Giá vàng trong nước tăng nhẹ
Vào lúc 16h30, giá vàng Doji niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 67,60 triệu đồng/lượng - bán ra 68,20 triệu đồng/lượng (tăng 50.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều qua cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng Phú Quý - SJC niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 67,60 triệu đồng/lượng (tăng 50.000 đồng/lượng) - bán ra 68,17 triệu đồng/lượng (tăng 20.000 đồng/lượng).
Giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 67,65 triệu đồng/lượng - bán ra 68,27 triệu đồng/lượng (tăng 50.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng thế giới 1.727 – 1.737 USD/ounce
Giá vàng thế giới ngày 12/7 giao dịch quanh ngưỡng 1.727 - 1.737 USD/ounce, giảm 10 USD/ounce so với hôm qua.
Giá vàng hôm nay giảm do sự bứt phá của đồng USD được thúc đẩy bởi kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ vào cuộc họp cuối tháng 7. Rạng sáng hôm nay, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đã tăng 1,13% lên mức 108,21, mức cao nhất trong 2 thập kỷ qua.
Thời gian gần đây, bất chấp rủi ro suy thoái, các nhà đầu tư đã lựa chọn đồng USD thay vì vàng, đẩy đồng tiền này lên mức cao nhất trong 2 thập kỷ và làm xói mòn sức hút của kim loại quý đối với những người mua ở nước ngoài. Ngoài ra, giá dầu thô giảm cũng là một yếu tố bất lợi đối với thị trường kim loại quý. Gần đây, giá dầu thô “hạ nhiệt” khi những lo ngại về suy thoái kinh tế gia tăng. “Vàng đen” cũng bị tác động bởi nguy cơ giảm cầu từ nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới Trung Quốc với khả năng thành phố Thượng Hải của nước này có thể áp các biện pháp phong tỏa mới để kiềm chế sự lây lan của Covid-19.
Hiện tại, các thị trường đang “nín thở” đón chờ báo cáo lạm phát của Mỹ trong tháng 6. Báo cáo này được cho là sẽ quyết định nhiều tới việc Fed tăng lãi suất nhanh và mạnh tới mức nào để chống lại sự leo thang của giá cả. Giới phân tích dự báo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của Mỹ sẽ tăng mạnh hơn mức tăng 8,6% được ghi nhận trong tháng 5. Một con số gây bất ngờ có thể dẫn tới xáo trộn mạnh trên thị trường tài chính Mỹ, thậm chí là toàn cầu.
Ngoài báo cáo CPI, giới đầu tư tuần này còn dành sự quan tâm cho báo cáo chỉ số giá sản xuất (PPI) dự kiến công bố vào ngày thứ 5 và báo cáo niềm tin người tiêu dùng tháng 7 do Đại học Michigan thực hiện. Báo cáo niềm tin tiêu dùng bao gồm kỳ vọng của người tiêu dùng về lạm phát trong tương lai - một thông số quan trọng được Fed tính đến khi hoạch định chính sách tiền tệ.
Dữ liệu lạm phát của Mỹ chuẩn bị công bố sau khi Bộ Lao động nước này hôm thứ 6 tuần trước đưa ra một báo cáo khả quan hơn dự báo về thị trường lao động. Trong tháng 6, khu vực phi nông nghiệp của Mỹ có thêm 372.000 việc làm mới, nhiều hơn 120.000 công việc so với dự báo. Các nhà phân tích nói rằng báo cáo này củng cố kỳ vọng Fed nâng lãi suất 75 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 7. Một câu hỏi quan trọng được đặt ra lúc này là lạm phát bao giờ sẽ đạt đỉnh, vì tốc độ tăng giá vẫn đang tăng lên và kéo dài hơn so với những gì Fed dự kiến ban đầu.
Nguồn:Vinanet/VITIC