menu search
Đóng menu
Đóng

Hôm nay CPTPP chính thức có hiệu lực với Việt Nam

09:26 14/01/2019

Vinanet -Các dòng thuế quan của Việt Nam chính thức cắt giảm từ hôm nay 14/1, tương tự, Việt Nam cũng chính thức hưởng lợi thuế quan từ 6 nước CPTPP.

Theo quy định, sau khi thông báo chính thức cho New Zealand (quốc gia chịu trách nhiệm theo dõi và ghi chép tiến trình hiệp định) vào ngày 15/11/2018, CPTPP sẽ có hiệu lực với Việt Nam sau 2 tháng, tức vào ngày 14/1.

Như vậy, các dòng thuế quan của Việt Nam sẽ chính thức cắt giảm theo cam kết, tương tự, Việt Nam cũng sẽ hưởng lợi thuế quan từ 6 nước đã phê chuẩn hiệp định CPTPP kể từ hôm nay.
CPTPP đã chính thức có hiệu lực từ ngày 30/12/2018 sau khi có ít nhất 6 nước chính thức thông qua. Vào ngày 12/11/2018, Việt Nam là nước thứ 7 thông qua Hiệp định này sau Nhật Bản, New Zealand, Canada, Mexico, Australia và Singapore.
Hiệp định CPTPP tạo nên một khu vực kinh tế tự do khổng lồ, có phạm vi thị trường khoảng 500 triệu người dân và chiếm 13% GDP toàn cầu. CPTPP thống nhất các quy định về đầu tư và dịch vụ đối với rất nhiều lĩnh vực, từng bước bãi bỏ thuế quan đối với các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp.
Thị trường của các nước tham gia CPTPP có quy mô lớn với GDP của cả khối chiếm 13,5% GDP toàn cầu, bao gồm Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới.
Theo tính toán của Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, CPTPP về tổng thể vẫn có lợi cho Việt Nam so với  trường hợp không tham gia.
Cụ thể, do tác động của cắt giảm thuế quan, CPTPP có thể giúp GDP tăng thêm 1,32%, tương đương 1,7 tỷ USD. Với giả định mức tác động lũy tiến tới 2035, trung bình mức GDP tăng thêm mỗi năm khoảng 0,016 %, tương đương khoảng 0,02 tỷ USD/năm.
Việt Nam cũng đạt được lợi ích từ xuất khẩu với tổng mức tăng thêm về kim ngạch xuất khẩu là trên 4%, tương đương 4,09 tỷ USD so với không có TPP.
Ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ thương mại đa biên (Bộ Công Thương, cho hay, Hiệp định có hiệu lực, hàng Việt Nam xuất sang các nước đã phê chuẩn chuẩn CPTPP cũng như hàng các nước vào Việt Nam sẽ hưởng mức thuế mới", ông Ngô Chung Khanh cho biết.
Theo ông Khanh, đây là Hiệp định thể hiện cam kết hội nhập sâu và rộng của Việt Nam với rất nhiều cái là "lần đầu tiên". Lần đầu tiên Việt Nam cam kết cắt giảm gần 100% dòng thuế; cam kết đối với hoạt động mua sắm công; cam kết đối với lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước; cam kết cho phép người lao động thành lập tổ chức của người lao động không nhất thiết trực thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; cam kết về vấn đề môi trường, thương mại điện tử...
TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng tham gia CPTPP có ý nghĩa với Việt Nam tại thời điểm hiện tại. Một nền thương mại tự do với Việt Nam chưa đủ nhưng là điểm tích cực.
Theo ông Thành, ba trụ cột lớn của CPTPP vẫn còn nguyên giá trị với Việt Nam. Thứ nhất, hiệp định sẽ góp phần tăng trưởng về thương mại đầu tư. Không có Mỹ, tác động này không lớn nhưng vẫn rất có ý nghĩa. Thứ hai, CPTPP gắn với cải cách thể chế, trong khi đó, cải cách thể chế là một điểm then chốt thúc đẩy môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển. Thứ ba, CPTPP là dấu ấn góp phần thúc đẩy thương mại tự do.
"Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, CPTPP còn giúp đã dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm thiểu rủi ro cho hàng hóa Việt Nam", ông Thành nhận định.
Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, trong 10 nước đối tác của CPTPP thì Việt Nam đã có FTA với 7 nước. CPTPP chỉ tạo ra 3 thị trường mới là Canada, Mexico và Peru. Đây không phải là những thị trường quá lớn nên khả năng đem lại đột phá cho xuất khẩu là tương đối nhỏ.
Tuy nhiên, với sự phát triển của năng lực tự thân trong những năm qua, dự kiến sẽ có thêm nhiều ngành được hưởng lợi từ mạng lưới FTA mà Việt Nam đã tạo ra, ngoài dệt may, da dày. Trong đó nổi bật là các ngành như chế biến gỗ, dụng cụ cơ khí, sản phẩm điện tử và điện gia dụng.
Cùng việc có quan hệ FTA với nhiều thị trường quan trọng như ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Liên bang Nga và sắp tới đây là EU, Việt Nam sẽ ở vào một vị trí rất đặc biệt. Các chuỗi cung ứng sẽ cân nhắc nghiêm túc việc dịch chuyển một phần của chuỗi sang Việt Nam và nếu điều đó xảy ra, ta sẽ chứng kiến sự ra đời của một loạt mặt hàng xuất khẩu mới.
"Mọi sự sẽ không đơn giản bởi còn phụ thuộc vào khả năng thu hút cũng như hấp thụ FDI của ta nhưng với mạng lưới FTA mà ta đã tạo ra, cơ hội là có", Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết.
Nguồn: ndh.vn