sẻ.

Nguồn: nhipcaudautu.vn