menu search
Đóng menu
Đóng

Thuế quan của Trump có thể làm tăng giá thực phẩm và đồ uống

08:50 03/12/2024

Theo các chuyên gia về kinh tế nông nghiệp và giám đốc điều hành ngành, giá thực phẩm tại Mỹ có thể tăng vào năm tới đối với bơ, dâu tây và các sản phẩm tươi sống khác. Người tiêu dùng có thể đối mặt với tình trạng thiếu hụt, nếu Tổng thống đắc cử Donald Trump thực hiện kế hoạch áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico và Canada.
 
 
Mexico và Canada hiện là hai nhà cung cấp nông sản lớn nhất cho Mỹ, với tổng kim ngạch nhập khẩu nông sản đạt gần 86 tỷ USD vào năm 2023, theo dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và Hải quan Mỹ.
Các nhà kinh tế cho biết, thuế quan nhắm vào các lô hàng thực phẩm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài chính và hoạt động chuỗi cung ứng của Mỹ, đồng thời làm nổi bật mức độ phụ thuộc của quốc gia này vào các nước láng giềng trong việc cung cấp lương thực cho người dân.
Trump đã tuyên bố vào thứ Hai (25/11) rằng ông sẽ ký một sắc lệnh hành pháp trong ngày đầu tiên nhậm chức vào tháng 1/2025, trong đó sẽ áp đặt thuế suất 25% đối với tất cả các sản phẩm nhập khẩu từ Canada và Mexico nhằm giảm tình trạng ma túy và người di cư bất hợp pháp vào Mỹ.
Lance Jungmeyer, chủ tịch Hiệp hội Sản phẩm Tươi sống của Châu Mỹ, cho biết vào hôm thứ Ba (26/11) rằng người tiêu dùng Mỹ sẽ cảm nhận được rõ tác động tại siêu thị và nhà hàng khi một số mặt hàng sẽ không còn sẵn.
Jungmeyer nói: “Nhìn chung, chúng ta sẽ thấy ít mặt hàng hơn trong khu sản phẩm tươi sống. Các nhà hàng sẽ phải điều chỉnh lại thực đơn của mình, có thể giảm bớt lượng trái cây và rau quả hoặc giảm khẩu phần ăn."
Theo USDA, khoảng hai phần ba lượng rau củ và một nửa lượng trái cây, hạt nhập khẩu trên thị trường Mỹ có nguồn gốc từ Mexico, với gần 90% bơ, 35% nước cam và 20% dâu tây.
Theo dữ liệu thương mại của Mỹ, xuất khẩu bơ sang Mỹ đã tăng 48% kể từ năm 2019, do người tiêu dùng ngàng càng thích sử dụng bơ cho việc biến món salad và bánh mì sandwich. Dữ liệu của USDA cho thấy thị trường Mỹ chiếm khoảng 80% tổng lượng xuất khẩu bơ của Mexico, thương mại trị giá 3 tỷ USD vào năm 2023.
Alfredo Ramírez, thống đốc bang Michoacan, nơi sản xuất bơ chính của Mexico, cho biết: “Điều này sẽ tạo ra một vòng xoáy lạm phát”.
"Nhu cầu sẽ không giảm nhưng chi phí và giá cả sẽ tăng lên. Điều này sẽ khiến lạm phát gia tăng và ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng", ông nhận định.
Nguồn cung Margarita cũng có thể bị ảnh hưởng. Nhập khẩu bia và rượu tequila chiếm gần một phần tư tổng lượng hàng hóa nông sản nhập khẩu từ Mexico vào Mỹ trong năm 2023. Nhập khẩu rượu Tequila và Mezcal từ Mexico - cả hai loại này đều được sử dụng để pha chế cocktail, như margaritas - đạt tổng trị giá 4,66 tỷ USD vào năm 2023, tăng 160% so với năm 2019, theo dữ liệu từ Hội đồng Rượu chưng cất của Mỹ.
