menu search
Đóng menu
Đóng

PPI Trung Quốc tăng chậm nhất 14 tháng

11:02 13/06/2022

Nhu cầu nhiều hoàng hóa công nghiệp sụt giảm, làm chậm đà tăng PPI.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng tương đồng với tháng trước đó.
 
Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 5 của Trung Quốc tăng chậm do nhu cầu thép, nhôm và nhiều hàng hóa công nghiệp quan trọng khác giảm xuống do đại dịch Covid-19.
PPI tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2021, theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc. Trong tháng 4, chỉ số này tăng 8%. Đây là ngưỡng thấp nhất ghi nhận từ tháng 3/2021.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước, tương đồng với tháng 4 nhưng thấp hơn dự báo tăng 2,2% của Reuters. 
Nền kinh tế số 2 thế giới tăng trưởng chậm lại trong vài tháng gần đây do bị ảnh hưởng nặng nề từ các quy định phòng dịch Covid-19, gây ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng và kéo giảm hoạt động sản xuất và tiêu dùng.
Trong tháng 5, các lệnh phong tỏa phòng dịch Covid-19 buộc nhiều nhà máy, cửa hàng phải đóng cửa, kéo giảm nhu cầu các mặt hàng sử dụng nhiều kim loại như ôtô và đồ gia dụng.
Doanh số ôtô tại Trung Quốc trong tháng trước tăng nhưng vẫn thấp hơn 16% so với cùng kỳ, theo Hiệp hội ôtô du lịch quốc gia này.
Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị tăng lên 6,1% trong tháng 4, cao nhất từ tháng 2/2020 và vượt ngưỡng mục tiêu 5,5% của chính phủ.
Chính phủ Trung Quốc đã công bố một gói hỗ trợ tài khóa, tài chính đầu tư và sản xuất bao gồm 33 điểm nhằm vực dậy nền kinh tế.
Thủ đô Bắc Kinh cũng đã cho triển khai một loạt các biện pháp từ giảm lãi suất cho vay cho tới giãn các khoản thanh toán nợ nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Goldman Sachs trước đó hạ dự báo tăng trưởng năm 2022 của Trung Quốc từ 4,5% xuống 4%, thấp hơn ngưỡng mục tiêu 5,5% của chính phủ.