menu search
Đóng menu
Đóng

Công bố danh mục các loại gỗ đã nhập khẩu vào Việt Nam

11:20 18/09/2023

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có quyết định công bố danh mục các loại gỗ đã nhập khẩu vào Việt Nam.
 
Theo đó, danh mục các loại gỗ đã nhập khẩu vào Việt Nam tính đến ngày 30/6/2023 bao gồm các loại gỗ đã được công bố tại Quyết định số 2752/QĐ-BNN-TCLN ngày 30/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố danh mục các loại gỗ đã nhập khẩu vào Việt Nam.
Như vậy, so với thời điểm 30/6/2022, danh mục các loại gỗ đã nhập khẩu vào Việt Nam tính đến ngày 30/6/2023 không có sự thay đổi.
Danh mục các loại gỗ đã nhập khẩu vào Việt Nam được thống kê từ nguồn dữ liệu do Tổng cục Hải quan, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cung cấp.
Cụ thể, danh mục có 837 loại gỗ đã nhập khẩu vào Việt Nam. Trong danh mục này, tên gọi chính thức của các loại gỗ là tên khoa học; tên Việt Nam thường gọi chỉ có giá trị tham khảo bởi có nhiều loại không có tên Việt Nam thường gọi.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện Nghị định số 102/2020/NĐ-CP của Chính phủ Quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam, chủ gỗ nhập khẩu tự kê khai và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các thông tin trong bảng kê gỗ, sản phẩm gỗ nhập khẩu. Chủ gỗ nhập khẩu phải kê khai đầy đủ các thông tin đối với sản phẩm gỗ hỗn hợp nhằm bảo đảm kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc gỗ nhập khẩu và làm căn cứ kiểm tra, truy xuất nguồn gốc gỗ trong trường hợp cần thiết.
Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/NĐ-CP ngày 1/9/2020 của Chính phủ Quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, qua gần 3 năm triển khai thực hiện cho thấy, Nghị định số 102/2020/NĐ-CP đã thể hiện được tinh thần của Luật Lâm nghiệp, thể hiện cam kết và nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp ngành chế biến gỗ, tạo hành lang pháp lý về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp, đảm bảo chỉ có gỗ hợp pháp được đi vào chuỗi cung ứng, đã nhận được sự ủng hộ cao của các cơ quan, cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ và toàn xã hội.
Tuy nhiên, theo Thỏa thuận giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp, Việt Nam cam kết sửa đổi, bổ sung Nghị định số 102/2020/NĐ-CP quy định liên quan đến tiêu chí xác định quốc gia thuộc vùng địa lý tích cực xuất khẩu gỗ vào Việt Nam để bảo đảm việc đánh giá, xác định quốc gia thuộc vùng địa lý tích cực một cách khách quan và phù hợp với thực tiễn; bổ sung đối tượng doanh nghiệp tham gia phân loại doanh nghiệp.
Đồng thời, việc mở rộng đối tượng phân loại doanh nghiệp phù hợp với Hiệp định Đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu về thực thi Luật Lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) và lộ trình đã thống nhất tại các cuộc họp của Ủy ban thực thi chung thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT.
Bên cạnh đó, Nghị định số 102/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 30/10/2020. Trong thời gian gần đây, nhiều luật, nghị định mới ban hành đã làm phát sinh một số vấn đề thiếu thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.../.

Nguồn:bnews.vn

Link gốc