Đây được xem là tín hiệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn đang tìm cách lấy lại đà tăng trưởng, đặc biệt trong bối cảnh cuộc chiến thương mại đang diễn ra. Tuy nhiên, điều này chưa phản ánh đầy đủ các yêu tố riêng biệt ảnh hưởng đến từng loại hàng hóa.
Đối với dầu thô, nhập khẩu trong quý I/2025 đạt 135,25 triệu tấn, tương đương 10,97 triệu thùng/ngày, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Dù số liệu tháng 1/2025 và 2/2025 khá yếu, nhưng riêng trong tháng 3/2025, nhập khẩu đã tăng vọt lên 12,1 triệu thùng/ngày – mức cao nhất kể từ tháng 8/2023 và tăng 4,8% so với tháng 3/2024.
Tuy nhiên, đợt tăng mạnh này nhiều khả năng không phản ánh sự phục hồi thực sự trong nhu cầu nhiên liệu, mà là kết quả của việc các nhà máy lọc dầu Trung Quốc tăng mua dầu từ Iran và Nga trước khi các lệnh trừng phạt mới của Mỹ có hiệu lực.
Theo công ty phân tích Kpler, Trung Quốc nhập khẩu 1,37 triệu thùng/ngày từ Iran trong tháng 3/2025, tăng mạnh so với 746.000 thùng/ngày trong tháng 2/2025 và là mức cao nhất kể từ tháng 10/2024.
Lượng dầu nhập khẩu từ Nga qua đường biển cũng tăng từ 760.000 thùng/ngày của tháng 2/2025 lên 1,25 triệu thùng/ngày trong tháng 3/2025 - mức cao nhất kể từ tháng 11/2024. Ngoài ra, Trung Quốc còn nhập khẩu thêm gần 1 triệu thùng/ngày qua đường ống từ Nga.
Như vậy, dù số liệu tháng 3/2025 có vẻ khả quan, nhưng phần lớn chỉ là phản ứng tạm thời trước chính sách mới từ phía Mỹ, chứ không phản ánh sự cải thiện thực sự trong nền kinh tế.
Đối với quặng sắt, nhập khẩu trong tháng 3/2025 đạt 93,97 triệu tấn, giảm nhẹ so với mức 94,21 triệu tấn của tháng 2/2025 và giảm 6,7% so với tháng 3/2024. Tính chung quý I/2025, nhập khẩu quặng sắt đạt 285,31 triệu tấn, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2024.
Nguyên nhân chính là do thời tiết xấu gây gián đoạn nguồn cung từ Úc – nước cung cấp khoảng 2/3 lượng quặng sắt nhập khẩu của Trung Quốc. Xuất khẩu quặng sát từ Úc trong tháng 2/2025 chỉ đạt 50,5 triệu tấn, mức thấp nhất trong 5 năm. Tuy nhiên, con số này tăng trở lại trong tháng 3/2025 lên 67,61 triệu tấn, cho thấy triển vọng nhập khẩu tháng 4/2025 có thể phục hồi.
Nhập khẩu than trong quý I/2025 đạt 114,85 triệu tấn, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2024. Cũng như quặng sắt, lượng hàng từ Úc – nhà cung cấp lớn thứ hai sau Indonesia – bị gián đoạn vì thời tiết. Trong tháng 2/2025, xuất khẩu than từ Úc sang Trung Quốc giảm xuống 3,74 triệu tấn – mức thấp nhất trong 2 năm và dù đã tăng lên 6,17 triệu tấn trong tháng 3/2025, số liệu này vẫn thấp hơn mức trung bình 6,7 triệu tấn/tháng của năm 2024. Giá than nội địa Trung Quốc giảm cũng khiến các công ty ưu tiên mua hàng trong nước, xu hướng này nhiều khả năng sẽ tiếp diễn và tiếp tục làm giảm nhu cầu nhập khẩu.
Nhập khẩu đồng trong quý I/2025 cũng không mấy khởi sắc, giảm 5,2% xuống còn 1,3 triệu tấn. Tuy nhiên, ở đây cũng xuất hiện yếu tố tạm thời, khi nhiều lô hàng được xuất khẩu sang thị trường Mỹ nhằm tận dụng mức giá cao trước khi chính quyền Tổng thống Donald Trump áp dụng thuế nhập khẩu với mặt hàng kim loại công nghiệp này. Các nhà nhập khẩu Trung Quốc do đó có xu hướng chờ giá hạ sau khi tình hình thuế quan rõ ràng hơn.
Tổng thể, xu hướng nhập khẩu hàng hóa trong quý I/2025 của Trung Quốc là yếu, và những điểm sáng như dầu thô trong tháng 3/2025 chủ yếu xuất phát từ yếu tố nhất thời. Triển vọng cũng không mấy lạc quan khi mức thuế 145% mà Mỹ đang áp lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn còn hiệu lực. Điều này sẽ khiến Bắc Kinh gặp khó khăn hơn trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% cho cả năm 2025.
Nguồn:Vinanet/VITIC/Reuters