Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về sự phù hợp của văn bản tạm thời hướng dẫn Luật Đầu tư nêu trên và không trái với các văn bản pháp luật có liên quan.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện các Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư để trình Chính phủ.
Luật Đầu tư có hiệu lực vào ngày 1-7, song đến nay các văn bản hướng dẫn Luật vẫn chưa được ban hành, gây lúng túng cho các cơ quan cấp phép đăng ký kinh doanh ở địa phương, cũng như gây ách tắc trong cấp phép cho doanh nghiệp.
Trong một cuộc họp gần đây do Văn phòng Chính phủ tổ chức, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, bà Trần Thị Bình Minh, cho biết tinh thần tự do kinh doanh theo Luật mới, ngoài 6 lĩnh vực bị cấm và 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trên thực tế vẫn chưa được tuân thủ sau 1-7.
“Luật mới không quy định việc phải ghi ngành nghề đăng ký kinh doanh trong hồ sơ đăng ký kinh doanh, nhưng thực tế lại không phải thế nên họ chờ. Họ chưa nộp hồ sơ,” bà Bình Minh nói.
Tại cuộc họp này, nhiều đại diện các sở Kế hoạch và Đầu tư địa phương cho biết, còn có một số quy định không rõ, khiến doanh nghiệp khó hiểu nên họ chưa muốn làm thủ tục đăng ký kinh doanh. Chẳng hạn, việc thay đổi thông tin đăng ký vẫn chưa có quy định về thời hạn xử lý thủ tục; thủ tục đăng ký kinh doanh của các hộ cá thể chưa rõ; chưa xử lý tình huống các doanh nghiệp trùng tên đăng ký kinh doanh.
Liên quan đến các điều kiện kinh doanh, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, bộ này đã phối hợp với các Bộ, cơ quan và địa phương thực hiện tập hợp, rà soát và phân loại các điều kiện kinh doanh; và đã có báo cáo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ tất các các điều kiện kinh doanh quy định tại các thông tư, quyết định của các bộ, các cấp chính quyền địa phương.
Kết quả rà soát và phân loại các điều kiện kinh doanh cho thấy, tương ứng với 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện là 6.475 điều kiện kinh doanh thuộc các cấp độ khác nhau, trong đó 3.299 điều kiện hiện đang quy định tại 170 thông tư, quyết định của các bộ.
Theo quy định của Luật Đầu tư 2014 thì 3.299 điều kiện này sẽ đương nhiên bị bãi bỏ và hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2015.
Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 8 ngày 26-11-2014 và có hiệu lực thi hành từ 1-7-2015. Để hoạt động đầu tư không bị gián đoạn do phải chờ Nghị định hướng dẫn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành văn bản tạm thời hướng dẫn Luật Đầu tư.
Nguồn:TBKTSG