Hàng loạt dự án đang được triển khai cho thấy tầm quan trọng của việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng để đối phó tình trạng nước biển dâng, vốn không còn là chuyện “trên trời” nữa mà đã trở thành mối đe dọa sát sườn với Việt Nam, đặc biệt ở khu đô thị lớn như TP.HCM và vựa lương thực ĐBSCL.
Nâng cầu…
Cầu Cao Lãnh là một trong những hạng mục đang được triển khai nhằm kết nối 3 tỉnh, thành phố Đồng Tháp, Cần Thơ và An Giang.
Cầu dài 2 km, trong đó phần cầu chính kết cấu dây văng dài 650 m, gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ. Kế đến là đường nối Cao Lãnh - Vàm Cống, dài 15,7 km, trước khi đến cầu Vàm Cống 5,8 km, kết nối tỉnh Đồng Tháp và TP.Cần Thơ.
Tổng số vốn đầu tư cho gói dự án này là 880,09 triệu USD từ vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), viện trợ không hoàn lại của chính phủ Úc thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Úc (AusAID), vốn vay ODA từ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Việt Nam.
Tuy nhiên, thời nay xây cầu cống, đường sá, nói chung là cơ sở hạ tầng, đã không còn giống như trước đây, do một nguyên nhân hết sức quan trọng: biến đổi khí hậu. Theo báo cáo “Những quốc gia dễ bị tổn hại do biến đổi khí hậu vào năm 2040” do Hãng Maplecroft của Anh phát hành năm 2010, Việt Nam đứng thứ 13 trong danh sách “đỏ”, tức nguy cơ cực cao, trước Thái Lan và sau Campuchia, Myanmar.
Ví dụ, tại Vũng Tàu, mực nước biển được dự đoán tăng trung bình mỗi năm là 3 mm, cao hơn so với Hồng Kông (2 mm/năm) và Thượng Hải (1,8 mm/năm). Do vậy, Bộ TN-MT đánh giá viễn cảnh mực nước biển sẽ tăng trung bình lên 30 cm vào năm 2050 và đề nghị gộp yếu tố này vào các kế hoạch hành động khi phát triển cơ sở hạ tầng ở ĐBSCL.
Ở miền Tây, dự kiến mực nước biển dâng sẽ tác động khoảng 50% tại Cao Lãnh trong khi tại Mỹ Thuận và Cần Thơ là từ 78 - 93%. Sau khi cân nhắc kết quả dự đoán về mực nước biển dâng đối với Cao Lãnh, ADB/AusAID quyết định bổ sung thêm yếu tố đề phòng biến đổi khí hậu. Theo đó nâng thêm 0,3 m vào các thiết kế đường sá và nhịp cầu. Tổng cộng chi phí phải điều chỉnh do biến đổi khí hậu là 8 triệu USD, theo Giám đốc dự án Gordon Belton.
Bên cạnh đó, chuyên gia cao cấp của ADB - ông Lê Đình Thắng, đề cập một số dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tương tự cũng đang được triển khai tại miền Tây, gồm tuyến hành lang ven biển phía nam, kết nối Việt Nam, Campuchia và Thái Lan.
Đây cũng là tuyến đường ven biển phía tây đầu tiên của Việt Nam được đầu tư xây dựng nằm trong tuyến hành lang đông - tây nối liền các nước ASEAN và được áp dụng các biện pháp đề phòng nước biển dâng ở Kiên Giang và Cà Mau. Kế đến là đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, cũng là dự án đường bộ cao tốc lớn nhất miền Nam với tổng chiều dài hơn 57 km đi qua địa bàn TP.HCM, Long An và Đồng Nai.
Mở đường dẫn cá
Biến đổi khí hậu khiến nước biển dâng cao còn gây nên ảnh hưởng không nhỏ đối với TP.HCM, trong đó có tác động gây ngập mặn ở sông Sài Gòn và làm xói mòn các cấu trúc xây dựng.
Trong báo cáo năm 2014, ADB cho hay Bangkok, Dhaka, Quảng Châu, TP.HCM, Kolkata, Manila, Mumbai, Thượng Hải và Yangon đều có một điểm chung là những thành phố ven biển hoặc ở vùng đất thấp, đối mặt với nguy cơ cao trước tình trạng nước biển dâng, lụt lội và những tác động tiêu cực khác từ biến đổi khí hậu.
