Đàm phán Hiệp định đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang bước vào giai đoạn nước rút khi cuộc họp cấp bộ trưởng bắt đầu diễn ra từ ngày 28-31/7. Đây có thể là thời điểm hoàn tất đàm phán sau khi kéo dài hơn 5 năm qua.
CNBC đã dẫn nhận định của giới chuyên gia về nước nào hưởng lợi nhiều nhất và bên nào thiệt hại nhất bởi TPP.
Ai hưởng lợi?
“Hưởng lợi nhiều nhất sẽ là Việt Nam bởi làn sóng nhà đầu tư nước ngoài sẽ đổ bộ vào đây. Tiếp đến là Malaysia và Nhật Bản”, giám đốc điều hành tại Trung tâm thương mại châu Á trả lời phỏng vấn CNBC hôm qua 28/7 nhận định.
Cũng chung quan điểm này, Viện kinh tế toàn cầu Peterson (PIIE) cho rằng Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều nhất khi hàng dệt may, da giày được miễn thuế quan khi vào thị trường Mỹ, từ mức thuế 17-32% hiện tại. Điều này sẽ giúp tăng kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và làm tăng đáng kể dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
PIIE dự đoán, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng 31,7%, tăng mạnh nhất so với các nước khác tham gia TPP.
Malaysia hiện chưa ký hiệp định tự do thương mại song phương với Mỹ, Canada, Mexico do đó đây cũng sẽ là nước hưởng lợi nhiều thứ 2 từ TPP.
"TPP sẽ giúp các nhà xuất khẩu của Malaysia tiếp cận được toàn bộ thị trường Bắc Mỹ và giúp nâng cao sức hấp dẫn của Malaysia đối với dòng đầu tư từ Bắc Mỹ”, Rajiv Biswas, kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại IHS nhận định.
Với Nhật Bản, việc mở cửa thị trường dịch vụ là một lợi thế lớn, chuyên gia Elms tại Trung tâm thương mại châu Á nhận định. TPP sẽ mở cửa thị trường dịch vụ giữa các thành viên với nhau, và do lĩnh vực dịch vụ của Nhật Bản tương đối không cạnh tranh mạnh do đó họ còn nhiều dư địa để tăng trưởng, bà Elms nhận định thêm. Các thị trường dịch vụ bao gồm logistics, phân phối, kho vận cũng như du lịch, thực phẩm và đồ uống.
Hơn nữa sự kết hợp giữa tác động của TPP và hiệp định thương mại tự do với EU sẽ tạo cú hích lớn cho tăng trưởng kinh tế dài hạn của Nhật Bản, theo Biswas.
Ai thiệt hại?
Các nước ngoài TPP bị đánh giá là sẽ gánh thiệt hại do dòng chảy thương mại sẽ chuyển hướng. Điều này là bởi về lý thuyết các nước sẽ muốn xuất khẩu sang các nước đối tác FTA hơn là sang các nước không cùng tham gia hiệp định.
“Hiệu ứng dòng chảy thương mại chuyển hướng do TPP sẽ chủ yếu ảnh hưởng đến Trung Quốc”, PIEE nhận định. Cũng theo PIEE, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sẽ giảm 1,2% so với trước khi có hiệp định.
Khi Việt Nam hưởng lợi từ việc tiếp cận hơn nữa thị trường Mỹ thì các nước xuất khẩu dệt may khác ở châu Á cũng có thể bị ảnh hưởng.
"Bangladesh, Campuchia, Pakistan, và Sri Lanka có thể chịu tác động tiêu cực từ việc đổi hướng dòng chảy thương mại trong lĩnh vực dệt may sang các nước thành viên TPP, đặc biệt là Việt Nam”, Biswas nhận định.
“Ấn Độ cũng có thể thiệt hại khi Việt Nam hưởng lợi. Mặc dù đã đa dạng hóa xuất khẩu nhưng dệt may vẫn chiếm 13% tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu của Ấn Độ năm tài khóa 2014 – 2015”, Biswas cho biết.
Tuy nhiên, EU được cho là sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi đã tham gia FTA với nhiều nước châu Á và đang đàm phán hiệp định thương mại tự do với Mỹ, PIEE cho biết.
Bây giờ hay không bao giờ?
Các vòng đàm phán TPP trước kia đều rơi vào bế tắc do các vấn đề gây tranh cãi như thuốc gốc, trợ giá nông nghiệp, xuất khẩu sữa. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, đây là thời điểm hoàn tất đàm phán hoặc không bao giờ.
"Đây là hạn chót thực sự bởi vì cánh cửa sẽ đóng lại. Nếu không đạt được thỏa thuận nào vào cuối tuần này, các nước sẽ phải chờ đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tiếp theo vào năm 2017. Khi đó, không ai biết điều gì sẽ xảy ra”, Elms nhấn mạnh.
Tuy nhiên vẫn có khả năng các nhà đàm phán sẽ đạt được thỏa thuận về nguyên tắc và sẽ đàm phán chi tiết sau đó, Overby cho biết thêm.
Minh Phương
Theo CNBC