menu search
Đóng menu
Đóng

Vingroup đàm phán chuyển giao công nghệ vaccine của Mỹ, tháng 8 có thể thử nghiệm lâm sàng

10:00 26/07/2021

Nhà máy sản xuất vaccine của Vingroup có công suất khoảng 100 đến 200 triệu liệu/năm.
Vingroup thành lập công ty dược vào đầu tháng 6 với vốn 200 tỷ đồng.
 
Chiều ngày 23/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp với Bộ Y tế, Bộ Khoa học và công nghệ cùng các công ty phát triển vaccine tại Việt Nam.
Theo thông tin tại phiên họp, Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) đã tiếp cận đàm phán chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine với Công ty Acturus, Mỹ. Đơn vị dự kiến tháng 8 có thể bắt đầu thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam. Nhà máy có công suất 100 đến 200 triệu liều/năm.
Arcturus Therapeutics phát triển vaccine có tên Arcturus Covid-19, còn có tên gọi khác là Lunar-Cov19, dùng công nghệ mRNA tương tự như vaccine của Pfizer và Moderna.
Vào đầu tháng 6, Vingroup đã thành lập Công ty cổ phần Công nghệ Sinh học Vinbiocare, đăng ký sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu bao gồm sản xuất vaccine, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học y, dược.
Vốn điều lệ Vinbiocare là 200 tỷ đồng. Vingroup đầu tư 138 tỷ đồng, tương đương 69% vốn. Nhà đầu tư còn lại là cá nhân Phan Thu Hương, góp 2 tỷ đồng, Phan Quốc Việt góp 60 tỷ đồng. Bà Mai Hương Nội, Phó Tổng giám đốc tập đoàn đảm nhiệm vai trò là Chủ tịch HĐQT Vinbiocare.
Bên cạnh lập công ty sản xuất vaccine thì Vingroup cũng tài trợ nhiều cho hoạt động phòng chống dịch thông qua việc sản xuất và tài trợ máy thở, tài trợ nghiên cứu vaccine, tài trợ các chuyến bay nhân đạo… Cụ thể, Vingroup đã triển khai sản xuất máy thở các loại (xâm nhập, không xâm nhập) và máy đo thân nhiệt nhằm cung ứng cho thị trường Việt Nam. Trong tháng 8/2020, tập đoàn đã tặng 3.000 máy thở Vsmart VFS - 410 và 200 máy thở xâm nhập VFS - 510 cho Bộ Y tế.
Đầu năm nay, Vingroup tài trợ 20 tỷ đồng cho Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC, thuộc Bộ Y tế) để nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine Covivac phòng Covid-19. Tập đoàn cũng được cho là tài trợ hàng trăm triệu USD cho quá trình nghiên cứu và thử nghiệm Nanocovax - vaccine nội địa đang được đề nghị cấp phép khẩn.
Việt Nam hiện đàm phán chuyển giao, nghiên cứu và sản xuất 4 loại vaccine gồm 2 sản phẩm nội địa và 2 sản phẩm nhận chuyển giao công nghệ. 2 sản phẩm nội địa là Covivac và Nanocovax do Viện Pasteur TP HCM và Học viện Quân y nghiên cứu, Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen phát triển. Cùng với sản phẩm đang đám phán chuyển giao công nghệ của Vingroup thì sản phẩm vaccine chuyển giao còn lại là vaccine Sputnik-V do Công ty AIC và Công ty Vabiotech ký thỏa thuận với Công ty Shionogi (Nhật Bản) thực hiện.

Nguồn:ndh.vn

Link gốc