menu search
Đóng menu
Đóng

Giá vàng chiều ngày 14/7/2021 đồng loạt tăng

16:47 14/07/2021

Hôm nay, giá vàng thế giới tiếp tục tăng do CPI của Mỹ tăng, giá vàng trong nước cũng tăng so với hôm qua , SJC lên mức 57,42 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trong nước tăng
Vào lúc 16h giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 56,65 triệu đồng/lượng - bán ra 57,42 triệu đồng/lượng (tăng 50.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều hôm qua cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng Doji niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 56,75 triệu đồng/lượng (không đổi) - bán ra 57,35 triệu đồng/lượng (tăng 50.000 đồng/lượng).
Tập đoàn PNJ - SJC niêm yết giá vàng SJC tại Hà Nội ở mức mua vào 56,65 triệu đồng/lượng - bán ra 57,40 triệu đồng/lượng (tăng 50.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng Phú Quý - SJC niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 56,92 triệu đồng/lượng (tăng 70.000 đồng/lượng ) - bán ra 57,35 triệu đồng/lượng (tăng 50.000 đồng/lượng).
Giá vàng chiều ngày 14/7/2021 đồng loạt tăng
Giá vàng thế giới 1.807 - 1.815 USD/ounce
Giá vàng thế giới hôm nay giao dịch quanh ngưỡng 1.807 - 1.815 USD/ounce, tăng 1- 6 USD/ounce so với hôm nay.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của Mỹ vừa công bố cho thấy một mức tăng vượt mọi dự báo - tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận mức tăng mạnh nhất gần 13 năm. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 8/2008, ngay trước khi khủng hoảng tài chính diễn ra.
Nếu loại đi giá thực phẩm và năng lượng, CPI lõi tăng 4,5%, mạnh nhất kể từ tháng 9/1991, vượt dự báo tăng 3,8%. So với tháng 5, CPI và CPI lõi tăng 0,9% so với dự báo 0,5%. Trước đó, giới phân tích chỉ đưa ra dự báo CPI tăng khoảng 5% và lạm phát lõi dự kiến sẽ tăng lên 4%.
Nhà phân tích Carsten Fritsch của Commerzbank cũng đã đưa ra dự báo về khả năng giá tiêu dùng tháng 6 một lần nữa tăng mạnh so với tháng trước. "Số liệu này một lần nữa có thể khiến giới đầu tư, kinh doanh tập trung nhiều hơn vào vai trò phòng ngừa lạm phát của vàng. Tất nhiên điều này ít nhất sẽ đúng trong trường hợp giả định rằng, kỳ vọng Fed không cùng lúc tăng lãi suất." Trong khi đó, Sarah House, kinh tế gia cấp cao về doanh nghiệp và ngân hàng đầu tư tại Wells Fargo cho rằng, áp lực lạm phát vẫn đáng kể hơn ước tính và còn song hành với thị trường trong giai đoạn lâu hơn”.
Lạm phát tăng do nhiều yếu tố trong nền kinh tế, như nút thắt cổ chai trong các chuỗi cung ứng, lực cầu cao bất thường khi đại dịch Covid-19 hạ nhiệt và nền so sánh thấp.
Một báo cáo riêng biệt khác cho thấy, CPI tăng đồng nghĩa lương thực nhận của người lao động giảm. Thu nhập bình quân theo giờ thực tế giảm 0,5% trong tháng 6 bởi mức tăng 0,3% không đủ bù đắp cho CPI.
Các nhà lập chính sách tại Fed và Nhà Trắng cho rằng, áp lực lạm phát hiện tại sẽ dần suy giảm. Ngân hàng trung ương Mỹ thừa nhận lạm phát mạnh hơn và có vẻ kéo dài hơn họ dự báo. Chủ tịch Fed Jerome Powell khả năng cao phải đưa ra quan điểm về lạm phát khi phát biểu trước các ủy ban thuộc Hạ viện, Thượng viện trong hai ngày 14 và 15/7. Ông Powell trước đó cho rằng, áp lực lạm phát chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, các chiến lược gia tại TD Securities lại đưa ra cảnh báo, chỉ số CPI cao hơn đáng kể từ tháng 6 có thể châm ngòi cho những lo ngại đang giảm dần của thị trường, vốn sẽ đè nặng lên vàng.