Nhóm này cho biết: "Thuế quan đối với các sản phẩm rượu từ các nước láng giềng sẽ tác động đến người tiêu dùng Mỹ và dẫn đến nguy cơ mất việc làm trong ngành dịch vụ khách sạn, khi mà các doanh nghiệp này vẫn đang trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch."
Sam Kieffer, phó Chủ tịch chính sách công của Liên đoàn Hiệp hội Nông trại Mỹ, một nhóm thương mại nông dân, cho biết thuế quan cũng có thể đẩy giá phân bón nhập khẩu từ Canada lên cao vào thời điểm nông dân phải trả tiền phân bón nhiều hơn gần 50% so với năm 2020.
"Hiện tại không phải là lúc để tạo ra làn sóng chấn động trong nền kinh tế nông nghiệp," ông Kieffer nói.
Xuất khẩu gia súc
Kế hoạch của Trump cũng có thể làm chậm lại quá trình xuất khẩu hơn 1 triệu con bò của Mexico qua biên giới mỗi năm, để phục vụ nguồn cung thịt bò của Mỹ.
Trong những năm gần đây, các nhà sản xuất Mỹ đã cắt giảm số lượng gia súc, khiến giá thịt bò tăng. Ông Bill Bullard, giám đốc điều hành của Quỹ Pháp lý Hành động Chủ trang trại - Người chăn nuôi Mỹ (R-CALF USA) cho biết họ có thể được hưởng lợi nếu thuế quan dẫn đến việc giảm nhập khẩu gia súc và thịt bò.
Tuy nhiên, thuế nhập khẩu cũng có thể đẩy giá thịt tại Mỹ lên cao hơn đối với người tiêu dùng. Dù vậy, ông Bullard cho rằng các nhà nhập khẩu và chế biến thịt có thể phải chịu thêm một số chí phí.
Ông nói: "Chúng tôi mong chờ việc áp thuế quan bởi điều này sẽ giúp cân bằng sân chơi cho những nhà sản xuất trong nước."
Ở phía bắc, thuế quan cũng có thể làm gián đoạn lô hàng thịt bò, bò sữa và lợn giữa Mỹ, Canada và có thể ảnh hưởng đến những nhà sản xuất ở cả hai quốc gia.
Theo Hội đồng Thịt Lợn Canada và Hội đồng Thịt Lợn Manitoba, riêng tỉnh Manitoba đã xuất khẩu khoảng 3 triệu con lợn con mỗi năm sang các nhà sản xuất ở Iowa, Minnesota, Nam Dakota và Nebraska, nơi ngô làm thức ăn chăn nuôi có giá rẻ hơn.
Sau đó, những người nông dân vùng Trung Tây sẽ nuôi và vỗ béo đàn lợn trong các chuồng chăn nuôi trước khi gửi chúng đến lò mổ. Thịt lợn sau khi chế biến sẽ được phân phối cho cả người tiêu dùng ở Mỹ và Canada.
Thương chiến Trump 2.0
Dự báo mới nhất từ USDA cho thấy Mỹ có thể sẽ thâm hụt thương mại nông sản hơn 42 tỷ USD vào năm 2025, một phần do sự quan tâm của người tiêu dùng đối với các sản phẩm trái mùa và rượu nhập khẩu từ Mexico.
Peter Tabor, luật sư và cố vấn chính sách cấp cao tại Holland & Knight, đồng thời là cựu quan chức thương mại USDA, cho biết việc đe dọa áp thuế có thể là một cách để Trump đạt được lợi thế đối với Mexico và Canada trong quá trình đàm phán lại hiệp định thương mại USMCA, dự kiến sẽ được xem xét lại vào năm 2026.
Tuy nhiên, nếu áp thuế cao trong thời gian dài, Mỹ có thể bị coi là đối tác thương mại không đáng tin cậy, và các nhà nhập khẩu hàng hóa Mỹ sẽ tìm nguồn cung khác để thay thế, ông Tabor cảnh báo.

Nguồn:Vinanet/VITIC/Reuters