Bỉ là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Việt Nam trong khu vực EU. Sau khi Hiệp định Thương mại tự do EVFTA có hiệu lực kể từ ngày 01/8/2020, hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Bỉ đã cải thiện trong 5 tháng cuối năm 2021 và phục hồi mạnh trong 6 tháng đầu năm 2021. Đặc biệt, trong quý II/2021, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Bỉ đạt mức tăng trưởng cao, tăng 62,6% so với quý II/2020, sau khi tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước trong quý I/2021. Do kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh hơn so với nhập khẩu, nên xuất siêu của Việt Nam sang thị trường Bỉ trong quý II/2021 tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020 (816 triệu USD so với 477 triệu USD). Trong 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất siêu sang Bỉ 1,46 tỷ USD, cao hơn so với mức 906,7 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2020.
Về xuất khẩu: Quý II/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Bỉ đạt 957 triệu USD, tăng 27,3% so với quý I/2021 và tăng 66,1% so với quý II/2020. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Bỉ đạt 1,71 tỷ USD, tăng 51,6% so với 6 tháng đầu năm 2020. Trong 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Bỉ tăng khi kinh tế nước này dần phục hồi sau đại dịch, nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại.
Theo thống kê của Eurostat, trong 4 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu hàng hóa của Bỉ đạt 128,5 tỷ Euro, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA có hiệu lực là yếu tố hỗ trợ để hàng hóa của Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh so với các nước xuất khẩu khác tại thị trường Bỉ. Do đó, mặc dù Bỉ có xu hướng tăng nhập khẩu từ thị trường trong khối, giảm nhập khẩu từ thị trường ngoài khối, nhưng nhập khẩu từ Việt Nam vẫn tăng với mức tăng có xu hướng ngày càng tăng (Quý I/2021 tăng 36,5%; quý II/2021 tăng 66,1%).
Quý II và 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng sang thị trường Bỉ tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020, trừ xuất khẩu túi xách, ví, vali, mũ ô; cà phê; hạt điều; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sản phẩm từ cao su giảm. Do đó, tỷ trọng một số mặt hàng của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Bỉ từ thị trường ngoài khối tăng so với cùng kỳ năm 2020. Sắt thép các loại là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Bỉ tăng mạnh trong quý II và 6 tháng đầu năm 2021.
Quý II/2021, xuất khẩu sắt thép các loại của Việt Nam sang thị trường Bỉ đạt 211,87 triệu USD, tăng 71,4% so với quý I/2021 và tăng 1.625 % so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu sắt thép các loại của Việt Nam sang Bỉ đạt 335,5 triệu USD, tăng 878,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu sắt thép các loại sang thị trường Bỉ tăng mạnh khi nhu cầu nhập khẩu của Bỉ phục hồi. Theo thống kê của Eurostat, nhập khẩu sắt thép các loại của Bỉ trong 4 tháng đầu năm 2021 đạt 6,26 triệu tấn, trị giá 4 tỷ Euro, tăng 10,9% về lượng và tăng 31% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020; nhưng vẫn giảm 8% về lượng và giảm 2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nhập khẩu nội khối đạt 4,16 triệu tấn, trị giá 2,6 tỷ Euro, tăng 18,8% về lượng và tăng 38,3% về trị giá; nhập khẩu ngoại khối đạt 2,1 triệu tấn, trị giá 1,4 tỷ Euro, giảm 2% về lượng, nhưng tăng 19,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, trong 4 tháng đầu năm 2021, Bỉ tăng mạnh nhập khẩu sắt thép các loại từ thị trường Việt Nam, đưa Việt Nam từ vị trí thị trường cung cấp lớn thứ 9 cho Bỉ trong cùng kỳ năm 2020, lên trở thành thị trường cung cấp lớn thứ 5 trong 4 tháng đầu năm 2021. Tỷ trọng nhập khẩu sắt thép các loại của Bỉ từ thị trường Việt Nam tăng từ 2,4% trong 4 tháng đầu năm 2020, lên 5,3% trong 4 tháng đầu năm 2021.
