menu search
Đóng menu
Đóng

Diễn biến giá vàng Châu Âu – Châu Á đang trái ngược nhau

20:41 17/01/2021

Phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng phương Tây giảm mạnh do bị ảnh hưởng từ hiện tượng bán tháo mạnh trên thị trường chứng khoán, trong khi vàng Châu Á tăng so với tuần trước.
 

Theo đó, giá vàng giao ngay tại London giảm 1% xuống 1.827,9 USD/ounce, sau khi có thời điểm giảm 1,3% xuống dưới 1.825 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 2/2021 tại New York giảm 1,2% xuống 1.829,9 USD/ounce. Tính chung cả tuần, giá giảm hơn 6%, là tuần giảm thứ 2 liên tiếp do đồng USD tiếp tục tăng làm giảm sự hấp dẫn của vàng như một giải pháp phòng ngừa lạm phát sau khi Tổng thống mới đắc cử của Mỹ đề xuất thêm gói kích thích kinh tế mới trị giá 1,9 tỷ USD.

Giá bạc trên sàn New York phiên cuối tuần cũng giảm 3,1% xuống 24,74 USD/ounce, trong phiên có thời điểm giảm 3,8%; bạch kim giảm 3,6% xuống 1.078,21 USD, có thời điểm giảm 4,4% trước đó; trong khi paladi giảm 0,7% xuống 2.391,77 USD/ounce.
Chỉ số Dollar index – so với các đồng tiền đối tác chủ chốt – kết thúc một tuần tăng giá mạnh nhất kể từ tháng 10/2020, khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với những nhà đầu tư nắm giữ mua vàng bằng những loại tiền tệ khác.
Lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm đầu tuần này cũng chạm mức cao nhất gần 10 tháng.
Các nhà phân tích tham gia cuộc khảo sát của Kitco News nhìn chung cho rằng, sau khi giảm xuống dưới ngưỡng 1.825 USD/ounce hôm 15/1, giá vàng sẽ khó có khả năng hồi phục nhanh chóng. Đó là kết quả khảo sát về thị trường vàng của Kitco tiến hành tại Phố Wall.
Chiến lược gia thị trường của Forexlive.com, Adam Button, cho biết: "Thị trường đang chịu tác động từ tâm lý lo lắng về lạm phát và đồng USD phục hồi. Sẽ mất một thời gian trước khi vàng bắt đầu tăng trở lại".
Chiến lược gia thị trường của Blue Line Futures, Phillip Streible, cũng có chungg nhận định và cho rằng, khi cổ phiếu giảm giá thì mọi người bắt đầu hoảng sợ và bán tháo tài sản. Theo ông, “Giá vàng có thể giảm xuống dưới 1.800 USD và chạm 1.795 USD nếu Dollar index tiếp tục tăng cùng với lợi suất trái phiếu.
Những người tham gia vào Phố Wall, bao gồm cả các nhà phân tích, đa số đều cho rằng giá vàng sẽ giảm hoặc đi ngang trong tuần tới, trong đó có 37,5% dự báo giá sẽ giảm, 37,5% dự báo giá đi ngang, và chỉ có 25% dự báo gia tăng.
“Tuần này, giá vàng đã không quay trở lại được mức trung bình của 200 ngày. Nếu giá giảm xuống dưới 1.800 USD thì có thể giảm tiếp xuống mức thấp như hồi cuối tháng 11, là gần 1.765 USD/ounce”, ông Marc Chandler, giám đốc điều hành của Bannockburn Global Forex nhận định, và cho rằng giá vàng có khả năng tái diễn mức thấp như hồi tháng 3, và nếu điều đó xảy ra thì giá sẽ chỉ khoảng 1.690- 1.700 USD/ounce.
