menu search
Đóng menu
Đóng

Hãng thời trang H&M, Zara tích cực mở rộng toàn cầu

14:52 16/03/2017

2 thương hiệu quần áo châu Âu đang mở rộng mạng lưới cửa hàng của mình và giới thiệu nhiều thương hiệu khác nhau đến thị trường mới, nắm giữ nguồn lực để hỗ trợ sự phát triển toàn diện mà các đối thủ có vẻ không thể sánh kịp.

Inditex, sở hữu hãng quần áo Zara, cho biết sẽ mở khoảng 280 cửa hàng trong năm tài chính 2017, tương đương với việc mở rộng năm 2016. H&M (Hennes & Mauritz) của Thụy Điển đang cố gắng đạt mức tăng 430 cửa hàng.

Inditex đã xây dựng một nền tảng để nhanh chóng bắt kịp nhu cầu khách hàng, CEO Pablo Isla cho biết tại cuộc họp báo công bố lợi nhuận của công ty hôm thứ 4. Doanh thu trong năm kết thúc tháng 1 tăng 12% lên 23,3 tỷ euro (24,9 tỷ USD), trong khi lợi nhuận từ hoạt động tăng 9% lên 4 tỷ euro. Công ty thành lập cửa hàng tại 5 thị trường mới bao gồm cả New Zealand và Việt Nam, nâng tổng số lên 93 thị trường, trong khi số lượng cửa hàng tăng lên mức 7.292.

Nhà quản lý đang thúc đẩy tăng trưởng bằng cách mở rộng nhiều thương hiệu và ý tưởng sản phẩm hơn là tập trung nguồn lực kinh doanh vào một số lĩnh vực cụ thể. Inditex sẽ tung ra không chỉ trụ cột Zara mà còn các thương hiệu khác như Bershka và Pull & Bear, nhằm cung cấp các mức giá khác nhau và nắm bắt được các nhóm dân số đa dạng. Chuỗi trang trí nội thất Zara Home cũng phát triển đáng kể trong những năm gần đây.

H&M, tiếp tục thúc đẩy trở thành hãng dẫn đầu ngành công nghiệp. Doanh thu của hãng trong năm kết thúc tháng 11 tăng 6% lên cùng mức với Inditex. H&M sẽ mở rộng thêm 5 thị trường mới bao gồm Việt Nam, Kazakhstan và Colombia trong năm tài chính này, cùng lúc mở nhiều chuỗi như COS và Monki.

2 công ty "thời trang ăn liền" hàng đầu tiếp tục phá vỡ giới hạn. H&M vừa tổ chức một buổi trình diễn thời trang tại Paris trong tháng này, và các món đồ trong chương trình đã có mặt tại cửa hàng ngay sau đó.

Cả 2 tập đoàn khổng lồ này đều tập trung vào thương mại điện tử. Inditex điều hành các cửa hàng trực tuyến tại 43 thị trường, với Thái Lan và Ấn Độ sắp tham gia. H&M mở rộng bán hàng trực tuyến tới 35 thị trường trong năm tài chính 2016 và sẽ bổ sung thêm 6 trong năm tài chính 2017. Nhiều khách hàng chọn đồ trên mạng và đến cửa hàng lấy. Giám đốc điều hành H&M Karl-Johan Persson cho thu nhập từ bán hàng trực tuyến rất khả quan.
Các đối thủ cạnh tranh đang cảm thấy ảnh hưởng. Chi nhánh Hà Lan của công ty Charles Vogele (Thụy Sĩ) điều hành 95 cửa hàng vừa nộp đơn phá sản vào tháng 1.

Nhà khai thác thương hiệu Uniqlo Fast Retailing đã không thể bắt kịp với hai hãng khủng này, mặc dù CEO Tadashi Yanai dường như có tư duy khôn ngoan rằng "toàn cầu" và "kỹ thuật số" là 2 xu hướng chính trên thế giới. Công ty Nhật Bản từng hạ mục tiêu bán hàng của mình là 5 nghìn tỷ Yên (44 tỷ USD) trong năm 2020 xuống còn 3 nghìn tỷ Yên vào mùa thu năm ngoái.

Các đối thủ của 2 công ty may mặc lớn đang nhận ra rằng quần áo giá rẻ, chất lượng cao không còn đủ để theo kịp. Cả Inditex và H&M đều có mạng lưới hậu cần toàn cầu để phân phối hàng nhanh chóng, và đang tích cực đầu tư vào các hệ thống thông tin.
Nguồn: nhipcaudautu.vn