menu search
Đóng menu
Đóng

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tận dụng cơ hội từ EVFTA

16:06 22/09/2021

Xuất khẩu thủy sản sang EU đã đạt những kết quả tích cực trong 6 tháng đầu năm 2021. Những kết quả này thể hiện sự nỗ lực và linh hoạt của doanh nghiệp thủy sản thời gian qua để ổn định sản xuất, duy trì nguồn cung và thể hiện hiệu quả bước đầu trong tận dụng cơ hội do EVFTA mang lại.
 
Xuất khẩu thủy sản sang EU đã đạt những kết quả tích cực trong 6 tháng đầu năm 2021. Những kết quả này thể hiện sự nỗ lực và linh hoạt của doanh nghiệp thủy sản thời gian qua để ổn định sản xuất, duy trì nguồn cung và thể hiện hiệu quả bước đầu trong tận dụng cơ hội do EVFTA mang lại.
Tuy vậy, tăng trưởng xuất khẩu thủy sản nửa cuối năm 2021 đang có nguy cơ bị chững lại khi làn sóng Covid lần thứ 4 bùng phát ở khu vực trọng điểm sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản là Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong bối cảnh đó, để hỗ trợ xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU trong những tháng cuối năm 2021, Nhà nước cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền, phổ biến về các cơ hội và cách tận dụng cơ hội từ EVFTA cho cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời quan tâm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất của doanh nghiệp thủy sản.
Triển khai theo 2 định hướng này, Bộ Công Thương phối hợp cùng các Bộ, ngành đã triển khai những giải pháp sau:
Về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu
Việc duy trì hoạt động sản xuất trong thời điểm hiện nay là rất quan trọng. Tại Đề án phát triển xuất nhập khẩu bền vững để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 trình Chính phủ thảo luận ngày 16 tháng 6 năm 2021, Bộ Công Thương đã đề xuất xem xét bố trí ưu tiên tiêm vắc-xin cho công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp và trong các ngành thương mại, dịch vụ. Chính phủ thống nhất và khẳng định nhiệm vụ trọng tâm này trong Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 63/NQ-CP).
Tiếp nhận những phản ánh khó khăn, vướng mắc của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam về vấn đề nước thải chế biến thủy sản, vấn đề phạt chậm nộp thuế giá trị gia tăng đối với lô hàng xuất khẩu bị trả về, các khó khăn trong kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm sản phẩm thủy sản… Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ và tại Nghị quyết số 63/NQ-CP nêu trên, Chính phủ giao các Bộ, cơ quan, địa phương: “Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu, nhất là đối với các ngành hàng có đóng góp quan trọng cho xuất khẩu như dệt may, da giầy, thủy sản...”.
Để hỗ trợ giảm chi phí, đặc biệt là chi phí vận tải, Bộ Công Thương cũng đã đề xuất Chính phủ giao các Bộ, cơ quan, địa phương “Rà soát các loại phí đối với phương tiện, hàng hóa xuất nhập khẩu, nhất là hàng xuất khẩu, để chủ động giảm phí đến hết năm 2021 cho các doanh nghiệp”. Nghị quyết 63/NQ-CP đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu của doanh nghiệp. Trong thời gian này, các Bộ, ngành liên quan cần tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, xử lý nhanh, dứt điểm những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, vượt qua khó khăn và tận dụng tốt cơ hội thị trường.
Về tận dụng EVFTA, phát triển thị trường, thúc đẩy xuất khẩu
Do tác động của dịch Covid-19 và thực hiện chính sách giãn cách xã hội của Chính phủ, Bộ Công Thương đã chủ động chuyển nhiều hoạt động hội thảo, tập huấn về cơ hội mở cửa thị trường từ EVFTA, quy tắc xuất xứ và hướng đáp ứng các quy tắc xuất xứ EVFTA từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến.
Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch của Bộ Công Thương triển khai các giải pháp phát triển xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 (Quyết định số 1993/QĐ-BCT ngày 20 tháng 8 năm 2021), theo đó Bộ chỉ đạo các đơn vị: Theo dõi việc lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cảng biển, triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn, ách tắc; Tăng cường cung cấp thông tin thị trường, các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường còn dư địa phát triển như các thị trường Đông Âu, Bắc Âu…; Các Thương vụ Việt Nam tại khu vực châu Âu tăng cường công tác thông tin thị trường, kịp thời cung cấp thông tin về thay đổi trong chính sách nhập khẩu, các rủi ro của thị trường; Đẩy mạnh các hoạt động phối hợp với các sàn thương mại điện tử lớn trên thế giới như Amazon, Alibaba… để hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu thông qua thương mại điện tử; Tăng cường cơ chế cảnh báo sớm về các vụ việc phòng vệ thương mại trên thị trường ngoài nước; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại; khởi kiện các biện pháp phòng vệ, bảo hộ bất hợp lý ra cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO.
Bên cạnh đó, Hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cũng cần chú trọng triển khai một số việc để phát triển thị trường xuất khẩu, tận dung cơ hội từ EVFTA:
Tích cực, chủ động hơn nữa trong nắm bắt thông tin về EVFTA và đặc biệt là các cam kết liên quan đến ngành hàng thủy sản để tận dụng triệt để các cơ hội và hạn chế các thách thức, giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp.
Xây dựng Kế hoạch phát triển thị trường của doanh nghiệp cho từng sản phẩm vào thị trường EU, đảm bảo phát huy lợi thế và thực thi hiệu quả cam kết EVFTA.
Phối hợp với Tham tán thương mại Việt Nam ở thị trường EU trong tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại; hình thành đại diện của doanh nghiệp, hiệp hội ở các thị trường lớn khu vực EU; tham gia trực tiếp vào kênh phân phối hàng thủy sản tại thị trường EU.
Đẩy mạnh hoạt động marketing và xúc tiến xuất khẩu trên cơ sở nghiên cứu phân khúc thị trường, xác định thị trường trọng điểm và tiềm năng. Tăng cường giao dịch điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong công tác thị trường và XTTM, quảng cáo trên website, gửi thư tín điện tử (email)... để nâng cao hiệu quả xúc tiến xuất khẩu.
Tác giả: An Bình (tổng hợp)
Cục Xuất nhập khẩu

Nguồn:Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương

Link gốc