Nhiều chuyên gia khác của Phố Wall cũng bi quan về triển vọng giá vàng ngắn hạn, với quan điểm chung cho rằng giá sẽ “mắc kẹt” trong phạm vi 1.800 – 1.900 USD/ounce, và nếu giá phá đáy 1.800 USD/ounce thì sẽ giảm tiếp xuống chỉ khoảng 1.775 USD/ounce, thậm chí có người cho rằng sẽ xuống chỉ 1.690,5-40,5 USD.
Các nhà phân tích của Reuters cũng không mấy lạc quan về thị trường vàng trong những ngày tới, với quan điểm chung cho rằng thị trường vàng đang bị kẹt giữa việc mua vì mục đích dài hạn bởi dự báo lạm phát sẽ tăng cùng với các chương trình kích thích kinh tế, nhưng lại phải bán trong ngắn hạn khi USD tăng trở lại và lo ngại gia tăng rằng những chương trình kích thích sẽ giảm dần.
Tai Wong, người đứng đầu bộ phận giao dịch phái sinh kim loại quý và kim loại cơ bản của BMO cho biết: “Chính quyền của ông Biden sẽ ủng hộ một chương trình chi tiêu lớn hơn hơn nhiều so với trước đây, nhưng có vẻ như sự hồi phục “cứng đầu” của đồng USD sẽ diễn ra trong ngắn hạn, và “lo ngại” về lợi suất tăng đang kích hoạt tâm lý bán vàng đi”.
Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden ngày 14/1 công bố một gói kích cầu mang tên "American Rescue Plan" (tạm dịch: "Kế hoạch giải cứu nước Mỹ") trị giá 1,9 nghìn tỷ USD nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp nước này vượt qua những thách thức mà đại dịch Covid-19 gây ra.
Trong khi đó, nhà giao dịch hàng đầu ở U.S. Global Investors, Michael Matousek, cho rằng, về mặt kỹ thuật thì giá vàng có nhiều “điểm tựa” để giữ vững quanh mức 1.775 USD/ounce, và nếu giảm xuống dưới mức đó thì sẽ kích hoạt làn sóng mua trở lại.
Tuy nhiên, kết quả khảo sát của Kitco ở khối Main Street (các doanh nghiệp nhỏ độc lập của Mỹ) cho thấy, nhóm này có cái nhìn lạc quan hơn về triển vọng thị trường vàng toàn cầu, với đa số người được khảo sát tin rằng giá sẽ tăng trong tuần tới, cho rằng việc giá vàng giảm mạnh hôm qua chỉ là tạm thời, và không nghĩ rằng lợi suất tăng sẽ là một vấn đề lớn đối với kim loại quý.
Trong số 1.701 người thuộc Main Street được Kitco khảo sát hôm 15/1, 54,4% dự báo giá sẽ tăng trong tuần tới, 21,9% dự báo giá đi ngang, và 23,7% dự báo giá giảm.
"Các nhà phân tích nói rằng tỷ giá tăng là không tốt cho vàng. Nhưng lãi suất hầu như không tăng - từ 0,096% lên mức cao nhất 1,05% trong một năm qua, và hiện đã quay đầu giảm”, Adrian Day, chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Adrian Day Asset Management cho biết. Theo ông Day, các yếu tố cơ bản của thị trường vàng vẫn “tích cực”, nhất là “việc Chính phủ mới của Mỹ sẽ gia tăng chi tiêu”, khiến thanh khoản trên thị trường tốt hơn và điều đó sẽ giúp thị trường vàng khởi sắc.
Nhu cầu vàng ở Châu Á đang tăng cũng là một trong những cơ sở để lạc quan về thị trường vàng tuần tới.
Giá vàng physical tuần này tại Trung Quốc – nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới – đã có mức cộng nhỏ (so với giá tham chiếu toàn cầu) lần đầu tiên kể từ đầu năm 2020, do nhu cầu mạnh lên
