menu search
Đóng menu
Đóng

Tái cơ cấu nông nghiệp: Bỏ tư duy sản xuất kiểu "ăn xổi"

14:55 13/08/2015

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Vũ Nguyệt

Vinanet - Khi ký một loạt các Hiệp định thương mại tự do, Việt Nam trở thành một thị trường lớn. Vì vậy, sản xuất nông nghiệp phải xác định là hàng hóa làm để bán, sản phẩm phải mang tính cạnh tranh. Đặc biệt, cần áp dụng tư duy sản xuất, thị trường cần cái gì thì ta sản xuất cái đó.

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết hai năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp diễn ra vào sáng ngày 13-8, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, tái cơ cấu ngành đã góp phần duy trì tăng trưởng sản xuất kinh doanh của toàn ngành. Năm 2014, sản xuất tăng trưởng với tốc độ cao hơn (giá trị sản xuất ngành tăng 3.9%. tốc độ tăng GDP ngành  đạt 3,49% vượt mục tiêu chính phủ đề ra là 3,27% và cao hơn nhiều so với năm 2013 tương ứng là 3% và 2,64%. Ước 6 tháng đầu năm 2015, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 2,36% giá trị sản xuất toàn ngành ước tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2014.

Bộ trưởng Phát cũng khẳng định, khi ký một loạt các Hiệp định thương mại tự do, Việt Nam trở thành một thị trường lớn. Vì vậy, sản xuất nông nghiệp phải xác định là hàng hóa làm để bán, sản phẩm phải mang tính cạnh tranh. Bên cạnh đó, phải chuyển hẳn tư duy từ chạy theo số lượng, làm càng nhiều giá càng thấp, thu nhập thấp đi.

Về phía địa phương, ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, tỉnh đã chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang quy mô hàng hóa. Nhờ tái cơ cấu, nhiều ngành hàng chủ lực của tỉnh như cà phê, thủy sản trong 2 năm qua phát triển tốt hơn. Nhiều DN lớn chuyển sang đầu tư vào nông nghiệp như Hoàng Anh Gia Lai, Vingroup. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các DN chưa sẵn sàng hội nhập, năng suất trong nông nghiệp còn thấp, cơ cấu sử dụng lao động chưa hiệu quả.

Từ đó, đại diện tỉnh Lâm Đồng cũng kiến nghị bộ NN&PTNT rà soát cơ chế chính sách nguồn vốn phát triển nông nghiệp. Đối với Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách vốn ưu đãi đối với những sản phẩm tái cơ cấu như cà phê, thủy sản.

Cùng chia sẻ về vấn đề hội nhập của ngành nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đề xuất cần đánh giá lại mục tiêu mới trong bối cảnh nước ta đang thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do. Các sản phẩm của ngành nông nghiệp cần phải được nghiên cứu về năng lực cạnh tranh. Khâu tiêu thụ nông sản hiện có nhiều vấn đề lớn, chính vì vậy  nội dung rà soát đề án cần đươc xem xét trong bối cảnh mới của hội nhập.

Nếu không đặt trọng tâm vào vấn đề này thì sẽ mất năng lực cạnh tranh, mất thị trường xuất khẩu. Khi mở cửa thì vấn đề quản lý chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm rất quan trọng, bởi nếu bảo hộ bằng hàng rào kỹ thuật thì chính sản phẩm của ta không cạnh tranh được trên sân nhà.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, cần thay đổi tư duy sản xuất, thị trường cần cái gì thì ta sản xuất cái đó, không sản xuất những gì người dân tự có.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ N&PTNT cùng các địa phương có giải pháp quyết liệt trong triển khai. Thời gian là cấp bách khi nước ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế. Để giải quyết vấn đề này phải tạo ra khâu liên kết giữa DN và người nông dân. Đối với các địa phương  phải kêu gọi DN vào đề án tái cơ cấu của mình. Phó Thủ tướng cho biết, rất nhiều địa phương chưa quan tâm đến thương hiệu sản phẩm, chưa tận dụng cơ hội đầu tư của nước ngoài để thu hút vào nông nghiệp.

Vũ Nguyệt