Tại thị trường miền Bắc, giá thép các thương hiệu phổ biến không có biến động. Thép Hòa Phát loại cuộn CB240 được bán với giá 13.550 đồng/kg, trong khi thép thanh vằn D10 CB300 đạt mức 13.600 đồng/kg. Thép Việt Ý báo giá thép cuộn CB240 ở mức 13.580 đồng/kg và thép D10 CB300 là 13.690 đồng/kg. Thép Việt Đức giữ mức 13.500 đồng/kg cho dòng CB240 và 13.800 đồng/kg cho D10 CB300. Còn thép Việt Sing có giá lần lượt 13.450 đồng/kg và 13.650 đồng/kg cho hai loại thép trên. Thép VAS ghi nhận mức giá thấp hơn, với thép cuộn CB240 là 13.330 đồng/kg và D10 CB300 là 13.380 đồng/kg.
Tại miền Trung, thép Hòa Phát được bán ở mức 13.630 đồng/kg cho dòng cuộn CB240 và 13.750 đồng/kg cho D10 CB300. Thép Việt Đức niêm yết lần lượt ở mức 13.800 đồng/kg và 14.200 đồng/kg. Thép VAS tại khu vực này cũng duy trì giá ở mức cao hơn so với miền Bắc, với 13.740 đồng/kg cho thép cuộn CB240 và 13.790 đồng/kg cho D10 CB300.
Tại thị trường miền Nam, thép Hòa Phát giữ giá ở mức 13.550 đồng/kg đối với thép cuộn CB240 và 13.650 đồng/kg cho thép thanh vằn D10 CB300. Trong khi đó, thép VAS có giá 13.380 đồng/kg cho CB240 và 13.480 đồng/kg cho D10 CB300.
Trên thị trường quốc tế, giá thép giao dịch trên sàn tương lai Thượng Hải (SHFE) ghi nhận sự biến động nhẹ. Thép cây giao tháng 10/2025 giảm 11 CNY, xuống còn 3.127 CNY/tấn. Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên (DCE) của Trung Quốc cũng giảm 0,7%, còn 709 CNY/tấn (tương đương khoảng 97,20 USD/tấn). Tại Singapore, giá quặng sắt chuẩn giao tháng 5 giảm nhẹ 0,07%, còn 98,35 USD/tấn.
Nguyên nhân chủ yếu của sự sụt giảm này đến từ thông tin Trung Quốc đang xem xét kế hoạch cắt giảm sản lượng thép thô tới 50 triệu tấn trong năm nay. Động thái này nhằm kiểm soát sản lượng trong bối cảnh cung vượt cầu và lo ngại về ô nhiễm môi trường. Baoshan Iron & Steel, nhà sản xuất thép lớn nhất Trung Quốc, cũng xác nhận khả năng cao sẽ thực hiện cắt giảm trong năm nay, dù chưa thể diễn ra ngay trong tháng 4 hoặc 5.
Ông Wu Wenzhang, Chủ tịch công ty tư vấn Steelhome, dự báo rằng sản lượng thép thô của Trung Quốc sẽ giảm hơn 50 triệu tấn trong năm nay, giúp cung cầu trở lại trạng thái cân bằng. Đồng thời, lượng tiêu thụ thép năm 2025 được dự đoán sẽ giảm khoảng 30 triệu tấn so với năm 2024, trong khi xuất khẩu thép cũng có thể giảm từ 15 đến 25 triệu tấn.
Ở chiều ngược lại, Ấn Độ đang đẩy mạnh các biện pháp đảm bảo an ninh nguồn cung, trong đó có việc khuyến khích doanh nghiệp nước này tìm mua lại các tài sản quặng sắt và than cốc ở nước ngoài.
Thị trường quốc tế cũng trở nên bất ổn hơn khi xuất hiện những tín hiệu trái chiều từ phía Mỹ và Trung Quốc liên quan đến các cuộc đàm phán thương mại. Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố các cuộc đàm phán đang diễn ra, thì phía Trung Quốc lại phủ nhận thông tin này. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cũng từ chối xác nhận phát ngôn của Tổng thống.
Cùng với giá quặng sắt, các thành phần sản xuất thép khác trên sàn DCE như than luyện kim và than cốc cũng giảm lần lượt 1,25% và 1,27%. Trên sàn SHFE, giá thép cây tăng 0,42%, thép cuộn cán nóng tăng 0,81%, trong khi thép dây giảm 0,54% và thép không gỉ giảm khoảng 0,1%.
Diễn biến thị trường cho thấy ngành thép toàn cầu vẫn đang chịu áp lực lớn từ các yếu tố kinh tế, chính sách sản lượng và thương mại quốc tế, đồng thời tiềm ẩn nhiều biến động trong thời gian tới.
Nguồn:Vinanet/VITIC