Các hãng vàng ở Trung Quốc tuần này bán vàng với mức +0,5  +4 USD/ounce so với giá vàng tham chiếu thế giới, so với mức – 7  -10 USD của tuần trước. Giá tham chiếu vàng thế giới tuần trước giảm 2,6%.
Ronald Leung, chủ hãng vàng Lee Cheong Gold Dealers ở Hồng Kông cho biết: “Giá vàng (tại Trung Quốc) đang tăng, chủ yếu là do nhu cầu cao của Trung Quốc tăng trước thềm Năm Mới cổ truyền và kinh tế hồi phục”. Ông Leung cho rằng giá sẽ còn tăng tiếp khi Chính phủ triển khai tiêm vắc xin ngừa Covid-19.
Peter Fung, người phụ trách mảng giao dịch của Wing Fung Precious Metals, cho rằng, đồng nhân dân tệ mạnh lên và giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế giảm cũng hậu thuẫn giá vàng tại Trung Quốc tăng, vì kích thích xu hướng mua vào.
Các hãng vàng Trung Quốc đã phải giảm mạnh giá bán vàng trong gần suốt cả năm 2020 do đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nền kinh tế nước này, nhất là đến nhu cầu mua/bán lẻ.
Hoạt động mua vàng ở Singapore tuần này cũng tăng lên do giá giao ngay trên thị trường quốc tế giảm. Theo đó, giá vàng bán ra +0,8  +1,8 USD/ounce, tăng nhẹ so với +0,8  +1,3 USD của tuần trước.
Tại Hongkong, vàng được bán với giá từ -2 USD đến +1,5 USD/ounce so với giá tham chiếu quốc tế; còn tại Nhật Bản thì giá vàng bán ra với giá tương đương hoặc cao hơn đến 1 USD/ounce so với giá tham chiếu quốc tế.
Trong khi đó tại Ấn Độ, các hãng vàng công bố giá bán cũng +0,5 USD so với giá tham chiếu (bao gồm 12,5% thuế nhập khẩu và 3% thuế bán hàng), giảm so với mức +1,5 USD của tuần trước.
Ashish Pethe, đối tác của Waman Hari Pethe Jewelers, cho biết: "Nhu cầu đang giảm nhẹ do biến động giá cả. Người tiêu dùng luôn có xu hướng đứng ngoài thị trường quan sát và chờ đợi cho đến khi có xu hướng rõ ràng”.
Ngày 15/1, giá vàng kỳ hạn tương lai giao dịch quanh mức 49.200 rupee/10 gr, sau khi chạm mức thấp nhất 1 tháng hồi đầu tuần, là 48.635 rupee.
Vì lý do giá vàng giảm chỉ bởi người mua muốn chờ xem tình hình sẽ ra sao nên các đại lý vàng cho rằng các hãng kim hoàn có thể sẽ tăng cường mua vàng vào trong thời gian tới để phục vụ nhu cầu vàng trong mùa cưới.
Nhập khẩu vàng vào Ấn Độ trong tháng 12/2020 đã tăng 18% so với một năm trước đó, lên 55,4 triệu tấn, theo thống ke của Hội đồng Vàng thế giới.
Tuy nhiên, tính chung cả năm 2020, nhập khẩu vàng vào nước tiêu thụ lớn thứ 2 thế giới này đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 11 năm, là 275,5 tấn, do đại dịch Covid-19 và cũng do giá vàng tăng cao. Như vậy, tiêu thụ vàng ở Ấn Độ đã giảm 2 nawm liên tiếp.
Chủ tịch Hội đồng Đá quý và Trang sức Ấn Độ, Ashish Pethe, cho biết, thị trường vàng Ấn Độ chỉ mới khởi sắc từ mấy tháng gần đây, với doanh số bán lẻ tăng lên, song các hãng vàng chủ yếu sử dụng vàng phế liệu để tái chế. Mặc dù nhu cầu từ người tiêu dùng lẻ giảm, song từ các nhà đầu tư vẫn tăng, khiến giá vàng tại Ấn Độ năm 2020 tăng gần 30% - nhiều nhất trong vòng 9 năm.

Nguồn:VITIC / Reuters, Kitco