Giá thép thanh vằn tại cảng Thiên Tân, Trung Quốc ngày 22/6 ở mức 4.795 nhân dân tệ/tấn (742,4 USD/tấn), giảm 79 nhân dân tệ/tấn (12,2 USD)/tấn), tương đương với 1,6% so với ngày 21/6, giảm 1,2% so với tuần trước và 3,3% so với tháng trước.
Diễn biến giá thép thanh vằn. Nguồn: Trading Economics
Giá thép tại Trung Quốc giảm sau động thái của chính phủ Trung Quốc về việc điều tra đầu cơ quặng sắt, nguyên liệu chính trong quá trình sản xuất thép. Giá quặng giảm ngay sau động thái trên của Trung Quốc.
Cụ thể, giá quặng sắt kỳ hạn trên sàn giao dịch Đại Liên giảm 9% ngày 21/6, xuống còn 173 USD/tấn.
Tại các khu chợ, giá thép giảm khoảng 5%, xuống còn 206,55 USD/tấn, theo thông tin từ S&P Global Platts.
Tại cảng Thiên Tân, giá quặng 62% Fe ngày 21/6 ở mức 212,75 USD/tấn, giảm 0,68% so với ngày 20/6, giảm 0,61% so với tuần trước.
Giá quặng giảm trong ngày 21/6. Nguồn: Trading Economics
Trong tuyên bố đưa ra ngày 21/6, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, cơ quan lập chiến lược kinh tế hàng đầu của nước này, cho biết họ sẽ điều tra các hoạt động đầu cơ trên thị trường quặng sắt và “trừng phạt nghiêm khắc” các hành vi sai phạm.
Động thái này đánh dấu bước đi mới nhất của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc nhằm hạ nhiệt hàng hóa tăng giá cao trong thời gian qua. Hàng hóa tăng giá đẩy chi phí tại các nhà máy sản xuất của Trung Quốc lên cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và đe dọa siết chặt lợi nhuận của ngành thép.
Tuần trước, Trung Quốc đã cam kết giải phóng kho dự trữ kim loại công nghiệp để giải quyết lo ngại về tình trạng thiếu hụt và giá cao. Trung Quốc là nước tiêu thụ quặng sắt đường biển lớn nhất thế giới, khoảng 70% sản lượng toàn cầu.
Trong năm 2020, Trung Quốc là nước có sản lượng quặng lớn thứ 3 thế giới với 340 triệu tấn, đứng sau Australia (900 triệu tấn) và Brazil (400 triệu tấn). Các nước đứng thứ 4 và thứ 5 lần lượt là Ấn Độ (230 triệu tấn) và Nga (95 triệu tấn).
Nguồn:ndh.vn