menu search
Đóng menu
Đóng

Triển khai thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030

12:00 27/02/2024

Việt Nam đang bước vào thời kỳ phát triển mới với yêu cầu phát triển kinh tế nhanh và bền vững dựa trên đổi mới và sáng tạo. Kinh tế toàn cầu trong những năm tới được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp khó lường với rủi ro tiềm ẩn từ các cuộc xung đột địa chính trị, chiến tranh thương mại, dịch bệnh, chu kỳ khủng hoảng kinh tế, gây ra những hệ luỵ về đứt gãy chuỗi cung ứng, khủng hoảng năng lượng, áp lực lạm phát,…
 
Trong bối cảnh đó, xuất khẩu - một trong ba trụ cột của nền kinh tế cần được đảm bảo tăng trưởng bền vững trong dài hạn, hoạch định những định hướng chính sách mới, giải pháp căn cơ mang tính chiến lược đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu
Bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa còn một số tồn tại, hạn chế: Tăng trưởng xuất khẩu cao nhưng chưa bền vững khi cơ cấu thị trường xuất khẩu, nhập khẩu còn chậm chuyển dịch, cán cân thương mại song phương với một số thị trường lớn chưa hợp lý; nền kinh tế chưa khai thác hết lợi thế cạnh tranh xuất khẩu dựa vào công nghệ, trình độ lao động, quản lý… để tạo ra các nhóm hàng xuất khẩu có khả năng cạnh tranh cao, có hàm lượng khoa học, công nghệ cao. 
Những điểm yếu này thể hiện rõ trong năm 2023 khi xuất khẩu hàng hoá suy giảm do tác động từ tổng cầu thế giới cùng các yếu tố diễn biến khó lường, ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động xuất nhập khẩu trong tất cả các khâu từ cung ứng nguyên liệu, vận chuyển hàng hoá, thị trường xuất khẩu,... Yêu cầu phát triển xanh, thay đổi nhận thức của công chúng và trách nhiệm của doanh nghiệp liên quan đến bảo vệ môi trường, an toàn cho người tiêu dùng,... được cụ thể hoá thành các quy định, tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu cũng là yếu tố sẽ định hình lại thương mại toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá đến năm 2030 đã quan tâm đúng mức đến chất lượng tăng trưởng và tính bền vững của phát triển xuất nhập khẩu. Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 (gọi tắt là Chiến lược) được ban hành tại Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ quán triệt chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội của Đảng trong giai đoạn mới, quan tâm đến những xu hướng mới trong kinh tế - thương mại quốc tế như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn,…
Chiến lược có nhiều điểm nhấn quan trọng, cả về quan điểm, mục tiêu, định hướng và giải pháp thực hiện Chiến lược
* Điểm mới trong Quan điểm Chiến lược
Chiến lược đề cập 3 quan điểm, tương ứng với các yếu tố liên quan đến phát triển xuất nhập khẩu: chất lượng tăng trưởng; động lực của tăng trưởng và phương thức, định hướng tăng trưởng.
- Quan điểm Chiến lược nhấn mạnh yêu cầu phát triển xuất khẩu bền vững, đồng thời chỉ rõ các yếu tố để đạt được sự bền vững: hài hoà về cơ cấu, cán cân thương mại, về mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, về công bằng xã hội, về bảo vệ môi trường. Chiến lược cũng đề cập vấn đề thương mại xanh, thương mại công bằng đang là mối quan tâm của các nước phát triển trên thế giới.
- Quan điểm về phát triển xuất nhập khẩu gắn với các động lực mới: kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đổi mới sáng tạo.
- Quan điểm Chiến lược xác định vai trò của các ngành, địa phương trong phát huy lợi thế so sánh của ngành và địa phương, khai thác hiệu quả cơ hội và hạn chế các thách thức trong thực thi cam kết hội nhập kinh tế quốc tế.
* Điểm mới trong mục tiêu Chiến lược
Chiến lược đặt mục tiêu tổng quát là “Xuất nhập khẩu phát triển bền vững với cơ cấu cân đối, hài hoà, phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát triển thương hiệu hàng hoá Việt Nam, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu, là động lực của tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững”. Có thể thấy, so với Chiến lược xuất nhập khẩu thời kỳ 2011-2020, mục tiêu Chiến lược không đặt chỉ tiêu con số cụ thể mà xác định mục tiêu phát triển xuất nhập khẩu bền vững và là động lực của tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Đối với mục tiêu cụ thể, bên cạnh các mục tiêu về tăng trưởng xuất khẩu, nhập khẩu về quy mô và mục tiêu về cán cân thương mại, Chiến lược bổ sung mục tiêu về cơ cấu hàng xuất khẩu, cơ cấu thị trường xuất khẩu, nhập khẩu để cụ thể hoá quan điểm phát triển xuất nhập khẩu bền vững trên cơ sở hài hòa về cơ cấu hàng hóa, cơ cấu thị trường và cán cân thương mại với từng thị trường, khu vực thị trường.
* Điểm mới trong định hướng Chiến lược
Chiến lược xác định 3 định hướng lớn về xuất khẩu hàng hoá, nhập khẩu hàng hoá và phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu. Trong đó:
- Chiến lược bổ sung định hướng phát triển thị trường nhập khẩu hàng hoá, đặt ngang tầm với nhiệm vụ phát triển thị trường xuất khẩu hàng hoá.
- Về định hướng chung xuất khẩu hàng hoá, Chiến lược định hướng phát triển xuất khẩu bền vững, phát huy lợi thế so sánh và chuyển đổi mô hình tăng trưởng hợp lý theo chiều sâu; coi trọng vấn đề sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo vệ môi trường sinh thái và giải quyết tốt các vấn đề xã hội.
- Về định hướng ngành hàng xuất khẩu, Chiến lược không đề cập cụ thể định hướng nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản (hiện chỉ còn chiếm 1% kim ngạch xuất khẩu), thay vào đó bổ sung định hướng “Không khuyến khích phát triển sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng thâm dụng tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường; chú trọng đầu tư phát triển xuất khẩu các sản phẩm kinh tế xanh, thân thiện với môi trường.”
* Triển khai thực thi Chiến lược
Ngày 19/11/2022, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 19/11/2022 ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030. Chương trình hành động giao các Bộ, ngành xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình hành động, trong đó xác định rõ các nhiệm vụ, đề án thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành.
Bộ Công Thương, với vai trò là đầu mối theo dõi triển khai thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu đã có Quyết định số 602/QĐ-BCT ngày 09/3/2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về ban hành Kế hoạch hành động triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá đến năm 2030 với các nhiệm vụ chi tiết, cụ thể cho các đơn vị của Bộ Công Thương.

Nguồn:Hồng Anh tổng hợp

Link gốc