menu search
Đóng menu
Đóng

Diễn biến giá quặng sắt đến nửa đầu tháng 3/2021

21:58 14/03/2021

Chính quyền Đường Sơn đã ban hành cảnh báo ô nhiễm cấp độ 2 vào ngày 8/3, kêu gọi các công ty công nghiệp nặng như nhà sản xuất thép và nhà máy luyện cốc cắt giảm sản lượng cho phù hợp với quy định.
 

Theo số liệu của S&P Global Platts, giá sắt thép từ sau Tết Nguyên đán tăng mạnh trong khi nguồn cung eo hẹp. Xuất khẩu quặng sắt trong tháng 2/2021 của các hãng hàng đầu thế giới Rio Tinto, BHP, Vale, Fortescue Metals Group và Roy Hill ở Australia, cùng với cảng Saldanha - Nam Phi - giảm 11% so với tháng trước đó, dù tăng 3,3% so với cùng tháng năm 2020.

Diễn biến giá quặng sắt trong nửa đầu tháng 3 cũng không khả quan, trái với thông lệ (thông thường, xuất khẩu trong tháng 3 thường mạnh), do thời tiết bất lợi ở những mỏ sắt lớn. Tình hình năm nay tương tự như tháng 3 năm 2019, khi xuất khẩu thấp hơn tháng 2 vì mưa bão lớn ở Australia. Điều này có thể sẽ hỗ trợ giá quặng sắt giữ vững ở mức cao trong thời gian tới.
Cụ thể, giá quặng sắt ngày 12/3/2021 giảm do các động thái ở Trung Quốc nhằm hạn chế hoạt động gây ô nhiễm môi trường cao của các nhà máy thép và giảm công suất sản xuất đã đè nặng tâm lý.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2021 được giao dịch nhiều nhất trên sàn hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc chạm mức 163,11 USD/tấn và đã giảm 6% trong tuần này.

Tương tự, quặng sắt giao ngay cập cảng Trung Quốc giảm xuống 166 USD/tấn. Giá trên các sàn Châu Á khác cũng đi xuống. Theo đó, quặng sắt trên sàn Singapore phiên cuối tuần giảm 3,2% xuống 159,35 USD/tấn, tính chung cả tuần mất 5%.

Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc đã yêu cầu Đường Sơn - thành phố sản xuất thép hàng đầu của nước Trung Quốc – xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm quy định về chất lượng không khí, sau khi 4 nhà máy không thực hiện quy định về hạn chế sản xuất, góp phần gây ô nhiễm không khí nặng nề.
Trước đó, ngày 8/3, Đường Sơn đã cảnh báo ô nhiễm cấp độ 2 và kêu gọi các công ty sản xuất công nghiệp nặng như ngành thép và các nhà máy luyện cốc phải cắt giảm sản lượng cho phù hợp với quy định.
Động thái này đã làm giảm sự lạc quan của thị trường về nhu cầu tăng sau Tết Nguyên đán đối với quặng sắt của Trung Quốc.
Atilla Widnell, giám đốc điều hành của Navigate Commodities ở Singapore cho biết: Thị trường đã tăng 10 USD/tấn trong một ngày, khi các nhà đầu tư tài chính nhận định sai tác động của môi trường bị ảnh hưởng gần đây đối với hoạt động sản xuất thép của Đường Sơn.

Rủi ro dài hạn lớn hơn đối với nhu cầu quặng sắt của Trung Quốc là do chính phủ muốn cắt giảm công suất thép và chuyển sang sản xuất lò điện hồ quang - loại sử dụng nhiều thép phế làm nguyên liệu.

Đó cũng là lý do khiến giá thép vẫn tăng, trái chiều với giá quặng sắt, vì thực tế nhu cầu thép tại Trung Quốc được nhận định là vẫn đang rất tốt.
Trong phiên 12/3, giá thép thanh trên sàn Thượng Hải tăng 2,9% so với phiên trước đó, thép cuộn cán nóng tăng 3,1%, trong khi thép không gỉ giảm nhẹ 0,1%.
 Các lô hàng quặng sắt của Rio Tinto, BHP, Vale, Fortescue Metals Group và Roy Hill ở Australia cùng với cảng Saldanha ở Nam Phi, đã giảm 11,2% so với tháng trước, nhưng tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các lô hàng xuất khẩu tháng 2 thấp hơn tháng 1 trong ba năm qua chủ yếu do các yếu tố thời tiết theo mùa ở Australia và Brazil.
Xuất khẩu kết hợp từ bốn nhà sản xuất lớn nhất của Australia trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 2 là 126,7 triệu tấn, tăng 4,2 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước.
Các lô hàng từ Vale đạt 40,3 triệu tấn đã giảm 3 triệu tấn so với năm trước, trong khi xuất khẩu của Nam Phi từ tháng 1 đến tháng 2 là 8,6 triệu tấn, thấp hơn 1,5 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2020.
Trong khi đó, nhập khẩu quặng sắt vào Trung Quốc gia tăng, đạt 181,5 triệu tấn trong 2 tháng đầu năm 2021, tăng hơn 4 triệu tấn so với cùng kỳ 2020.
Mặc dù xuất khẩu từ Australia và Brazil giảm song lượng quặng sắt lưu kho ở các cảng biển Trung Quốc cuối tháng 2 đã tăng lên 127,2 tiệu tấn, cao hơn 6 triệu tấn so với đầu năm 2021.
Ngành thép Trung Quốc đang bước vào mùa sản xuất, khi hoạt động xây dựng sắp vào giai đoạn cao điểm. Mặc dù kế hoạch tăng trưởng kinh tế nhiệm kỳ tiếp theo của Trung Quốc không đặt mục tiêu cao vào các ngành như thép, song kinh tế hồi phục nhanh sau đại dịch sẽ tiếp tục thu hút nhu cầu quặng sắt vào thị trường này.

Nguồn:VITIC/Reuters