Giá quặng sắt và thép của Trung Quốc giảm do bị bán tháo sau khi chính phủ yêu cầu giám sát chặt chẽ hơn với các thị trường hàng hóa để kiềm chế giá lên quá cao, gây ra đợt điều chỉnh trên diện rộng.
Theo đó, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9 được giao dịch trên sàn hàng hóa Đại Liên giảm 5,7% xuống 1.142,5 CNY (tương đương 177,4 USD)/tấn, trong phiên trước đó giá quặng sắt có lúc xuống mức thấp nhất trong 3 tuần với mức 1.102 CNY/tấn.
Hợp đồng quặng sắt này đã giảm 16% kể từ mức kỷ lục 1.358 CNY/tấn đã đạt được trong ngày 12/5.
Giá quặng sắt kỳ hạn giao tháng 6/2021 tại Singapore giảm 3% xuống 200 USD/tấn. Giá đã chạm mức kỷ lục 233,75 USD/tấn trong ngày 12/5.
Trung Quốc, nhà sản xuất các sản phẩm thép lớn nhất thế giới đã tăng mạnh tiêu thụ quặng sắt và các thành phần sản xuất thép khác trong khi tăng sản lượng để sản xuất các thiết bị gia dụng và vật liệu xây dựng.
Trước đó, chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng cường quản lý nguồn cung và nhu cầu hàng hóa để kiềm chế việc tăng giá bất hợp lý và bảo vệ người tiêu dùng.
Giá thép tiếp tục chuỗi giảm giá xuống mức thấp nhất trong 5 tuần, giảm từ mức cao kỷ lục đạt được trong tuần trước.
Giá thép thanh tại Thượng Hải giảm 4,7% trong khi thép cuộn cán nóng giảm 4,5%. Thép không gỉ giảm 2,8%.
Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng cường quản lý nguồn cung và nhu cầu hàng hóa nguồn: Reuters
Giá các nguyên liệu công nghiệp chủ chốt giao dịch trên thị trường phái sinh Trung Quốc đồng loạt giảm trong ngày 20/5 sau khi Chính phủ nước này công bố tăng cường các biện pháp hạn chế tình trạng giá nguyên liệu tăng cao – có thể cản trở sự hồi phục của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Không chỉ sắt thép, giá các nguyên liệu công nghiệp khác như đồng, nhôm…cũng đang giảm giá mạnh với giá than luyện cốc phiên đóng cửa giảm 8%, còn giá than cốc giảm 4,8%.
Với vị thế là nhà công xưởng sản xuất và thị trường xây dựng lớn nhất thế giới, Trung Quốc đã trở thành động lực chính của thị trường kim loại toàn cầu trong suốt hơn một thập kỷ qua.
Nền kinh tế nước này đầu năm 2020 đã bị tổn thương nặng nề do đại dịch Covid-19, và nay vẫn đang hồi phục một cách khó khăn do các nền kinh tế đối tác trên thế giới chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng sức khỏe này.
GDP của Trung Quốc quý I/2021 đã tăng 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn:VITIC/Reuters