Giá vàng trong nước tăng
Vào lúc 10h, giá vàng Doji niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 68,45 triệu đồng/lượng (tăng 250.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều hôm qua) - bán ra 69,25 triệu đồng/lượng (tăng 150.000 đồng/lượng).
Giá vàng Phú Quý - SJC niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 68,55 triệu đồng/lượng - bán ra 69,25 triệu đồng/lượng (không đổi cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 68,55 triệu đồng/lượng - bán ra 69,27 triệu đồng/lượng (tăng 150.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng thế giới 1.918 - 1.926 USD/ounce
Giá vàng thế giới ngày 30/3 giao dịch quanh ngưỡng 1.918 - 1.926 USD/ounce, giảm 3 - 6 USD/ounce so với hôm qua.
Các nhà phân tích đang cảnh báo các thương nhân và nhà đầu tư rằng kim loại quý có khả năng còn giảm trong thời gian tới, do nhu cầu trú ẩn an toàn của kim loại quý đang bị ảnh hưởng đáng kể khi Nga và Ukraine bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình mới tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Theo báo cáo, Ukraine đã đề xuất áp dụng quy chế trung lập để đổi lấy sự đảm bảo an ninh. Đồng thời, Nga cũng tuyên bố sẽ giảm "đáng kể" các hoạt động quân sự gần Kiev và Chernihiv.
Giá vàng tiếp tục đi xuống còn do cùng lúc chịu áp lực từ nhiều yếu tố: giá dầu thô giảm mạnh và giao dịch ở mức 103 USD/thùng - hệ quả từ việc Trung Quốc công bố phong tỏa Thượng Hải nhằm đối phó sự lây lan của Covid-19; Thị trường vàng còn chịu tác động lớn khi lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ tăng đột biến và đồng USD mạnh hơn. Theo đó, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đã tăng lên mức cao nhất trong gần 3 năm qua và chốt ở mức 2,452%. Trong ngắn hạn, lợi suất tăng có thể tiếp tục là chất xúc tác gây giảm giá mạnh nhất cho vàng.
Mặc dù có diễn biến khá tiêu cực nhưng dường như việc vàng giảm giá không làm giảm đi sự lạc quan của các nhà đầu cơ trên thị trường kim loại quý. Nhiều ý kiến cho rằng, đây chỉ là một trong những đợt điều chỉnh giảm như thường lệ trước xu hướng tăng trong ngắn hạn của vàng.
Bất chấp áp lực bán ra mạnh mẽ, Daniel Briesemann, nhà phân tích kim loại quý tại Commerzbank cho rằng, đà tăng của vàng vẫn chưa kết thúc, đặc biệt nếu Nga và Ukraine không thể đồng ý ngừng bắn.
Cùng với việc nhu cầu trú ẩn an toàn giảm dần đối với vàng, một số nhà phân tích cũng đang theo dõi chặt chẽ đồng USD và lãi suất kho bạc.
Trước đó, Giám đốc công ty tư vấn doanh nghiệp AirGuide (Singapore) Michael Langford dự đoán, nếu trong tháng 3, Mỹ tạo ra khoảng 500.000 việc làm mới trở lên, khả năng cao giá vàng sẽ tiếp tục giảm xuống trong ngắn hạn, vì điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đẩy nhanh lộ trình nâng lãi suất. Tuy nhiên, dữ liệu kinh tế tích cực của Mỹ lại có thể cung cấp động lực mới cho đồng bạc xanh và đẩy lợi suất trái phiếu cao hơn. Các thị trường đang chờ đợi ngày 1/4/2022 để công bố báo cáo bảng lương phi nông nghiệp tháng 3/2022. Nhà phân tích nghiên cứu cấp cao tại FXTM Lukman Otunuga, nhận định, "đây có thể là một tuần khó khăn đối với vàng khi các cuộc đàm phán hòa bình được gia hạn làm dấy lên tâm lý thích rủi ro. Vị chuyên gia này cho rằng, trong môi trường hiện tại, giá vàng có thể giảm xuống ngưỡng hỗ trợ chính tiếp theo là 1.875 USD/ounce.
Trong khi đó, Justin McQueen, chiến lược gia thị trường tại DailyFX.com, cảnh báo, nếu mức hỗ trợ 1.880 USD/ounce không giữ vững, giá có thể giảm xuống 1.830 USD/ounce.
Các nhà phân tích cũng lưu ý rằng, vàng đang suy yếu kỹ thuật do giá đã không thể giữ trên 1.950 USD/ounce vào đầu tuần. Ole Hansen, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Saxo, nói rằng sự đột phá thất bại là "một sự thất vọng đáng kể. Toàn bộ cuộc "biểu tình" đột phá của vàng được thúc đẩy bởi xung đột Nga-Ukraine hiện đang bị đe dọa, nếu khu vực 1.890 - 1.900 USD/ounce không giữ được.
Nguồn:Vinanet/VITIC