Do vậy, dự án thủy lợi Phước Hòa, do ADB và Cơ quan Hợp tác phát triển Pháp (AFD) cho vay, đã được triển khai nhằm dẫn nước từ sông Bé đến hồ Dầu Tiếng để bổ sung cho lưu vực sông Vàm Cỏ Đông và sông Sài Gòn một khi cần thiết.
Mục tiêu của dự án là cấp 38 m3/giây nước thô cho nhu cầu công nghiệp và dân sinh cho Bình Dương, Bình Phước, Long An và cấp bổ sung cho Tây Ninh, TP.HCM, tưới cho 17.749 ha đất nông nghiệp tại Tân Biên, Đức Hòa, Thái Mỹ, cũng như tạo nguồn cho 24.818 ha ở Bình Dương, Tây Ninh (dự kiến) và Long An.
Tiếp đoàn nhà báo quốc tế gồm 12 người đến từ 8 quốc gia đến thăm khu dự án, chuyên gia thuộc Ban Cố vấn Lê Trung Thành cho hay đến nay đã hoàn tất toàn bộ các công trình đầu mối, trong đó có đập Phước Hòa với tổng chi phí hơn 786 tỉ đồng; kênh chuyển nước Phước Hòa - Dầu Tiếng (hơn 936 tỉ đồng) với chiều dài 40,436 km…
Tuy nhiên, dự án bị đánh giá sẽ tác động bất lợi cho môi trường xung quanh, đặc biệt đối với sự di cư của các loài cá và đa dạng sinh học. Do vậy, lần đầu tiên trong lịch sử, đường dẫn cá đã xuất hiện tại Việt Nam thông qua dự án Phước Hòa.
Thiết kế đường dẫn cá được đề xuất là bằng kênh dẫn tự nhiên, dài 1,9 km, không gia cố và được trồng cỏ để tạo suối. Vận tốc nước được khống chế ở mức 0,6 m/giây, nhờ vào đá cuội được sắp xếp để có mái dốc dọc phù hợp. Kết quả khảo sát bước đầu về đường dẫn cá ở Phước Hòa ghi nhận tổng cộng 57 loài ở chân đập Phước Hòa (nơi bắt đầu ngăn nước từ sông Bé) và 39 loài di cư. Như vậy, trong số những loài cá phân bố ở chân đập thì có đến 68,42% loài di cư bằng đường dẫn cá, đa số thuộc loài cá chép.
Chuyên gia Thành cho hay rất tiếc là đến nay vẫn chưa thấy các khu vực khác của Việt Nam áp dụng biện pháp bảo vệ môi trường tương tự như ở đập Phước Hòa. Ông cho rằng một trong những lý do có thể là các dự án có vốn đầu tư trong nước ít quan tâm đến vấn đề này.
Hàng chục triệu người phải di chuyển chỗ ở
Phó giám đốc quốc gia Văn phòng đại diện ADB tại Việt Nam, Andrew Head cho biết tầm quan trọng của vựa lương thực ở ĐBSCL là nguyên nhân thúc đẩy ADB tổ chức hội thảo và chuyến đi thực địa vừa qua dành cho giới truyền thông Đông Á về vấn đề biến đổi khí hậu.
Dự kiến, lưu lượng nước hằng năm của sông Mê Kông có thể giảm từ 16 - 24%, đẩy khoảng 21 triệu người vào tình trạng phải di chuyển chỗ ở, trong đó 10% dân cư nằm ở ĐBSCL.
Theo ông Head, kể từ năm 2013, ADB yêu cầu mọi dự án vay vốn của ngân hàng này đều phải thực hiện khâu kiểm tra ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu. Hiện khoản vay do ADB cấp cho Việt Nam trong năm nay đã lên đến 1,3 tỉ USD, chiếm 10% trong tổng số khoản vay tại 28 nước của ngân hàng này, và đứng thứ 3 trong số 6 ngân hàng phát triển quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam, chỉ sau JICA của Nhật Bản và Ngân hàng Thế giới.
Theo Thụy Miên
Thanh Niên
Nguồn:Thanh Niên