"Vấn đề là xu hướng tăng trong báo cáo CPI lần này có thể tạo thêm niềm tin để Fed tăng lãi suất sớm hơn, thay vì củng cố lợi suất thực tế thấp hơn... Nhưng chúng tôi cũng kỳ vọng, lạm phát sẽ chỉ là tạm thời, giống như những nhận định ôn hòa gần đây của Fed. Trong kịch bản này, đây sẽ là "mảnh đất màu mỡ" để giá có thể tăng cao hơn", các chiến lược gia của TD Securities chia sẻ.
Giám đốc kinh tế quốc tế James Knightley của ING cho rằng, lạm phát tăng nhanh có thể làm gia tăng các cuộc tranh luận gay gắt của Fed. Với các vấn đề về nguồn cung lao động, sự gián đoạn chuỗi cung ứng làm tăng chi phí, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy, các doanh nghiệp đang đẩy lạm phát cho người tiêu dùng, do môi trường nhu cầu đang rất mạnh mẽ.
Tuy nhiên, vẫn có những người như chuyên gia Carsten Fritsch tin tưởng, con số lạm phát cao hơn dự kiến sẽ không nhất thiết chuyển thành một đợt tăng lãi suất sớm hơn dự kiến."Fed đã nhiều lần nói rõ, họ coi tỷ lệ lạm phát cao chỉ là nhất thời và chưa có ý định điều chỉnh chính sách. Và hiện kỳ vọng lạm phát trên thị trường cho thấy thị trường có chung quan điểm này".
Nhiều nhà quan sát thị trường đã đổ lỗi cho xu hướng giảm giá chậm chạp của vàng là do thiếu động lực mới. Nhưng cũng có người cho rằng, đó chỉ là những ngày tin tức yên tĩnh hơn để bắt đầu tuần giao dịch, trong đó, các nhà đầu tư đang chú ý nhiều hơn vào các thị trường khác để tìm hướng phát triển, trong khi vẫn đang chờ đợi những động lực cơ bản mới.
Trong khi đó, với nhiều biến thể Covid-19 đang hoành hành khắp thế giới, sự phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn chưa chắc chắn, tình hình sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu trú ẩn an toàn đối với kim loại quý này.
Giá vàng tăng mạnh sau khi Bộ Lao động Mỹ cho biết, lạm phát trong tháng 6 tăng 0,9% sau khi đã tăng 0,6% trong tháng 5. Đây là mức tăng mạnh, cao hơn nhiều so với dự báo 0,5% của các nhà kinh tế đưa ra trước đó. Cũng theo Bộ Lao động Mỹ, đây là mức tăng theo tháng mạnh nhất kể từ tháng 6/2008 khi mà lạm phát tăng 1%.
Lạm phát lõi tiếp tục chứng kiến mức tăng chưa có tiền lệ. Theo đó, lạm phát tăng tới 4,5% trong vòng 1 năm qua. Đây là mức tăng theo năm cao nhất kể từ tháng 11/1991. Lạm phát tăng cao đã ngay lập tức kéo giá vàng đi lên cho dù đồng USD cũng tăng so với các đồng tiền khác.
Thế giới đang đối mặt với một đợt bùng phát dịch Covid-19 với chủng virus mới. Những bất ổn khiến cả vàng và USD tăng giá. Vàng tăng ngay cả khi người dân nhiều nước phải bán vàng ra để chi tiêu khi thu giảm giảm vì dịch. Lạm phát tăng cao cũng khiến lợi tức thực trái phiếu chính phủ Mỹ thấp hơn. Trong tuần trước, lợi tức đã xuống -1% lần đầu tiên kể từ tháng 2. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cũng lưu ý rằng vàng có thể gặp khó trong ngắn hạn bởi lạm phát tăng có thể khiến Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phải tăng lãi suất sớm hơn so với kỳ vọng. Trong cuộc họp tháng 6, Fed đã phát đi tín hiệu có thể tăng lãi suất vài lần trong năm 2023, thay vì năm 2024 như dự kiến trước đó.
Giá hàng hóa dịch vụ tiếp tục tăng mạnh. Nhiều báo cáo lo ngại về tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trong khi nhu cầu vẫn đang gia tăng ở nhiều nước trên thế giới. Dù vậy, trên Kitco, nhiều nhà kinh tế vẫn kỳ vọng hiện tượng lạm phát tăng cao chỉ là tạm thời.

Nguồn:VITIC