menu search
Đóng menu
Đóng

USD tuần qua tăng mạnh nhất 2 tháng, chứng khoán Châu Á biến động trái chiều

14:17 22/08/2021

Chỉ số đồng USD (dollar index) tuần qua tăng 1% lên 93,734, mức tăng nhiều nhất hai tháng và dao động quanh mức cao nhất kể từ tháng 11 năm 2020 bởi nhu cầu mua mạnh của nhà đầu tư đối với tài sản an toàn do lo ngại sự gia tăng của virus biến thể Delta có thể làm giảm tốc độ hồi phục kinh tế toàn cầu, và các quan chức Cục Dự trữ Liên bang bắt đầu thảo luận về việc giảm kích thích tài chính trong năm nay.
 
Phiên thứ Năm (19/8), dollar index vọt lên mức cao nhất 9,5 tháng khi nhà đầu tư tháo chạy khỏi tài sản rủi ro và tìm đến USD. Phiên cuối tuần (20/8), giá giảm nhẹ khỏi mức đó, song vẫn cao nhất khoảng 9 tháng.
Kết thúc phiên này, dollar index ở mức 93,491.
Nhiều yếu tố đang đẩy đồng USD lên những mức cao mới. Do đó, mặc dù hành động của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không phải một sớm một chiều, nhưng có vẻ nhu cầu đối với USD đang rất mạnh mẽ, đến từ việc các nhà đầu tư rút lui khỏi những tài sản sinh lời ở nước ngoài.
Các chiến lược gia của Westpac viết trong một báo cáo nghiên cứu rằng: "Các thị trường đang bất ổn bởi sự lan rộng của virus biến thể Delta và triển vọng phục hồi toàn cầu đang xấu đi, nhưng Fed vẫn tiếp tục nhích dần về hướng giảm dần kích thích kinh tế", điều đó đã đẩy chỉ số USD "vào vị thế tăng không ngừng và bứt phá lên mức cao mới", có thể sẽ cán mốc 94 vào cuối năm nay, khi những đồn đoán về chính sách của Fed trở thành hiện thực.
Biên bản cuộc họp tháng 7 của Fed, được công bố vào thứ Tư (18/8) cho thấy các quan chức Fed phần lớn ủng hộ việc giảm dần mua trái phiếu hàng tháng vào cuối năm nay, mặc dù thời gian bắt đầu giảm và tốc độ giảm sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như làm phát, tỷ lệ thất nghiệp hay đại dịch Covid-19 gây ra rủi ro như thế nào đối với quá trình hồi phục kinh tế.
Dữ liệu gần đây cho thấy, số người thất nghiệp ở Mỹ tuần trước đã giảm lần thứ tư liên tiếp xuống mức thấp mới kể từ trước khi đại dịch đến nay, khi các nhà tuyển dụng tăng cường tuyển dụng để đáp ứng sự gia tăng nhu cầu của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, hôm thứ Sáu (20/8), Chủ tịch Fed Dallas Robert Kaplan cho biết rằng ông có thể cần phải điều chỉnh quan điểm của mình về thời điểm Fed nên bắt đầu giảm bớt chương trình mua tài sản nếu biến thể delta vẫn tồn tại và ảnh hưởng đến tiến bộ kinh tế. Số ca nhiễm Covid-19 hàng ngày ở Mỹ đã tăng vọt từ dưới 10.000 vào đầu tháng 7 lên hơn 150.000 vào tháng 8 này, khi biến thể Delta hoành hành mạnh mẽ.
Việc Fed giảm mua nợ được nhiều người coi là yếu tố tích cực đối với đồng USD vì sẽ làm tăng lợi suất trái phiếu Chính phủ, khiến việc nắm giữ tài sản bằng USD trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.
Tuần qua, các đồng tiền rủi ro như đô la Australia (AUD) và đô la New Zealand (NZD) đều giảm mạnh, theo đó AUD giảm xuống mức thấp nhất 9,5 tháng, trở thành đồng tiền trong tuần này có mức giảm giá nhiều nhất kể từ tháng 9/2020, khi việc phong tỏa ở Sydney để chống sự lây lan của Covid-19 bị kéo dài thêm một tháng. Đồng NZD cũng giảm xuống mức thấp mới, thấp nhất 9 tháng. Chính phủ nước này đã gia hạn thời gian phong tỏa chống Covid-19, khiến ngân hàng trung ương nước này cũng phải hoãn kế hoạch nâng lãi suất.
Chiến lược gia của Ngân hàng Quốc gia Australia, Rodrigo Catril, viết trong một lưu ý gửi tới khách hàng của mình rằng: "Tâm lý lảng tránh tài sản rủi ro đã thúc đẩy đồng bạc xanh tăng lên.
Đô la Canada (CA) giảm xuống mức thấp nhất 6 tháng, là 1,2832 đô la Canada trong bối cảnh giá dầu giảm do những lo lắng về nền kinh tế toàn cầu.
Đồng euro hồi phục nhẹ 0,1% lên 1,1682 USD, nhưng vẫn quanh mức thấp nhất 9,5 tháng, là 1,16655 USD. Tính chung cả tuần, EUR mất gần 1%, nhiều nhất kể từ giữa tháng 6.
Đồng yên, một đồng tiền trú ẩn an toàn khác, giảm nhẹ so với USD, xuống 109,69 JPY/USD.
Bảng Anh giảm xuống mức thấp nhất 1 tháng so với cả USD và EUR, là 1,3619 USD, tính chung cả tuần mất 1,71%, mức giảm mạnh nhất trong 2 tháng.
USD tang manh
