menu search
Đóng menu
Đóng

Hai vấn đề trong và ngoài nước ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô 2023

09:00 26/01/2023

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và sự mở cửa trở lại của Trung Quốc; thanh khoản hệ thống và thị trường trái phiếu doanh nghiệp là hai vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô Việt Nam 2023.
 
Trong báo cáo vĩ mô thị trường 2023 mới công bố, CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định các vấn đề cần lưu ý về vĩ mô năm 2023.
Theo khối phân tích, có hai vấn đề quốc tế và trong nước ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán Việt Nam gồm: Tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và sự mở cửa trở lại của Trung Quốc; thanh khoản hệ thống và thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).
Sau hai năm 2020 và 2021 chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19, nền kinh tế toàn cầu trong năm 2022 tiếp tục trải qua nhiều thử thách. Sau giai đoạn các NHTW trên thế giới áp dụng chính sách tiền tệ siêu nới lỏng để thúc đẩy nền kinh tế trong thời kỳ dịch bệnh, kết quả tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2021 đạt 6%, hồi phục từ mức tăng trưởng -3% của năm 2020.
Tuy nhiên, hệ quả của chính sách này là lạm phát toàn cầu bắt đầu tăng cao từ cuối năm 2021, ngay sau đó cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine nổ ra vào đầu năm 2022 đã khiến lạm phát tăng vượt kiểm soát. Các NHTW trên thế giới buộc phải tham gia vào cuộc đua thắt chặt chính sách tiền tệ, tiêu biểu có thể kể đến Mỹ đã nâng lãi suất 7 lần trong năm 2022 (từ mức 0%-0,25% lên 4,25%-4,5%), châu Âu đã nâng lãi suất 4 lần trong năm 2022.
Trong bối cảnh lạm phát và lãi suất đều tăng cao, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ suy giảm trong năm 2023.
Theo BSC, dự báo năm 2023, tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ chậm lại do ba yếu tố sau.
Thứ nhất, xu hướng thắt chặt chính sách tiền teek toàn cầu tác động trực tiếp vào khả năng sản xuất cũng như tiêu dùng của nền kinh tế, tiềm ẩn khả năng xảy ra suy thoái.
Thứ hai, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ toàn cầu vẫn chưa được giải quyết bởi xung đột Nga – Ukraine.
Bên cạnh đó, khủng hoảng năng lượng tại châu Âu do khan hiếm dầu thô, nhất là khi lệnh cấm vận của châu Âu đối với dầu thô nhập khẩu từ Nga qua đường biển chính thức có hiệu lực từ ngày 5/12/2022.
Trong bối cảnh Mỹ và châu Âu nhiều khả năng đối diện với nền kinh tế tăng trưởng giảm tốc trong năm 2023, Trung Quốc, với tư cách là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mở cửa trở lại từ ngày 8/1/2023, là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế toàn cầu trong năm 2023.
Về tác động của việc Trung Quốc mở cửa đối với Việt Nam, BSC cho biết Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam và cũng là một trong những quốc gia xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ giúp nối lại chuỗi cung ứng bị đứt gãy, phần nào giảm áp lực lên chi phí sản xuất của các doanh nghiệp trong nước, đồng thời cũng là động lực thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2023.
Trước khi Trung Quốc thực thi chính sách zero-COVID, tỷ trọng khách du lịch Trung Quốc chiếm khoảng 30% tổng số khách du lịch nước ngoài của Việt Nam, tuy nhiên con số này trong 9 tháng 2022 đã giảm xuống mức 3%. Do đó, Trung Quốc mở cửa trở lại kỳ vọng làm tăng lượng khách du lịch tới Việt Nam.
Về vấn đề thanh khoản hệ thống và thị trường TPDN. BSC nhắc lại thanh khoản hệ thống bắt đầu có dấu hiệu căng thẳng từ nửa cuối năm 2022 bởi nhiều lý do như NHNN tăng lãi suất điều hành, kiểm soát tăng trưởng tín dụng, rút ròng tiền qua kênh OMO để bảo vệ tỷ giá khi Fed thắt chặt chính sách tiền tệ.

Thị trường TPDN giảm sút mạnh trong năm 2022 do những vụ phát hành TPDN vi phạm pháp luật và những quy định chặt chẽ hơn về việc phát hành TPDN riêng lẻ. Tính đến hết tháng 12/2022, tổng giá trị phát hành TPDN giảm hơn 65% so với cùng kỳ 2021. Áp lực thanh khoản càng lớn khi có khoảng hơn 700.000 tỷ đồng TPDN sẽ đáo hạn trong giai đoạn 2023-2025, trong đó hơn 350.000 tỷ đồng đáo hạn trong năm 2023, đỉnh điểm trong giai đoạn tháng 6, 7, 8.

Nghị định 65 về phát hành TPDN riêng lẻ được ban hành phù hợp với con đường nâng cao chất lượng thị trường TPDN trong dài hạn, tuy nhiên, theo BSC, trong ngắn hạn các doanh nghiệp chưa thể đáp ứng các yêu cầu chặt chẽ trong nghị định được ngay, khiến việc phát hành TPDN gặp khó khăn, ảnh hưởng đến thanh khoản thị trường.
Ngành BĐS trước 2022 là ngành có tỷ trọng phát hành TPDN lớn nhất. Giai đoạn 2017-2021, tỷ trọng phát hành TPDN trung bình của ngành BĐS là gần 39%, trong đó năm 2021 đạt 46,8%. Tuy nhiên, 11 tháng 2022, con số này giảm xuống 20,45%.
Như vậy, các doanh nghiệp BĐS thậm chí còn không thể phát hành TPDN để đảo nợ, khả năng tiếp cận vốn ngân hàng cũng khó khăn khi ngân hàng đang có xu hướng ưu tiên cho vay đối với ngành sản xuất.
Trước những khó khăn hiện tại, Bộ Tài chính đã đề xuất lùi thời điểm áp dụng Nghị định 65 sang năm 2024 thay vì năm 2023.
Khối phân tích cũng nhắc đến áp lực từ lạm phát trong nước. Trong bối cảnh lạm phát tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt trong những tháng cuối năm 2022 thì lạm phát Việt Nam so với cùng kỳ vẫn trên đà tăng nhanh, đột biến trong quý III/2022.
Lý do chủ yếu đến từ mức nền thấp của quý III/2021 và cấu phần tiêu dùng hồi phục mạnh trở lại kéo theo theo giá cả của hầu hết các nhóm hàng hóa và dịch vụ gia tăng mạnh.
Xu hướng tăng mạnh của giá cả hàng hóa càng thể hiện rõ hơn trong quý IV (tăng 4,41% so với cùng kỳ) với mức lạm phát tăng mạnh vào cuối năm ở gần như tất cả các nhóm ngành.
Sang năm 2023, áp lực lạm phát vẫn còn tồn tại, nhất là trong bối cảnh một số các chính sách hỗ trợ về thuế, phí hết hiệu lực từ đầu năm 2023 như chính sách giảm VAT, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu,…. Ngoài ra, giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý như giá điện, giá giáo dục,… cũng có thể điều chỉnh tăng trong 2023 sau thời gian trì hoãn gây sức ép cho NHNN phải tiếp tục thắt chặt CSTT.
Như vậy, trong năm 2023, việc Trung Quốc mở cửa sẽ là động lực cho xuất nhập khẩu Việt Nam trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo chậm lại. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với sức ép lạm phát tăng cao trong năm 2023, làm việc hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống đang thiếu hụt trở nên khó khăn hơn.

Nguồn:Doanh nghiệp và kinhdoanh

Link gốc