Kinh tế Việt Nam ít bị ảnh hưởng
Nhắc tới tác động của Covid-19 đối với nền kinh tế Việt Nam, nhóm nghiên cứu khẳng định: “Tác động của Covid-19 đối với nền kinh tế Việt Nam là nặng nề, nhưng ít hơn các nước khác”.
Nhóm đơn cử, cuộc thăm dò được thực hiện ở Mỹ vài ngày trước đã hỏi người Mỹ rằng họ lo ngại điều gì nhất liên quan đến Covid-19. Hơn một nửa số người Mỹ nói rằng lo ngại nhất về tác động của Covid-19 đối với họ là về mặt kinh tế, trong khichỉ có 4% người dân ở Mỹ nói rằng mối lo ngại hàng đầu là bị nhiễm Covid-19.
Cuộc thăm dò này nếu được tiến hành tại Việt Nam, theo nhóm, số người Việt Nam nói rằng mối lo ngại hàng đầu liên quan đến Covid-19 là tác động về mặt kinh tế Covid-19 thay vì tác động về mặt sức khỏe - có thể còn cao hơn ở Mỹ.
"Nhưng chúng tôi cho rằng việc xử lý khủng hoảng Covid-19 của Chính phủ Việt Nam sẽ phần nào giúp giảm bớt những lo ngại này”, nhóm nghiên cứu viết.
Cụ thể, theo một nghiên cứu được xuất bản bởi nhà kinh tế học Robert Barro của Đại học Harvard vào tháng trước, nhiều quốc gia có thể phải chịu mức giảm tăng trưởng GDP tới 6% hoặc cao hơn trong năm nay, dựa trên tác động kinh tế của đại dịch nghiêm trọng trong quá khứ, như dịch Cúm Tây Ban Nha.
Ví dụ như, kinh tế Mỹ ban đầu được dự báo tăng trưởng 2% trong năm 2020, nhưng dịch Covid-19 bùng phát có thể làm giảm tăng trưởng GDP của Mỹ khoảng 7% và vì thế các nhà kinh tế dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ giảm xuống -5% năm nay.
Tương tự như vậy, kinh tế Thái Lan ban đầu được dự báo tăng 3% trong năm 2020, hiện nay mức dự báo này được điều chỉnh giảm khoảng 8% do tác động của dịch Covid-19, và các nhà kinh tế dự báo tăng trưởng kinh tế Thái Lan sẽ giảm xuống -5% năm nay.
Trong khi đó, hầu hết các nhà kinh tế dự đoán kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng 3,5-4% trong năm 2020 và thậm chí có thể cao hơn nữa, tùy thuộc vào hiệu quả của các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng của Chính phủ.
Lý do khiến kinh tế của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng ít hơn – chỉ giảm 3,5% tăng trưởng GDP từ Covid-19, so với mức giảm 6-7% của nhiều quốc gia khác trên thế giới là các biện pháp y tế cộng đồng của Việt Nam đã rất hiệu quả mà Chính phủ không cần thiết phải đóng cửa hoàn toàn nền kinh tế.
Yếu tố giúp nền kinh tế Việt sẽ vượt bão
Trái ngược với hầu hết các quốc gia khác trên thế giới đang bị tấn công bởi Covid-19, nhiều nhà máy và trang trại của Việt Nam vẫn đang hoạt động và một số cửa hàng bán lẻ vẫn mở, do đó, tỷ lệ dân số vẫn tiếp tục làm việc cao hơn so với hầu hết các nước khác trên thế giới, mặc dù hiện nay nhiều trong số đó là làm việc tại nhà.
Thêm vào đó, số lượng thất nghiệp dự kiến ở Việt Nam được công bố bởi các hiệp hội ngành công nghiệp cho thấy tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng lên khoảng 5% vào cuối tháng này so với khoảng 2% vào đầu năm 2020.
Sự gia tăng số lượng lao động thất nghiệp của Việt Nam sẽ là một thách thức lớn đối với các nhà hoạch định chính sách. Với tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ sẽ đạt khoảng 20% vào cuối tháng 4, là minh chứng cho thấy những kịch bản xấu hơn có thể đã xảy ra cho thị trường việc làm tại Việt Nam nếu không có các biện pháp y tế công cộng hiệu quả mà Chính phủ đã thực hiện ngay từ Tết Nguyên đán 2020.
Cuối cùng, phần lớn các sản phẩm tiêu dùng sản xuất ở Việt Nam là hàng hóa thứ cấp được xuất khẩu sang Mỹ và Châu Âu và được bán cho người tiêu dùng trong các chuỗi siêu thị giá rẻ như Walmart ở Mỹ và Carrefour ở châu Âu.
Nhu cầu về các sản phẩm tiêu dùng thứ cấp được bán trong các cửa hàng giảm giá (chẳng hạn như thiết bị thể thao/thảm yoga, đồ chơi thú cưng, đồ làm vườn, dụng cụ nhà bếp thứ cấp, v.v.) thường vẫn ổn định trong thời kỳ suy thoái kinh tế.
Đó là vì nếu trước khi suy thoái người tiêu dùng đã quen mua các sản phẩm xa xỉ đắt tiền, thì sau khi suy thoái kinh tế xảy ra, họ bắt đầu mua sắm các sản phẩm tiết kiệm hơn được bán trong các cửa hàng giảm giá, để giảm mức chi tiêu hàng tháng.
Nguồn:Thương trường