Cụ thể, dự trữ vàng của Trung Quốc đạt 73,7 triệu ounce vào cuối tháng 3/2025, tăng nhẹ từ 73,61 triệu ounce vào cuối tháng 2/2025. Tính theo giá trị, lượng vàng này tương đương 229,6 tỷ USD, tăng so với 208,64 tỷ USD tháng trước đó.
Chiến lược gia thị trường của IG, ông Yeap Jun Rong, nhận định: “Nhu cầu vàng mạnh mẽ từ các ngân hàng trung ương là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy giá vàng tăng. Việc Trung Quốc tiếp tục mua vào trong tháng thứ năm liên tiếp cho thấy sự hỗ trợ đối với giá vàng”
Ông cũng cho rằng trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng, việc các ngân hàng trung ương tiếp tục đa dạng hóa dự trữ bằng cách tăng mua vàng nhiều khả năng sẽ duy trì xu hướng này trong thời gian tới.
Vàng, vốn được xem là tài sản trú ẩn an toàn trước bất ổn chính trị và kinh tế, đã đạt mức cao kỷ lục trong năm nay, nhờ lo ngại xoay quanh chính sách thuế quan, khả năng cắt giảm lãi suất, xung đột địa chính trị và xu hướng mua vàng mạnh mẽ từ các ngân hàng trung ương.
Ngày 4/4, Trung Quốc - nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới - đã tung ra hàng loạt biện pháp đáp trả các mức thuế mà Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt, khiến căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục gia twang.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng chính các ngân hàng trung ương sẽ đóng vai trò duy trì đà tăng mạnh mẽ của giá vàng trong năm nay, khi họ đẩy mạnh đa dạng hóa tài sản dự trữ để giảm sự phụ thuộc vào đồng USD, trong bối cảnh chính sách của ông Trump tạo ra nhiều rủi ro khó lường.
Trước đó, vào tháng 5/2024, PBOC từng tạm dừng chuỗi mua vàng kéo dài 18 tháng, khiến nhu cầu đầu tư vào vàng trong nước chững lại. Tuy nhiên, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã nối lại hoạt động mua vàng vào tháng 11/2024.
Nguồn:Vinanet/VITIC/Reuters