Trong quý II và 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng tiêu dùng như giày dép các loại, hàng dệt may sang thị trường Bỉ tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu giày dép các loại của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021 sang thị trường Bỉ tăng trưởng khả quan, mặc dù nhu cầu nhập khẩu của nước này chưa phục hồi về mức trước đại dịch.
Theo thống kê của Eurostat, trong 4 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu giày dép các loại của Bỉ đạt 1,3 tỷ Euro, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Bỉ tăng mạnh nhập khẩu nội khối, giảm nhập khẩu từ thị trường ngoại khối. Nhập khẩu giày dép các loại của Bỉ từ hầu hết các thị trường ngoại khối giảm, nhưng nhập khẩu từ thị trường Việt Nam tăng cho thấy khả năng cạnh tranh của mặt hàng này tại thị trường Bỉ đang tăng lên nhờ ưu đãi về thuế của Hiệp định EVFTA.
Trong 4 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã vượt Trung Quốc, trở thành thị trường cung cấp giày dép các loại lớn nhất cho Bỉ trong các thị trường ngoại khối. Tỷ trọng nhập khẩu từ thị trường Việt Nam trong tổng nhập khẩu từ thị trường ngoại khối của Bỉ đã tăng từ mức 31,5% trong 4 tháng đầu năm 2020, lên 38,4% trong 4 tháng đầu năm 2021. Dự báo, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Bỉ sẽ tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm 2021 khi kinh tế nước này đang phục hồi. Kinh tế Bỉ được kỳ vọng phục hồi khi niềm tin tiêu dùng và niềm tin kinh doanh lạc quan. Kỳ vọng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Bỉ sẽ tăng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, những ưu đãi trong Hiệp định EVFTA sẽ tiếp tục là yếu tố hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Bỉ khi nhiều mặt hàng có thuế suất giảm 0%. Trong đó, các mặt hàng nhiều tiềm năng tăng trưởng gồm: sắt thép các loại, hàng dệt may, giày dép.
Nhu cầu tiêu thụ giày dép tại Bỉ có xu hướng tăng khi doanh thu nhóm hàng dệt may và giày, dép, da trong các cửa hàng chuyên doanh là các nhóm hàng có mức chi tiêu tăng mạnh nhất, tăng lần lượt là 46,8% và 29,4%. Trong dài hạn, bên cạnh xuất khẩu tăng, các công ty Bỉ cũng có xu hướng quan tâm đến việc đầu tư vào Việt Nam. Với sự gia tăng thương mại giữa hai nước, các nhà đầu tư Bỉ nhận thấy cơ hội đầu tư vào các ngành công nghiệp của Việt Nam.
Các lĩnh vực công nghiệp tại Việt Nam mà nhà đầu tư Bỉ quan tâm gồm: ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống, dược phẩm, năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp chế biến và chế tạo của Việt Nam cũng là lĩnh vực đầu tư được các tập đoàn Bỉ quan tâm. Trước đây, hầu hết các khoản đầu tư của các nhà đầu tư Bỉ tại Việt Nam tập trung vào cảng biển, cơ sở hạ tầng, bất động sản, sản xuất và phát điện. Với các dự án đầu tư từ các doanh nghiệp Bỉ, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Bỉ nói riêng và EU nói chung trong dài hạn sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan.
Về nhập khẩu: Quý II/2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ thị trường Bỉ đã tăng trở lại, sau khi giảm trong 5 tháng cuối năm 2020 và quý I/2021, đạt 141,03 triệu USD, tăng 30,8% so với quý I/2021 và tăng 42,5% so với quý II/2020. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ thị trường Bỉ đạt 248,8 triệu USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, các mặt hàng nhập khẩu từ thị trường Bỉ tăng gồm: dược phẩm; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; sữa và sản phẩm từ sữa, sản phẩm hóa chất... Các mặt hàng nhập khẩu từ thị trường Bỉ tăng trong quý II và 6 tháng đầu năm 2021 hầu hết đều là các mặt hàng máy móc và nguyên liệu cho sản xuất.
An Bình (tổng hợp)
Nguồn:Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương