menu search
Đóng menu
Đóng

Bộ NNPTNT: lập tổ công tác đặc biệt để gỡ khó cho DN

07:51 04/07/2015

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho hay, Bộ đã thành lập tổ công tác đặc biệt nhằm tổng rà soát và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Trọng tâm trong 6 tháng cuối năm của ngành nông nghiệp là sẽ thực hiện mọi biện pháp có thể để cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư và hỗ trợ tiêu thụ nông sản.

Bộ trưởng Phát đã có buổi trả lời báo chí trong buổi họp báo sơ kết 6 tháng hoạt động của ngành nông nghiệp diễn ra ngày 1-7 tại Hà Nội. Thời báo Kinh tế Sài gòn Online lược ghi.

Trong quí 1, tình hình xuất khẩu gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc tiêu thụ nông sản của doanh nghiệp. Xin Bộ trưởng cho biết một cách khái quát về tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản trong quí 2 và 6 tháng đầu năm?


Bộ trưởng Cao Đức Phát:
6 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp phải đối phó với thách thức gay gắt, nổi bật nhất là tình hình nắng nóng và hạn hán nghiêm trọng như ở Nam Trung Bộ, có nơi hạn hán gay gắt nhất trong 40 năm.

Thứ hai là thị trường nhiều loại nông sản có biến động khó khăn mang tính trung và dài hạn chứ không phải nhất thời theo quy luật quan hệ cung cầu, chủ yếu liên quan tới thay đổi chính sách tiền tệ tại nhiều thị trường xuất khẩu nông sản chính, đối thủ cạnh tranh với nông sản nước ta.

Tuy nhiên, trong 6 tháng, nông nghiệp duy trì mức tăng trưởng tương đối, đạt 2,36% tính theo giá trị gia tăng. Tốc độ tăng trưởng quí 2 (2,45%) cao hơn hẳn quí 1 (2,14%). Nhưng tổng thể lại, 6 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp vẫn thấp hơn con số của cùng kỳ năm 2014.

Xuất khẩu nông sản 6 tháng vẫn đạt ở mức khá cao, đạt 14,4 tỉ đô la Mỹ, thấp hơn 6 tháng năm trước khoảng 2,8%, tức thấp hơn khoảng 400 triệu đô la Mỹ nhưng quí 2, tình hình xuất khẩu đã cải thiện hơn quí 1.

Theo rà soát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), cả nước vẫn còn 3.000 điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền, trong đó, Bộ NNPTNT có tới 398 điều kiện, chiếm hơn 13%.  Vậy Bộ sẽ xử lý vấn đề này như thế nào?

Theo Luật Đầu tư 2014 và Luật Doanh nghiệp 2014 vừa có hiệu lực từ 1-7-2015 thì tất cả các điều kiện kinh doanh trên đã trở nên “bất hợp pháp”. Như vậy, chiếu theo các luật trên, các bộ không được ban hành điều kiện kinh doanh, điều kiện đầu tư. Trước tình hình này, tôi đã yêu cầu lập Tổ công tác đặc biệt, yêu cầu tổng rà soát lại các quy định, điều kiện kinh doanh để có hướng xử lý.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp “phàn nàn” về thủ tục hành chính cản trở xuất khẩu, thưa Bộ trưởng?

Bộ KHĐT trong báo cáo về thực hiện Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh có nêu một số tồn tại của Bộ NNPTNT. Thứ nhất, có một số doanh nghiệp phản ánh cơ quan kiểm dịch thực vật vẫn kiểm dịch dăm gỗ đi Nhật, mặc dù Nhật không yêu cầu. Tôi đã trao đổi với Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật và đã ngay lập tức có văn bản dừng việc kiểm dịch đó.

Hơn nữa, liên quan đến Thông thư 48 về kiểm tra An toàn Vệ sinh thực phẩm đối với hàng thủy sản xuất khẩu, trong đó yêu cầu hàng hóa sản phẩm thủy sản xuất khẩu đi châu Âu phải từ những tàu cá được cấp Code châu Âu. Tuy nhiên, đây là yêu cầu cầu của phía EU, trong đó nêu rõ phải cấp từ tàu cá có Code châu Âu hoặc được giám sát theo quy định của châu Âu. Nếu chúng ta không thực hiện thì phía EU sẽ dừng nhập khẩu với không chỉ một doanh nghiệp mà cả nước.

Ngoài ra, trước đây, doanh nghiệp đem hàng ra cảng mới lấy mẫu tại cảng và làm thủ tục xuất khẩu. Hiện giờ có thêm quy định là một số trường hợp sẽ được lấy mẫu kiểm tra ở nhà máy thay vì tại cảng như trước đây, điều này cũng là do thị trường yêu cầu. Hiện nay có 45/120 nước nhập khẩu yêu cầu Việt Nam lấy mẫu ở nhà máy để kiểm tra.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, kiểm tra như vậy làm tăng số mẫu kiểm tra và tăng chi phí của doanh nghiệp nhưng điều này là không chính xác. Trên thực tế, việc kiểm tra này đã khiến số mẫu giảm 30%, đồng nghĩa với việc chi phí kiểm dịch của doanh nghiệp cũng đã giảm 30% chứ không phải tăng lên

Việc bãi bỏ 31 loại phí, lệ phí lĩnh vực thú y như Bộ trưởng đã hứa với Quốc hội đã được thực hiện đến đâu, thưa Bộ trưởng? Phía Bộ Tài chính có ý kiến gì về vấn đề này?

Tôi đã ký văn bản đề nghị Bộ Tài chính bỏ 31 loại phí, lệ phí lĩnh vực thú y và Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng rất ủng hộ. Tuy nhiên, việc này sẽ cần cân nhắc thêm. Tất nhiên, bỏ thu phí sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu của hệ thống thú y, nhưng vấn đề quan trọng là việc thu phí phải hợp lý, hợp lòng dân. Hệ thống thú y đã được nhà nước giao nhiệm vụ thì phải thực hiện, còn khó khăn thì báo cáo, cùng tháo gỡ. Nếu vì bỏ phí mà các địa phương lơ là, để xảy ra dịch bệnh thì nơi đó phải chịu trách nhiệm.

Để thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng ngành 3,4% như kỳ vọng của Chính phủ, cần có giải pháp gì, thưa Bộ trưởng?

Trong 6 tháng cuối năm, chúng tôi chủ trương thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, từ đó hình thành các doanh nghiệp “đầu tàu” của các chuỗi giá trị với các loại nông sản chủ lực có hiệu quả cao hơn.

Cụ thể, chúng tôi sẽ tập trung rà soát, đơn giản hóa, cắt bỏ những thủ tục hành chính, công khai hóa, áp dụng công nghệ thông tin để thực hiện dịch vụ công trực tuyến, xây dựng bộ phận một cửa, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Nguồn:TBKTSG