Các đồng tiền Châu Á khác cũng tiếp tục lao dốc so với USD, trong đó ruiah Indonesia giảm mạnh nhất, mất 0,5% so với phiên liền trước do dữ liệu cho thấy thâm hụt tài khoản vãng lai của nước này trong quý II đã tăng lên 0,8% tổng sản phẩm quốc nội.
Đồng won của Hàn Quốc cũng tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất 11 tháng, sau khi giảm suốt 8 trong số 9 phiên giao dịch gần đây.
Các nhà phân tích của Mizuho Bank viết trong một thông báo rằng: “Các nhà chức trách đã giải thích vấn đề này là do mất cân bằng cung cầu trong ngắn hạn, có khả năng cần đến sự can thiệp của BoK (Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc) để làm giảm bớt sự dư thừa”. Những quy định ngày càng siết chặt để ngăn chặn lạm phát ở Trung Quốc gây lo ngại về tăng trưởng kinh tế, trong khi Covid-19 bùng phát trở lại khiến các nhà đầu tư quay lưng lại với nhân dân tệ (CNY). Đồng CNY chiều 20/8 giảm xuống mức thấp nhất 3 tuần, là 6,51 CNY/USD trên thị trường nước ngoài. Trong nước, CNY giảm 67 pip so với ngày hôm trước, còn 6,5014 CNY, so với đầu tuần hiện đã mất khoảng 0,4% so với USD, mức giảm hàng tuần nhiều nhất kể từ giữa tháng 6, khi các nhà đầu tư mau chóng mua vào các tài sản an toàn do có những lo ngại về đại dịch trên toàn cầu.
Trong chỉ riêng tuần này, Trung Quốc đã công bố các quy định nghiêm ngặt hơn về cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ, triệu tập các giám đốc của tập đoàn bất động sản Evergrande để cảnh báo họ giảm nợ.
Sau khi ban hành các quy định đối với nhiều lĩnh vực, từ sản xuất thép đến thương mại điện tử và giáo dục, động thái mới đang tác động đến lòng tin vào một thị trường có thể vẫn chưa phục hồi sau nhiều tháng các cổ phiếu bị bán ra.
USD tang manh
Chứng khoán Singapore phiên 20/8 tăng tới 0,9% sau khi cơ quan quản lý hàng không nước này cho biết họ sẽ cho phép nhập cảnh miễn kiểm dịch từ tháng tới đối với du khách từ một số quốc gia nhất định.
Trong khi đó, chứng khoán của Hàn Quốc rơi xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 3 và tính chung cả tuần giảm nhiều nhất gần 7 tháng. Quốc gia này đã mở rộng các biện pháp giãn cách xã hội trong hai tuần để ngăn chặn sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19.
Tại Philippines, chứng khoán kéo dài mức tăng lên ngày thứ năm sau khi Tổng thống Rodrigo Duterte thông qua việc nới lỏng các hạn chế chống Covid-19 ở khu vực thủ đô. Chứng khoán Malaysia cũng tăng sau khi nhà Vua của nước này dự kiến sẽ công bố việc bổ nhiệm một Thủ tướng mới sau cuộc họp với các nhà lãnh đạo hoàng gia khác.
Giá cổ phiếu của các công ty công nghệ Trung Quốc giảm xuống mức thấp kỷ lục mới trong phiên 20/8 và chỉ số Hang Seng của Hong Kong chạm mức thấp nhất trong gần 10 tháng, khi nước này thực hiện các biện pháp kiểm soát làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhà đầu tư.
Giá trị thị trường của các công ty niêm yết tại Hong Kong và Thượng Hải sụt giảm hơn 560 tỷ USD trong một tuần khi các quỹ bán ra các cổ phiếu từng được ưu tiên, khi không chắc chắn lĩnh vực nào sẽ được nhằm vào tiếp theo.
Chỉ số Hang Seng giảm 1,8% trong phiên cuối tuần và giảm 5,8% trong cả tuần, mức giảm mạnh chưa từng có kể từ các thị trường tài chính hoảng loạn nhất do đại dịch vào tháng 3/2020.
Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 1,1%, chốt phiên ở mức thấp trong hơn hai tuần trong phiên 20/8.
Các cổ phiếu tại Thượng Hải cũng giảm, trong khi các nhà đầu tư bán ra trái phiếu doanh nghiệp có rủi ro và đồng nhân dân tệ.
USD tang manh
Về triển vọng USD, tâm điểm theo dõi của thị trường tiền tệ lúc này là hội nghị chuyên đề
Jackson Hole hàng năm, sẽ diễn ra ở Wyoming từ ngày 26 đến 28 tháng 8.
Các nhà đầu tư cũng theo dõi quyết định về lãi suất cho vay chuẩn của Trung Quốc, sẽ công bố vào cuối ngày 20/8. Một cuộc khảo sát của Reuters dự kiến ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ không có quyết định thay đổi gì trong tháng thứ 16 liên tiếp.
"Mặc dù các dấu hiệu phục hồi kinh tế chậm lại đã khiến nhiều chuyên gia kêu gọi Chính phủ cắt giảm lãi suất, song lãi suất cho vay dự kiến sẽ không thay đổi. Tuần này có một số lượng thanh khoản bơm vào hệ thống tài chính thông qua các khoản vay trung hạn", Yeap Jun Rong, một chiến lược gia thị trường của IG cho biết.

Nguồn:VITIC / Reuters, tradingeconomics

Tags: tỷ giá