menu search
Đóng menu
Đóng

Quặng sắt Đại Liên gặp khó khăn tìm hướng đi sau 3 ngày trượt giá

17:02 07/04/2023

Trong phiên giao dịch ngày 7/4/2023, giá quặng sắt tại Đại Liên gặp khó khăn trong việc xác định phương hướng sau ba ngày giảm giá, do dự trữ tại cảng giảm và sản lượng kim loại nóng có thể tăng, trong khi các cuộc thảo luận về cuộc họp của nhà hoạch định nhà nước về chính sách cắt giảm thép thô trong năm nay gây áp lực trên thị trường.
 
Dữ liệu từ công ty tư vấn Mysteel cho thấy, tồn kho quặng sắt tại cảng lớn trên khắp Trung Quốc đã giảm 7,5% xuống 131,53 triệu tấn trong tuần tính đến ngày 6/4, đánh dấu tuần giảm thứ sáu liên tiếp.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA), sản lượng kim loại hàng ngày dự kiến sẽ tăng 1,54% lên 2,45 triệu tấn trong giai đoạn 21-31/3 so với 10 ngày trước đó.
Trong khi đó, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) sẽ tổ chức một cuộc họp vào thứ Sáu để thảo luận chi tiết về chính sách cắt giảm thép thô trong năm nay.
Giá quặng sắt giao tháng 9 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên tăng hơn 0,19% lên mức 796 CNY(tương đương 115,72 USD)/tấn, sau khi giảm 4,4% trong ba phiên giao dịch trước đó của tuần này.
Bên cạnh đó, giá các nguyên liệu sản xuất thép khác bao gồm than luyện cốc và than cốc có diễn biến trái chiều, với giá than cốc tăng 1,14%, trong khi than luyện cốc giảm 0,18%.
Theo các nhà phân tích, giá thép kỳ hạn ghi nhận một số mức tăng, một phần được thúc đẩy bởi hy vọng nhà hoạch định nhà nước sẽ hoàn thiện chính sách giảm sản lượng thép.
Trên sàn giao dịch Thượng Hải, giá thép cây tăng 1,11% lên 3.994 CNY/tấn, giá thép cuộn tăng 1,14%, giá dây thép cuộn tăng 0,44% và giá thép không gỉ tăng 1,14%.
Sản lượng các sản phẩm thép xây dựng, bao gồm thép cây và thép cuộn trong tuần tính đến ngày 6/4 giảm 1% so với tuần trước đó xuống 4,23 triệu tấn trong khi nhu cầu đối với cả hai loại này giảm 6,7% so với tuần trước xuống 4,36 triệu tấn, theo dữ liệu từ công ty tư vấn Mysteel.
Kết phiên giao dịch hôm 6/4, hợp đồng tương lai quặng sắt tháng 9 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) giảm 1% xuống mức thấp nhất trong hai tuần là 793 CNY(tương đương 115,35 USD)/tấn, sau khi giảm 2,7% trong hai ngày đầu tiên của tuần do cơ quan quản lý nhà nước Trung Quốc có động thái siết chặt thị trường.
Theo đó, hôm 4/4, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) cho biết họ sẽ tăng cường giám sát thị trường quặng sắt và kêu gọi các công ty thương mại mặt hàng này không cố tình phóng đại việc tăng giá. Thay vào đó, các công ty nên tăng cường cảnh báo rủi ro thị trường cho các nhà đầu tư. 
Các công ty tham dự cuộc họp cho biết giá quặng sắt có khả năng giảm, đặc biệt là trong nửa cuối năm nay do nguồn cung toàn cầu và nguồn cung phế liệu thép trong nước tăng dần.
Tương tự với sàn Đại Liên, trên Sàn giao dịch Singapore, giá quặng sắt giao trong tháng 5 giảm 0,47 % xuống mức thấp nhất trong hai tuần là 117,3 USD/tấn. Như vậy, trong hai tuần qua, giá quặng sắt giảm 6,4%.
"Điều quan trọng nhất là nhu cầu thực tế đối với thép tại thời điểm này. Nếu nhu cầu không thể tăng theo kỳ vọng, giá quặng sắt có thể chịu thêm áp lực", một nhà phân tích quặng sắt có trụ sở tại Thượng Hải cho biết.
Nhu cầu thép yếu cũng che mờ giá tương lai của các nguyên liệu thô sản xuất thép khác , bao gồm than luyện cốc và than cốc. 
Các nhà phân tích tại Everbright Futures cho biết: “Nhu cầu thép gần đây tương đối yếu trong khi sản lượng vẫn ở mức cao, khiến giá mặt hàng này chịu áp lực giảm”.

Nguồn:VINANET/VITIC/Reuters