menu search
Đóng menu
Đóng

Thép Việt giành lại thị phần

13:57 05/01/2017

Mặc dù, thị trường thép Việt phải đối mặt với không ít cạnh tranh nhưng sản lượng sản xuất và tiêu thụ vẫn có những bước tiến khá lớn, tạo tiền đề cho việc quy hoạch phát triển ngành thép bền vững trong thời gian tới.

Trong thuận - Ngoài khó

Những tháng đầu năm 2016, Quyết định số 862/QĐ-BCT của Bộ Công Thương về việc áp thuế tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam thực sự là một “cú huých” cho thị trường thép Việt.

Ngay sau quyết định của Bộ Công Thương được công bố, quý I/2016, con số sản lượng và tiêu thụ của ngành thép đã có sự thay đổi chóng mặt. Các thành viên của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã sản xuất được gần 374 nghìn tấn ống thép, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm trước - một trong những “đỉnh cao” của ngành thép. Tính chung trong cả quý I/2016, tổng lượng thép xây dựng được tiêu thụ tại thị trường nội địa đạt 2 triệu tấn, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2015.

“Việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đã giúp ngăn chặn làn sóng phôi thép và thép ngoại giá rẻ tràn vào, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các nhà sản xuất thép trong nước” - ông Nguyễn Văn Sưa - Phó Chủ tịch VSA - cho biết.

Nhờ đó, nửa đầu năm 2016, hầu hết các doanh nghiệp (DN) thép đã đạt được những kết quả ấn tượng như: Công ty Thép Dana Ý lãi gần gấp 5 lần cùng kỳ năm ngoái; Thép Hòa Phát đạt lợi nhuận sau thuế 3.000 tỷ đồng…

Đà tăng trưởng tiếp tục được các DN thép duy trì cho đến cuối năm. Báo cáo của VSA cho thấy, tính chung 11 tháng đầu năm 2016, tổng sản lượng các mặt hàng thép tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm 2015, lên 15,5 triệu tấn, doanh thu tăng hơn 27%; xuất khẩu thép đạt 2,46 triệu tấn, tăng hơn 46% ...

Tuy nhiên, năm 2016, các DN thép cũng gặp không ít khó khăn khi liên tục phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá ở thị trường ngoài nước.

Đơn cử, tháng 9/2016, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã nhận đơn yêu cầu điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá (AD) và thuế chống trợ cấp (CVD) đối với sản phẩm thép các-bon chống ăn mòn và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường này. Tính đến nay, Việt Nam đã bị Hoa Kỳ điều tra 11 vụ đối với sản phẩm thép (5 vụ chống bán phá giá, 3 vụ chống trợ cấp, 3 vụ chống lẩn tránh thuế).

Chưa hết, Ủy ban Chống bán phá giá của Úc đã quyết định điều tra đối với sản phẩm thép mạ hợp kim nhập khẩu từ Việt Nam, Ấn Độ và Malaysia về thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp.

Việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đã giúp ngăn chặn làn sóng phôi thép và thép ngoại giá rẻ tràn vào, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các nhà sản xuất thép trong nước.

Cho dù đây đều không phải là những thị trường xuất khẩu chính của thép Việt, nhưng các vụ kiện đã, đang và có thể diễn ra sẽ khiến thương hiệu thép Việt bị ảnh hưởng không nhỏ.

Trước tình hình đó, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cùng với VSA đã tích cực hỗ trợ DN trong việc cung cấp đầy đủ các hồ sơ, chứng minh chất lượng, xuất xứ sản phẩm thép Việt không có gian lận thương mại, không bán phá giá, không có trợ cấp từ Chính phủ…

Tương lai khả quan

Ông Hồ Nghĩa Dũng - Chủ tịch VSA - nhìn nhận: Để ngành thép phát triển một cách toàn diện, việc bảo vệ bằng các hàng rào kỹ thuật, thương mại và phòng vệ chỉ là ngắn hạn, quan trọng nhất là phải nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm của DN nội. Các DN cần nhận thức rõ được sự mất cân đối của thị trường, từ đó hạn chế không đầu tư vào các sản phẩm thép trong nước đang dư thừa, đặc biệt phải thực hiện theo đúng quy hoạch.

Bộ Công Thương đã có dự thảo Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 với mục tiêu phát triển ngành bền vững trên cơ sở tận dụng các lợi thế cạnh tranh và thân thiện với môi trường.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: Dự thảo sẽ phát triển hệ thống sản xuất thép Việt Nam phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội các địa phương và lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam; giúp xây dựng, phát triển hệ thống sản xuất thép Việt Nam cân đối giữa các loại sản phẩm. Trong đó, tập trung nâng cao tỷ trọng sản xuất thép thô từ gang lỏng và sắt xốp sản xuất trong nước, năm 2020 sản xuất 21 triệu tấn, năm 2025 đạt 46 triệu tấn, năm 2035 đạt 55 triệu tấn. Về phôi thép, năm 2020 sản xuất 32,3 triệu tấn, năm 2025 đạt 57,3 triệu tấn, năm 2035 đạt 66,3 triệu tấn...

Nguồn: Hà Thu/Báo Công Thương điện tử