menu search
Đóng menu
Đóng

Hiệp định khung ASEAN về Dịch vụ

16:00 08/02/2020

Vinanet - Tự do hóa thương mại dịch vụ là một trong những ưu tiên quan trọng trong Cộng đồng kinh tế ASEAN. Quá trình tự do hóa thương mại dịch vụ giữa các nước khu vực được thực hiện trong khuôn khổ của Hiệp định khung ASEAN về Dịch vụ và tiếp tục được đàm phán.
Thông tin cơ bản về Hiệp định khung ASEAN về Dịch vụ (AFAS)
Thời gian kí kết: 15/12/1995
Hiệp định khung ASEAN về Dịch vụ (AFAS) với các nội dung tương tự Hiệp định Chung về Thương mại Dịch vụ của WTO làm tiền đề cho các vòng đàm phán từng bước tự do hóa thương mại dịch vụ giữa các nước ASEAN.
Tự do hóa thương mại dịch vụ là một trong những ưu tiên quan trọng trong Cộng đồng kinh tế ASEAN. Quá trình tự do hóa thương mại dịch vụ giữa các nước ASEAN được thực hiện trong khuôn khổ của Hiệp định khung ASEAN về Dịch vụ và tiếp tục được đàm phán nhằm tự do hóa dần dần thương mại dịch vụ giữa các nước ASEAN.
Đến nay, trong khuôn khổ của AFAS các nước ASEAN đã kí 10 gói cam kết về thương mại dịch vụ bao gồm nhiều lĩnh vực như: xây dựng, môi trường, dịch vụ kinh doanh, dịch vụ chuyên nghiệp, phân phối hàng hóa, giáo dục, vận tải biển, viễn thông và du lịch và 7 thỏa thuận công nhận lẫn nhau, 6 cam kết về dịch vụ tài chính và 8 gói cam kết về dịch vụ hàng không.
Các cam kết trong AFAS đều có phạm vi rộng và mức độ tự do hóa sâu hơn so với cam kết trong khuôn khổ WTO.
Gói cam kết thứ mười chưa có hiệu lực đối với Việt Nam
Một số cam kết cụ thể của Hiệp định khung ASEAN về Dịch vụ
1. Đối với ngành Y tế, Việt Nam xóa bỏ yêu cầu vốn pháp định để thành lập cơ sở cung cấp dịch vụ bệnh viện, nha khoa và khám bệnh tại Việt Nam.
2. Trong ngành công nghệ thông tin, Việt Nam cho phép góp vốn nước ngoài (FDI) lên tới 70% trong liên doanh để cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng không có hạ tầng mạng.
3. Đối với dịch vụ đại lí lữ hành, mặc dù đặt ra yêu cầu doanh nghiệp FDI phải liên doanh với doanh nghiệp trong nước để cung cấp dịch vụ nhưng không hạn chế số vốn góp của nước ngoài.
Tuy nhiên, loại hình doanh nghiệp này chỉ được phép cung cấp dịch vụ đưa khách vào du lịch tại Việt Nam và cung cấp thêm dịch vụ lữ hành nội địa nếu dịch vụ này nằm trong gói dịch vụ du lịch Việt Nam.
Việt Nam chưa cho phép doanh nghiệp FDI đưa khách ra du lịch nước ngoài. Ngoài ra, trong gói cam kết thứ 9 của AFAS. Việt Nam cho phép các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài thành lập liên doanh cung cấp dịch vụ công viên giải trí nhưng phần vốn góp FDI không vượt quá 70%.
4. Vận tải hàng không: Việt Nam cam kết mở cửa dịch vụ bán và tiếp thị vận tải hàng không, không có yêu cầu bắt buộc phải có đại lí hoặc văn phòng bán lẻ tại Việt Nam.
Doanh nghiệp FDI cũng không bị hạn chế khi cung cấp dịch vụ cho thuê máy bay, dịch vụ giao nhận hàng hóa vận chuyển theo đường hàng không, dịch vụ bán và tiếp thị dịch vụ vận tải hàng không, dịch vụ đặt chỗ, giữ chỗ bằng máy tính, dịch vụ cung cấp bữa ăn trên máy bay.
5. Về dịch vụ tài chính: Do lĩnh vực tài chính là một lĩnh vực khá nhạy cảm, nên các cam kết mở cửa lĩnh vực tài chính còn khá hạn chế, đối với Việt Nam các cam kết mở trong AFAS là tương đương với các cam kết trong WTO.
Chi tiết về Hiệp định khung ASEAN về Dịch vụ

Nguồn:vietnambiz/Kinh tế & Tiêu dùng

Link gốc