menu search
Đóng menu
Đóng

Top 3 “chợ” đặt món trực tuyến

08:06 17/08/2016

Cũng giống các mô hình kinh doanh thương mại điện tử khác, giá trị cốt lõi của mô hình kinh doanh gọi món trực tuyến (qua trang web trung gian) là xây dựng hệ thống kết nối khách hàng và nhà hàng trên một nền tảng trực tuyến, nhằm mang đến sự tiện lợi và đa dạng cho cả 3 bên. Thị trường này tại Việt Nam thu hút khá nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, sự có mặt của một số nhân tố mới đang khiến thị trường này trở nên thú vị hơn khi vị trí dẫn đầu hoàn toàn có thể bị thay thế trong thời gian tới.
Gia nhập thị trường Việt Nam vào tháng 2.2011, Vietnammm.com được xem là doanh nghiệp tiên phong trong thị trường đặt món trực tuyến. Với số lượng người sử dụng internet chiếm hơn 30% dân số, đa phần là giới trẻ, Vietnammm.com nhanh chóng đạt được tốc độ tăng trưởng đủ ấn tượng để nhận khoản đầu tư của Takeaway.com, trang web nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực đặt món trực tuyến ở khu vực châu Á, chỉ hơn 1 năm sau đó. Theo ASEANStartup, tỉ suất lợi nhuận của những mô hình gọi món trực tuyến thành công ở những nước phát triển là từ 30-40% và con số này còn có thể cao hơn tại thị trường châu Á - Thái Bình Dương.
Sự hấp dẫn của thị trường đặt món trực tuyến tại Việt Nam thu hút một số nhà đầu tư lớn như Foodpanda.vn của Rocket Internet và chonmon.vn của VCCorp vào năm 2012. Trước đó, VCCorp đã mua lại Eat.vn, một trang web đặt món được thành lập vào năm 2011. Theo một cựu quản lý cao cấp của Foodpanda.vn, cho đến nửa đầu năm 2015, thị trường được phân thứ hạng rõ ràng: Vietnammm.com dẫn đầu với khoảng 30.000 đơn hàng/tháng, thứ nhì là Foodpanda.vn với hơn 10.000 đơn hàng/tháng, thứ ba là Eat.vn với khoảng 2.000 đơn hàng/tháng. Thị trường chính của các doanh nghiệp này chủ yếu vẫn ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.
Chính vì thế, thương vụ mua lại Foodpanda.vn giúp Vietnammm.com tiếp tục củng cố vị trí dẫn đầu. Theo ông Jochem Lisser, Tổng Giám đốc Vietnammm.com, hiện mỗi tháng, Vietnammm.com có hơn 60.000 đơn hàng, chiếm phần lớn thị phần. Con số này được cho là sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Khi được hỏi về thời điểm hòa vốn của mô hình đặt món trực tuyến ở Việt Nam, ông Jochem cho biết, Vietnammm.com đang tập trung vào tăng trưởng thay vì mục tiêu lợi nhuận trước mắt. Tuy nhiên, do thị trường Việt Nam vẫn còn rất tiềm năng vì lượng người sử dụng internet chưa đạt được một nửa dân số nên Công ty vẫn tiếp tục đầu tư trong thời gian tới.
Theo nguồn tin của NCĐT, sau khi Foodpanda.vn ra đi, vị trí thứ nhì thuộc về DeliveryNow.vn, một đơn vị thuộc Foody.vn gia nhập thị trường vào đầu năm nay, với khoảng 10.000 đơn hàng/tháng. Vị trí thứ ba là chonmon.vn với 3.000 đơn hàng/tháng. Dù khá vững chắc với vị trí dẫn đầu, đại diện Vietnammm.com cho biết chưa có ý định thay đổi mô hình kinh doanh.
Theo ông Jochem, hiện doanh thu chính của Công ty đến từ hoa hồng trên mỗi đơn hàng được đặt trên Vietnammm.com. Công ty không thu phí quảng cáo từ khách hàng. Tìm hiểu của NCĐT cho thấy, tỉ lệ ăn chia vào khoảng 15-20% giá trị đơn hàng. Người đứng đầu Vietnammm.com có lý do khi vẫn giữ vững lập trường kinh doanh. Quyết định chấm dứt hoạt động kinh doanh Foodpanda.vn của Rocket Internet là bài học vẫn còn nguyên giá trị.
Bởi vì, trong 4 năm trở lại đây, giao hàng trong lĩnh vực ăn uống là bài toán chưa có lời giải. Do thức ăn đòi hỏi việc bảo quản tốt và khắt khe về thời gian giao nhận, lại không thể giao chung với các món hàng khác như quần áo, giày dép nên các công ty cung cấp dịch vụ giao nhận đều lắc đầu trước nhu cầu của các doanh nghiệp về mặt hàng này. “Giao đồ ăn cao điểm từ 11-12 giờ trưa, chiều từ 16-18 giờ. Công ty không thể tuyển nhân viên làm toàn thời gian chỉ để giao đồ ăn. Còn tuyển nhân viên bán thời gian thì rất khó kiểm soát chất lượng dịch vụ”, giám đốc một công ty giao nhận nói.
Foodpanda.vn chọn giải bài toán này bằng cách xây dựng riêng một đội ngũ giao nhận, khoảng 100 người cho khu vực ở Hà Nội và TP.HCM. Với mức lương cứng, chưa kể năng suất của nhân viên giao nhận hiện nay vào khoảng từ 4-5 triệu đồng, mỗi tháng công ty này tốn không dưới 400 triệu đồng để nuôi nhân lực khâu giao nhận. Trong khi doanh thu chủ yếu từ hoa hồng các đơn hàng không bao nhiêu, kết quả là Foodpanda.vn cụt vốn ngay khi Rocket Internet gặp khó khăn về dòng tiền.
“Chúng tôi chưa nghĩ đến chuyện cung cấp dịch vụ giao nhận trong thời gian tới”, ông Jochem nói. Trong khi đó, DeliveryNow.vn hay Chonmon.vn đều đang cung cấp cả dịch vụ giao nhận theo hướng vừa tự xây vừa kết hợp với nguồn lực bên ngoài.
Trên thực tế, Foodpanda.vn cũng từng sử dụng mô hình này trước khi đóng cửa nhưng hạ tầng thời điểm đó chưa sẵn sàng như hiện nay. Hiện có khá nhiều doanh nghiệp tham gia, với chất lượng dịch vụ cải thiện từng ngày như AhaMove (thuộc Công ty giaohangnhanh.vn), ShipS, Grab Express và sắp tới là Uber Moto.
Theo ông Nguyễn Tuấn Minh, nhà sáng lập ShipS, để có thể đảm bảo giao đơn hàng trong 60 phút, với độ phủ rộng ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, các doanh nghiệp phải chuẩn bị ít nhất là 1.000 nhân viên giao hàng. “Việc hợp tác với các bên thứ ba giúp doanh nghiệp chia sẻ rủi ro và tiết kiệm đến 80% chi phí. Tuy nhiên, hợp tác vẫn đang trong thời gian thử nghiệm”, ông Minh nói.
Ông Đặng Hoàng Minh, nhà sáng lập trang web Foody.vn, giải thích về việc lấn sang khâu giao hàng là để củng cố vị trí của Foody với các mạng xã hội phổ biến ở Việt Nam, điển hình Facebook. Theo tìm hiểu của NCĐT, ngày càng nhiều doanh nghiệp có kênh riêng trên các mạng xã hội phổ biến như Facebook hay Zalo. Bộ phận tiếp thị của doanh nghiệp cũng am hiểu cách thức thu hút người sử dụng dẫn đến việc bớt phụ thuộc vào các kênh quảng cáo trung gian. Nhóm doanh nghiệp nhà hàng cũng không ngoại lệ.

Chính vì thế, các doanh nghiệp như Foody.vn tìm cách đưa ra các dịch vụ mà Facebook chưa thể cung cấp được ở Việt Nam, giao nhận và thanh toán là một dạng như vậy. Tuy nhiên, người đại diện Vietnammm.com vẫn tin rằng các trang web tập trung vào ẩm thực vẫn có lợi thế riêng về sự đa dạng nhà hàng tham gia, sự tiện lợi cho khách hàng so với các mạng xã hội. “Chúng tôi vẫn tiếp tục mục tiêu trở thành nền tảng gọi món ăn trực tuyến phổ biến và tiện lợi nhất trong thời gian tới”, ông Jochem cho biết.

Nguồn: nhipcaudautu.vn