menu search
Đóng menu
Đóng

Nỗ lực chăm lo tốt hơn đời sống của dân

09:44 15/10/2015

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (hàng đầu, phải) cùng Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải (hàng đầu, trái) và lãnh đạo Đảng các thời kỳ tại lễ khai mạc Đại hội Đảng bộ TP.HCM sáng 14-10 - Ảnh: Trần Tiến Dũng

“Những kết quả đạt được năm năm qua đã góp phần khẳng định thành tựu chung của TP.HCM trong 30 năm đổi mới - một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ và phát triển của TP”.
Đó là đúc kết của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải về những kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ TP.HCM trong năm năm (2010-2015), tại buổi khai mạc Đại hội X Đảng bộ TP.HCM sáng 14-10.

Trong năm năm qua, theo Bí thư Thành ủy, có cả những mục tiêu đạt và chưa đạt.

Nhưng, “thực tiễn từ TP.HCM đã góp phần để trung ương nghiên cứu hoàn thiện đường lối đổi mới của Đảng, đặc biệt trên hai vấn đề lớn là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” - ông Lê 
Thanh Hải nói.

 

Bước tiến dài

Ông Lê Thanh Hải đã dành nhiều thời gian điểm lại những con số nổi trội của TP.HCM so với cả nước trong phát triển kinh tế - xã hội. GDP tăng khá cao, bình quân 9,6 %/năm và từ năm 2013 đến nay, năm sau tăng cao hơn năm trước.

Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước, TP.HCM đã ngày càng thể hiện vai trò gánh vác khi tăng gấp đôi mức đóng góp cho ngân sách cả nước so với giai đoạn 2006 - 2010, đồng thời nâng tỉ trọng đóng góp từ 27,7% lên 30%.

Bài toán hiệu suất từ đồng vốn cũng được TP.HCM giải quyết tốt hơn khi ở giai đoạn 2006 - 2010, 1 đồng vốn ngân sách thu hút được 8,5 đồng vốn từ xã hội thì giai đoạn vừa qua đã thu hút được 12,5 đồng.

TP.HCM đã khấm khá hơn và Bí thư Thành ủy khẳng định điều quan trọng là “phải tăng cường mối quan hệ máu thịt với nhân dân, nỗ lực chăm lo tốt hơn đời sống cho nhân dân...”.

Câu chuyện đó đã được Đảng bộ TP.HCM minh chứng bằng việc hoàn thành mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2009 - 2015 và cơ bản hoàn thành xây dựng chương trình nông thôn mới.

Cụ thể là đưa tỉ lệ hộ nghèo (thu nhập dưới 16 triệu đồng/người/năm) còn 0,89% và hộ cận nghèo (thu nhập dưới 21 triệu đồng/người/năm) còn 2,39%.

Cũng theo ông Lê Thanh Hải, thành công của hai chương trình này đã kéo giảm chênh lệch mức sống các nhóm dân cư từ 10 lần vào năm 1992 xuống còn 6,6 lần năm 2014. Chênh lệch mức sống giữa thành thị và nông thôn từ 1,8 lần năm 2008 chỉ còn 1,2 lần 
năm 2014.

Đối với sáu chương trình trọng điểm mà Đại hội IX Đảng bộ TP.HCM đặt ra, ông Hải đánh giá việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện sáu chương trình đột phá có một số mặt triển khai chậm, có chương trình hiệu quả chưa cao.

“Ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường chuyển biến chậm, tình trạng ngập nước gay gắt hơn” - ông Lê Thanh Hải thẳng thắn.

Ông Hải cũng nhìn nhận vấn đề tội phạm hình sự, tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp và “một số nơi, một số lĩnh vực còn tiềm ẩn những yếu tố có thể gây bất ổn, bức xúc trong nhân dân”.

Phải kiên trì kiến nghị với trung ương là một trong những kinh nghiệm mà Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM đã đúc kết trong thực tiễn lãnh đạo nhiệm kỳ qua.

