menu search
Đóng menu
Đóng

Giá vàng ngày 14/4/2022 thế giới tăng, trong nước giảm

14:33 14/04/2022

Giá vàng thế giới hôm nay tiếp tục lên cao cho dù đồng USD cũng tăng mạnh so với các đồng tiền khác; ngược lại, vàng trong nước giảm, SJC xuống mức 69,72 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trong nước giảm
Vào lúc 14h, giá vàng Doji niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 69 triệu đồng/lượng (giảm 150.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều hôm qua) - bán ra 69,65 triệu đồng/lượng (giảm 100.000 đồng/lượng).
Giá vàng Phú Quý - SJC niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 69,10 triệu đồng/lượng (giảm 100.000 đồng/lượng) - bán ra 69,67 triệu đồng/lượng (giảm 130.000 đồng/lượng).
Giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 69,10 triệu đồng/lượng - bán ra 69,72 triệu đồng/lượng (giảm 100.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng thế giới 1.972 - 1.980 USD/ounce
Giá vàng thế giới ngày 14/4 giao dịch quanh ngưỡng 1.972 – 1.980 USD/ounce, tăng 12 USD/ounce so với hôm qua.
Giá vàng trên thị trường quốc tế tiếp tục lên cao cho dù đồng USD cũng tăng mạnh so với các đồng tiền khác. Lạm phát cao kỷ lục khiến dòng tiền tìm đến các kênh đầu tư an toàn.
Vàng tiếp tục tăng giá sau khi Mỹ công bố thêm thông tin cho thấy tình hình giá cả leo thang. Trong phiên liền trước, Mỹ đã công bố chỉ số lạm phát trong tháng 3 tăng lên mức cao kỷ lục trong 40 năm: 8,5% do giá gas tăng mạnh.
Chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tháng 3 cũng tăng 1,4% so với tháng 2, cao hơn so với dự báo mức tăng 1,1%. So với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số PPI tăng 11,2%, một mức tăng cao kỷ lục.
Thị trường chứng khoán toàn cầu biến động trái chiều, tăng giảm không rõ ràng.
Vàng tăng giá còn do mặt hàng có quan hệ mật thiết với vàng là dầu tăng trở lại, lên trên ngưỡng 100 USD/thùng.
Vàng tăng giá và hướng tới ngưỡng cản quan trọng 2.000 USD/ounce. Mặt hàng này được hỗ trợ mạnh ở ngưỡng 1.915 USD/ounce. Trước mắt, vàng cần vượt qua mức đỉnh trong phiên liền trước là 1.984,8 USD/ounce.
Mỹ cảnh báo xung đột Nga-Ukraine sẽ kéo dài và khốc liệt hơn. Đây là yếu tố hỗ trợ cho giá vàng đi lên cho dù USD lên giá theo những tín hiệu thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ vừa đưa ra dự báo giá vàng sẽ vượt quá ngưỡng 2.500 USD/ounce trong năm nay. Tuy nhiên, có cái nhìn ít lạc quan hơn, Giám đốc công ty tư vấn AirGuide Michael Langford nói: “Trong môi trường lãi suất cao, vàng sẽ ít được ưu ái hơn so với các loại tài sản khác. Tôi thấy vàng có thể tăng giá trong ngắn hạn, nhưng trong trung và dài hạn có nhiều khả năng vàng sẽ đi xuống”.
Trong một bản tin đêm qua, Cơ quan Năng lượng Quốc tế đã cắt giảm nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2022 thêm 260.000 thùng/ngày xuống còn 99,4 triệu thùng/ngày. Diễn biến này được cho chủ yếu là do ảnh hưởng của Covid-19 tại Trung Quốc.
Tại Trung Quốc, báo cáo kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 3 của nước này cho thấy xuất khẩu tăng 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái và phù hợp với kỳ vọng của thị trường; Trong khi đó, nhập khẩu lại giảm 0,1%, trong khi được dự báo sẽ tăng 8,0%. Tốc độ nhập khẩu suy yếu cũng có thể là do các đợt phong toả tại các thành phố lớn của Trung Quốc.
Nhận định xu hướng: Đêm qua, giá dầu thô kỳ hạn trên sàn Nymex lại tăng lên trên 100 USD/thùng khi được giao dịch quanh 101,50 USD/thùng. Trong khi đó, chỉ số đô la Mỹ ổn định mức cao nhất hai năm, lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng vẫn quy trì mức cao 2,76%. Về mặt kỹ thuật, các nhà đầu cơ giá vàng kỳ hạn tháng 6 có lợi thế kỹ thuật tổng thể trong ngắn hạn. Mục tiêu tăng giá tiếp theo là tạo ra giá đóng cửa trên mức kháng cự vững chắc 2.000 USD/ounce. Ngược lại, mục tiêu giá giảm trong ngắn hạn tiếp theo là đẩy giá vàng xuống dưới mức hỗ trợ kỹ thuật vững chắc 1.915 USD/ounce.

Nguồn:Vinanet/VITIC