menu search
Đóng menu
Đóng

VCCI: Tăng lương tối thiểu trên 10%, doanh nghiệp sẽ phá sản hàng loạt

15:23 07/08/2015

Vinanet - Tổ chức đại diện người sử dụng Lao động (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho rằng nếu không đưa ra mức điều chỉnh lương hợp lý khả năng số doanh nghiệp ngừng hoạt động và phá sản sẽ tiếp tục gia tăng.
Trong bản thông cáo mới nhất, VCCI cho biết, trong quá trình thương thảo sau khi xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến điều kiện làm việc, đời sống của người lao động, các thành đại diện tổ chức đại diện Người sử dụng Lao động đã thảo luận và đưa ra mức điều chỉnh mức tăng lên 10%.

Lý do khiến VCCI đưa ra đề xuất trên là do hiện nay thực trạng các doanh nghiệp vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Doanh nghiệp lớn chỉ chiếm chưa đầy 2%, còn lại là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ và gần 70% doanh nghiệp kinh doanh không có lãi.

Trong 7 tháng đầu năm 2015 đã có 37.829 doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể, tăng 1,2% so với cùng ký năm ngoái trong đó tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 97%. Tỷ lệ thất nghiệp tăng thêm và tỷ lệ người có việc làm giảm xuống.

VCCI cho rằng, để có thể tăng lương và cải thiện đời sống cho người lao động thì yếu tố quyết định dựa vào việc tăng năng suất lao động và chất lượng công việc như quy định tại mục 2 điều 90 của Bộ Luật lao động.

“Hiện nay năng suất lao động của các doanh nghiệp Việt Nam còn thấp hơn so với các nước trong khu vực. Vì vậy trong bối cảnh 70% doanh nghiệp làm ăn không có lãi thì khả năng đầu tư của doanh nghiệp vào việc đổi mới thiết bị công nghệ nhằm tăng năng suất lao động sẽ bị hạn chế. Hơn nữa việc tận dụng một số cơ hội khi hội nhập cũng cần phải có thời gian”, VCCI lập luận.

Đại diện Giới chủ sử dụng lao động phân tích, với mức tăng 10% như đã nêu ở trên thì thực tế người lao động ngoài mức lương tăng thêm 10% còn được hưởng các chế độ an sinh xã hội cao hơn như chế độ nghỉ phép năm, thai sản, ốm đau, tiền làm thêm giờ…

Trong khi đó, từ 1/1/2016 người sử dụng lao động phải đóng các khoản chi phí cho người lao động tăng thêm 35% - 40% so với năm 2015 vì mức lương làm căn cứ đóng các chế độ bảo hiểm và kinh phí công đoàn cho người lao động sẽ bao gồm tiền lương và các khoản phụ cấp.

Ngoài ra, năm 2016, doanh nghiệp cũng sẽ phải đóng thêm các chi phí liên quan tới lao động nữ, chính sách về an toàn vệ sinh lao động…

“Với mức tăng lương tối thiểu vùng thêm 10% như đề xuất của Giới sử dụng lao động thì thực tế chủ lao động lao động đã phải trả lương và đóng các khoản bảo hiểm, kinh phí công đoàn cho người lao động tăng lên từ 17-18%", VCCI bày tỏ quan điểm.

“Đây thực sự là cú sốc lớn đối với doanh nghiệp, nếu không đưa ra mức điều chỉnh hợp lý khả năng số doanh nghiệp ngừng hoạt động và phá sản sẽ tiếp tục gia tăng”, VCCI lo lắng.

Trước đó, ngày 5/8 vừa qua, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã tổ chức phiên họp đầu tiên để trao đổi về phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2016. Căn cứ vào những cơ sở dữ liệu và lập luận như tình hình kinh tế xã hội, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tiền lương, việc làm, năng suất lao động và mức sống của người lao động… VCCI ban đầu đưa ra mức tăng khoảng  từ  6-7%.

VCCI đánh giá “đây là mức hợp lý phản ánh đúng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp”. Sau đó, VCCI đưa ra mức điều chỉnh mức tăng lên 10%.

Trong cuộc họp, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đại diện cho người lao động đề xuất mức lương tối thiểu vùng năm 2016 tăng trong khoảng từ 350.000 đồng đến 550.000 đồng/tháng so với năm 2015, tương đương tăng trung bình khoảng 17% so với năm 2015.

 

Phạm Hà Nam