menu search
Đóng menu
Đóng

Giá sắt thép thế giới hôm nay 12/6: Quặng sắt Đại Liên đạt mức cao nhất trong 3 tuần

10:53 12/06/2021

Giá quặng sắt Đại Liên đạt mức cao nhất trong 3 tuần, tăng trong tuần thứ hai
Giá quặng sắt SGX, giá giao ngay giữ ở mức trên $ 200/tấn
Dự trữ thép Trung Quốc tăng 2,7% so với tuần trước
 
Giá quặng sắt tăng lên mức cao nhất trong hơn 3 tuần do tồn kho thép phục hồi tại nước sản xuất hàng đầu Trung Quốc.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, Trung Quốc đóng cửa tăng 5,9% lên 1.247 CNY (195,19 USD)/tấn, sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 19/5 tại 1.248 CNY.
Giá quặng sắt tại Singapore tăng nhẹ 0,8% lên 209,8 USD/tấn, trong đầu phiên giá đã chạm 214 USD, cao nhất kể từ ngày 13/5.
Thép thanh tại Thượng Hải tăng 3,7%, trong khi thép cuộn cán nóng tăng 3,1%. Thép không gỉ tăng 4,5% trong bối cảnh dự trữ thấp ở Trung Quốc.
Trên sàn Đại Liên giá than luyện cốc tăng 5,5%, trong khi giá than cốc tăng 4,1%.

Theo công ty tư vấn Mysteel, dự trữ tại 184 nhà máy thép Trung Quốc ở mức 6,04 triệu tấn tính tới ngày 9/6, tăng 2,7% so với tuần trước.

Giá quặng sắt tăng lên mức cao nhất trong hơn 3 tuần do tồn kho thép phục hồi

 Lo ngại về nguồn cung quặng sắt toàn cầu khan hiếm cũng thúc đẩy việc tăng giá. Quặng sắt nhập khẩu tại Trung Quốc đang giao dịch ở mức cao nhất kể từ ngày 19/5 trên 200 USD/tấn.

Tồn kho quặng sắt ở các cảng Trung Quốc xuống mức thấp nhất 4 tháng trong tuần trước, trong khi lượng nhập khẩu hàng tuần giảm.
Mối lo gia tăng khi công ty Vale SA của Brazil đã dừng sản xuất tại hai mỏ và không sử dụng một con đập vì lý do an toàn. Điều này có thể tiếp tục cản trở đà phục hồi sản lượng quặng sắt ở Brazil.
Chính phủ Anh ngày 11/6 cho biết nước này dự định sẽ hủy bỏ khoảng một nửa hạn ngạch nhập khẩu thép áp dụng từ lúc vẫn còn là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) khi các hạn ngạch này hết hiệu lực vào ngày 30/6.
Brussels đã áp dụng hạn ngạch vào năm 2019, khi nước Anh vẫn còn là một thành viên của khối, nhằm bảo vệ thị trường nội khối trước những lô hàng thép ban đầu được xuất khẩu sang Mỹ nhưng sau đó lại được chuyển hướng sang châu Âu sau khi Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump áp thuế 25% đối với mặt hàng thép nhập khẩu.
Theo các quy định này, lượng thép nhập khẩu vượt hạn ngạch sẽ bị đánh thuế cao.

Lượng thép nhập khẩu vượt hạn ngạch tại Anh sẽ bị đánh thuế cao.

Anh đã đồng ý giữ nguyên các biện pháp bảo hộ này khi rời khỏi EU vào cuối năm ngoái. Nhưng giờ đây, London phải quyết định có tiếp tục áp dụng hay không sau khi các biện pháp này sẽ hết hạn vào ngày 30/6 tới.
EU vẫn chưa cho biết có gia hạn các biện pháp bảo hộ trên với các nước thành viên hay không.
Ngành thép của Vương quốc Anh đã cảnh báo chính phủ không hủy bỏ bất cứ biện pháp bảo hộ nào của EU vì nó có thể khiến hàng nhập khẩu ồ ạt đổ vào thị trường nước này.
Trong khi đó, Ban điều tra các biện pháp phòng vệ thương mại (TRID) cho rằng nên hủy quy định trên đối với 9 trong số 19 loại thép vì không có bằng chứng cho thấy hàng nhập khẩu tăng mạnh, những loại còn lại vẫn áp dụng hạn ngạch trong ba năm.
Đề xuất của TRID sẽ được trình lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để xin ý kiến, sau đó Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liz Truss sẽ đưa ra quyết định cuối cùng.
TRID là một cơ quan tư vấn cho Chính phủ Anh được thành lập sau khi nước Anh rời EU để đưa ra những biện pháp nhằm hạn chế hàng nhập khẩu khi có hiện tượng bán phá giá.
Anh sản xuất khoảng 7 triệu tấn thép thô mỗi năm và ngành này đang tạo việc làm cho khoảng 34.000 người với doanh thu khoảng 2 tỷ USD mỗi năm.

Nguồn:VITIC/Reuters