Theo ông Lê Thanh Hải: “TP.HCM cần phải chủ động sửa đổi bổ sung theo thẩm quyền và chủ động phối hợp với ban, bộ ngành, kiên trì đề xuất với trung ương những cơ chế chính sách không còn phù hợp.

Kiến nghị cho TP.HCM thực hiện những cơ chế chính sách mới để khai thác thế mạnh, phát huy vai trò, vị trí của TP.HCM”.

Một kinh nghiệm khác, theo ông Hải, để đạt được mục đích chăm lo cho dân, thực hiện tốt an sinh xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng sống của nhân dân là phải tin dân, trọng dân, học dân và dựa vào dân...

Theo ông, thấm nhuần quan điểm đó mới chính là phát triển bền vững, xây dựng TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Lo lắng trước hội nhập

Chiều 14-10, tại buổi thảo luận tổ góp ý cho dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc, các đại biểu đã bày tỏ nhiều băn khoăn về cải cách hành chính, chất lượng giáo dục đào tạo cũng như quá trình hội nhập của đất nước.

Về vấn đề đóng góp cho ngân sách trung ương, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Hồng bày tỏ quan điểm: “Đương nhiên địa phương làm ra thì có trách nhiệm nộp về trung ương để góp phần xây dựng đất nước.

Nhưng tỉ lệ để lại cho TP.HCM cứ sau mỗi năm năm lại giảm xuống mà nhiệm vụ giao về cho TP.HCM ngày càng tăng lên. Cơ chế đặc thù cho TP.HCM thì TP.HCM kiến nghị rất nhiều lần nhưng không phải lần nào cũng được chấp thuận”.

Từ thực tế đó, bà Hồng băn khoăn: “Chúng ta thường nói TP.HCM vì cả nước - cả nước vì TP.HCM, nhưng thực tế có vẻ như lại chỉ làm một vế. Nếu cứ như thế, sức của TP.HCM sẽ cạn dần, rất khó cho phát triển”.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng VN là quốc gia có độ mở với bên ngoài đứng thứ hai trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chỉ sau Singapore.

Trong khi Singapore là một nước nhỏ, dân số ít và tài nguyên hạn chế nên họ buộc phải hội nhập sâu rộng với bên ngoài để phát triển thì VN có xuất phát điểm thấp, năng lực sản xuất ở một số lĩnh vực chưa đủ đáp ứng tiêu dùng.

Do đó, với các hiệp định thương mại được áp dụng trong thời gian tới thì thách thức sẽ nhiều hơn là cơ hội.

Đại biểu Phan Thanh Bình - ủy viên Trung ương Đảng, giám đốc ĐHQG TP.HCM - nói thực tiễn 30 năm đổi mới đã cho đất nước bài học là phải chủ động và không ngừng sáng tạo.

Liên hệ đến TP.HCM, ông Phan Thanh Bình nói TP.HCM đã luôn đi đầu và sáng tạo, đã luôn tự nhủ rằng “không chỉ làm đúng làm đủ là được mà phải sáng tạo, đột phá. Dù sáng tạo thì đôi khi hơi mạo hiểm, nhưng đây là bài học hết sức quan trọng để phát triển” - ông Phan Thanh Bình nói.

Một số chỉ tiêu chủ yếu của Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2015 - 2020

* Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn TP (GRDP) bình quân hằng năm 8 - 8,5% (tính theo GDP thì tăng hơn 1,5 lần mức tăng trưởng GDP bình quân cả nước).

* Tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 30% GRDP.

* GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2020 đạt 9.800 USD.

* Đến năm 2020, tỉ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề đạt 85% trong tổng số lao động làm việc.

* Trong năm năm, tạo việc làm mới cho 625.000 lao động (bình quân 125.000 lao động/năm), tỉ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4,5%.

* Thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng so với đầu năm 2011 là 3,5 lần.

* Đảm bảo nước sạch cho 100% hộ dân vào cuối năm 2020.

* Đến cuối năm 2020, tổng diện tích nhà ở xây dựng mới đạt 40 triệu m2, diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 19,8 m2/người.


Theo Viễn Sự - Mai Hương - Trần Mạnh

Tuổi Trẻ

Nguồn:Tuổi trẻ